Đối mặt với... tiểu đội “giặc Ngô”

Khi tôi quyết định lấy anh, bố mẹ tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì quả bom nổ chậm đã được đẩy đi, mừng vì chàng rể tương lai đáng tin cậy. Nhưng bên cạnh cái sự mừng ấy, mẹ tôi mất ăn mất ngủ bởi nỗi đội ngũ “bà cô bên chồng” của tôi hùng hậu quá.

 

Đối mặt với... tiểu đội “giặc Ngô” - 1


Qua ải mẹ chồng

 

Rồi cái ngày trọng đại nhất cũng diễn ra trong sự hoan hỉ của hai họ. Mẹ tôi dặn dò: “Cố gắng con nhé, một sự nhịn chín sự lành”. Cái này với mẹ tôi thì đơn giản thôi bởi bà quá hiền từ và nhẫn nhịn, chứ tôi - chẳng hiền mà cũng không giỏi nhịn - thì sẽ ra sao đây?

 

Ngày đầu tiên ở nhà chồng, mọi thứ khá suôn sẻ. Ngay hôm sau, đến bữa ăn tôi ngồi đầu nồi, xới những bát cơm đầu tiên cho bố mẹ chồng. Nhưng mẹ chồng tôi không đón bát cơm con dâu xới mà nhăn mặt: “Bát đầu tiên con phải xới cho con, vì lớp cơm trên bao giờ cũng cứng, khô. Sau đó xới cho mọi người, cuối cùng đến bố mẹ, vì lớp cơm dưới mềm, dẻo phù hợp với người già”.

 

Quả thực, đây là lần đầu tiên tôi được nghe đến tập tục này, trước giờ bố mẹ tôi vẫn dạy phải xới cho người lớn nhất để tỏ sự kính trọng. Coi như một “bài học” mới! Tôi tự nhủ.

 

Rồi gần như ngày nào tôi cũng nhận được một “bài học” mới. Nào là chồng tôi không được rót nước cho vợ khi có mặt bố mẹ, vì như thế là thất lễ (?). Nào là năng giao du với hàng xóm láng giềng (điều này thì tôi chúa ghét, “buôn dưa lê” có gì hay?). Nào là thỉnh thoảng phải dắt các cháu đi chơi (ngày đi làm tối về mệt nhoài, cộng thêm căng thẳng của nàng dâu mới, tôi không tha nổi thân mình đi chơi chứ nói gì đến cháu!).

 

Tuy vậy, nhớ lời mẹ dặn, tôi không cãi lại câu nào, mẹ chồng nói gì tôi cũng gật, nhưng gật xong thì để đấy, chẳng làm theo điều khoản nào hết. Thậm chí cả việc xới cơm, tôi vẫn thấy việc xới cho mình trước cứ làm sao đấy, nên tôi quyết định xới cho ông bà trước nhưng sẽ moi xuống tận đáy nồi để được phần cơm dẻo.

 

Những ngày đầu, mặc dù đi từ “cú sốc” này đến “cú sốc” khác, nhưng với bản tính “ngoan cường”, tôi chỉ thực hiện những gì thấy có lý và trong khả năng của mình, còn lại thì tôi... làm lơ.

 

Khoảng một tháng, mẹ chồng có lẽ lờ mờ nhận ra đằng sau cô con dâu có vẻ ngoan ngoãn (cái gì cũng gật) là một sự “chống đối”. Vì vậy, một tối, sau bữa cơm, bà theo vợ chồng tôi lên phòng riêng và bắt đầu giáo huấn kéo dài từ 8 giờ tối cho đến khi kim đồng hồ chỉ... một giờ sáng.

 

Con trai bà (là chồng tôi) đã gục từ lúc nào không rõ, còn tôi vẫn kiên trì ngồi... gật. Có lẽ thấy dạy vậy cũng đủ, hơn nữa thấy tôi tỏ ra hết sức lắng nghe nên bà quyết định dừng lại.

 

Sau cuộc nói chuyện “lịch sử” đó, bà cũng chấm dứt thời kỳ dạy dỗ tôi mỗi ngày. Chẳng phải vì tôi giỏi giang gì hơn mà có lẽ vì bà cũng nản, vì bà có dạy mười phần thì tôi cũng chỉ làm được một phần mà thôi. Được cái tôi không bao giờ cãi lại bà, mà mẹ chồng tôi có lẽ không thuộc tuýp người thích “độc thoại”. Thú thực, chính tôi cũng phải ngạc nhiên vì... tôi. Hoá ra tôi cũng tiềm ẩn khả năng “nhịn” thuộc hàng siêu đẳng. Chính tôi cũng không hiểu vì sao mình lại có thể “tốt nhịn” như thế. Kể ra lời căn dặn của mẹ đẻ dành cho tôi ngày vu quy chẳng thừa. Cái ải mẹ chồng xem như tôi đã qua được.

 

Vượt nạn giặc Ngô

 

Theo nhận xét của hàng xóm thì bốn bà chị chồng và một cô em chồng mà tôi đang sở hữu thuộc hạng “nói có võ”. Gần như ngày nào cả năm “bà cô” này cũng tụ tập ở nhà bố mẹ chồng tôi. Ngoài một chị chồng bỏ, một chị hâm dở không lấy chồng và một cô em cũng chưa ai rước, thì hai chị còn lại tuy có gia đình riêng nhưng ở gần đấy nên thường xuyên ghé về để ăn và... chơi.

 

Trong nhà dường như không bao giờ thiếu tiếng nói, có chăng chỉ thiếu tiếng cười. Vì ngoài ăn và chơi, mấy bà chị chồng liên tục có những bất hoà bởi những chuyện nhỏ nhất. Và chính nhờ vậy, họ không những không liên kết nhau để “đàn áp” tôi mà ngược lại, ai cũng tìm cách “mua chuộc” để kéo tôi về “phe mình”. Cái này quá là hên cho tôi, nhưng tôi cũng đến là khổ vì gần như ngày nào cũng ngồi nghe họ nói xấu lẫn nhau.

 

Tôi gật không xong mà lắc cũng chẳng được, bởi lắc hay gật tôi đều có nguy cơ trượt từ vị trí đồng minh sang... địch thủ. Cuối cùng tôi chọn giải pháp không gật, không lắc nhưng tỏ ra thiện chí “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Rất may, tôi dù tỉnh táo để không nhân rộng những câu chuyện nhạy cảm. Chính vì thế, các chị cực kỳ tin tưởng tôi, gần như tôi trở thành cái bồ cho họ trút xả nỗi niềm. Trong chuyện này, có thể nói, tôi tự hào về... tôi quá xá.

 

Duy có chuyện “thu phục” cô em chồng bằng tuổi mình là tôi gặp gian nan hơn cả. Là con út, lại được nuông chiều nên tính tình cô nàng rất đỏng đảnh, lại thêm chút tính quái kiểu “giặc bên Ngô”. Tuy không bắt nạt tôi ra mặt nhưng cô tỏ ra thế “chủ nhà” bằng cách không động tay chân vào bất cứ việc gì trong nhà. Kể cả khi tôi mang thai thì người bê mâm bát đi rửa vẫn là tôi. Để cải thiện tình thân, mỗi khi đi đâu xa về, bao giờ tôi cũng mua những món quà phù hợp với cô. Nhưng tình hình vẫn không được cải thiện là mấy, cô nàng chưa bao giờ mở mồm cảm ơn tôi lấy một câu. Thậm chí vì chuyện này mà anh trai nàng (là chồng tôi) đã không ngần ngại “dạy dỗ” em mình. Và khỏi phải nói thêm là sau đó mối quan hệ giữa chúng tôi càng tồi tệ đến mức nào.

 

Rất may là một năm sau cô nàng đi lấy chồng. Nhưng chỉ được vài năm, do cuộc sống bên nhà chồng không suôn sẻ, cô lại phải trở về. Dĩ nhiên lúc này cô đã bớt thói đỏng đảnh, kiêu ngạo. Giờ thì cô rất thân thiện với tôi. Bởi cuối cùng cô cũng nhận thấy rằng khi khó khăn nhất tôi lại là người quan tâm đến cô hơn cả.

 

Đã 10 năm kể từ khi tôi bước chân vào nhà chồng. Tôi không còn cảm giác của người “ở nhờ” mà thực sự có vai trò của một trụ cột. Bố mẹ chồng hoàn toàn tin tưởng và yêu quý cô con dâu ngang ngạnh là tôi. Giờ thì tôi có thể mạnh mồm mà nói rằng dù có cả tiểu đội “giặc Ngô” đi nữa tôi cũng không ngại.

 

Theo Anh Thư

Gia đình trẻ