Đi qua những mùa gặt

(Dân trí) - Mùa gặt, nắng chói chang. Gió Lào quăng quật. Mệt đến ngộp thở. Người lớn, trẻ con đen nhẻm, gầy quắt vì nắng và gió nhưng vui bởi một lẽ, một mùa giáp hạt, thiếu đói đã bị đẩy lùi phía sau.

Tôi sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung đầy nắng, gió Lào và bão lụt. Quê tôi, một huyện đồng bằng chiêm trũng được thiên nhiên ưu ái bởi những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Đất chỉ có thể trồng được lúa, ngoài ra, chẳng thể canh tác được bất kỳ loại cây lương thực nào.

Đất rộng, hầu như nhà nào cũng được chia nhiều ruộng, mỗi nhà 6-7 sào hay cả mẫu lúa là chuyện bình thường. Ấy vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo vì xưa nay có mấy ai giàu lên từ đất lúa?

Nhà tôi 6 khẩu, một mẫu hai ruộng (mỗi sào Trung bộ có diện tích 500m2 đất). Ngày mùa, rơm, lúa chất ngồn ngộn cả sân. Vậy nhưng, hết mùa gặt, cũng là khi lúa bị bán gần hết. Số để trả nợ, số nạp sản phẩm, số nạp tiền học phí cho 4 chị em tôi.

Hết mùa, khuôn mặt gầy đét của cha lại xám xịt những lo toan. Tiếng thở dài của mẹ não lòng hơn. Còn 4 chị em tôi vẫn hồn nhiên vui mừng bởi lẽ, nhà chật, không có nơi để lúa, cha cứ tống hết xuống gầm giường. Nắng nóng từ ngoài phả vào, nóng từ đống lúa dưới gầm giường bốc lên, đứa nào cũng ngọ nguậy, ngứa ngáy cả đêm, không ngủ được. Bán hết lúa rồi, thành ra nhà lại mát!

Đi qua những mùa gặt

Ngày mùa, cả nhà túa ra đồng từ tinh mơ. Nắng lên cháy sém mặt người mới về nhà. Cha mẹ lại tất tả phơi phóng. Đó là ngày nắng. Ngày động mưa, cực không nói hết. Chạy được về nhà, có khi lúa cũng đã ướp nhẹp, phải dùng gạch, rơm chẹn các góc sân lại để lúa khỏi trôi ra vườn. Mai, hửng nắng lại hì hụi mang ra phơi.

Khổ nhất có lẽ là tuốt lúa. Cái thời còn dùng máy tuốt lúa chưa gắn động cơ, cha một bàn, mẹ một bàn, cứ nhún chân vào cái tấm gỗ phía dưới máy mà đạp cho nó quay. Gặp loại lúa dai, cứ gọi là toát mồ hôi hột. Nhiều khi mỏi quá, mẹ “điều” chị gái tôi, khi đó còn chưa cao bằng mặt bàn máy tuốt ra dẫm hộ.

Rồi mấy mùa sau, bán cả gần tấn lúa, cha cũng mua được cái mô tơ quấn vào trục máy tuốt. Thế là thoát khỏi cái kiếp đạp máy chân. Chẳng hiểu mua loại máy ít tiền hay máy dởm nhưng điện yếu là cái động cơ chạy è è, không quay nổi. Bởi vậy, khi cả làng tuốt lúa thì nhà tôi ngủ. 2-3h sáng, cha thức cả nhà dậy để tuốt. Vừa tuốt, vừa ngủ gật, có khi răng máy kéo cả lúa lẫn tay vào guồng. Thấy đau, giật mình tỉnh cả ngủ.

4-5h sáng, lúa tuốt xong, mấy chị em tôi vật ra thềm ngủ mê mệt, giữa mùi thơm của lúa và rơm mới. Cha mẹ lại hì hụi cào lúa, đạp gié (thứ lúa chưa chín hẳn, bị bứt ra khỏi bông kèm theo một đoạn giẻ lúa dài). Bàn chân cha cũng vì thế mà chai sần thêm. Chiếc máy tuốt lúa đó gắn bó với gia đình tôi mãi cho tới khi có máy tuốt lúa liên hoàn. Đến bây giờ tôi vẫn không tài nào hiểu nỗi tại sao cha không mua cái máy mới. Để mỗi khi nhớ lại, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác ám ảnh bị dựng dậy tuốt lúa từ lúc quá nửa đêm, khi đang ngủ sau một ngày đi gặt lả người dưới nắng nóng.

Mùa tháng Năm, mệt mỏi, quần quật và gấp gáp hơn bởi cha bảo “hai mùa nhập một”. Nghĩa là gặt xong, bắt tay vào làm đất để chuẩn bị cho mùa tháng Mười. Mệt nhưng con nhà nghèo chúng tôi có niềm vui ít ai có thể hiểu được. Đó là chấm dứt chuỗi ngày ăn đói, ăn khoai độn cơm. Chấm dứt mùa giáp hạt kéo dài cả mấy tháng trời đằng đẵng.

Dẫu làm hơn một mẫu ruộng nhưng trăm thứ chi tiêu phải trông vào đó bởi vậy, hết Tết là nhà tôi lâm vào cảnh thiếu đói. May mắn, sau những ngày phụ xây, cha mẹ có thể mua về một ít gạo. Thứ gạo miền Nam hạt to, nấu cơm lên, hạt tơi bở, ăn chẳng có mùi vị gì. Gạo không có nhiều nên đến bữa, cơm phải chia bát cho mỗi người. Bởi vậy, chúng tôi háo hức tới mùa gặt, để được ăn thỏa thích cơm. Thứ cơm dẻo, thơm phức…

Không phải năm nào thời tiết cũng thuận lợi. Có những mùa tháng Năm, trời mưa suốt. Lúa chưa chín hẳn, cha quyết định gặt về một ít để ăn chống đói. Trời mưa, không thể phơi được lúa khén, trong khi đó, cái bụng của lũ con chúng tôi cứ réo ùng ục. Cha đạp tạm vài bó lúa, mẹ đưa số lúa ít ỏi đó mang lên chảo rang.

Có những mẻ rang quá tay, hạt gạo xay ra có màu vàng vàng. Nấu thành cơm, nồi cơm có màu lạ, trắng vàng lẫn lộn nhưng thơm hơn. Chị em chúng tôi cứ vục đôi đũa cả vào nồi, dặt chặt bát, chan nước rau muống và cà pháo muối dòn ăn một cách ngon lành, háo hức như thể từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ được ăn bữa cơm nào ngon như thế.

Chúng tôi lớn lên, đi học xa, chi tiêu vì thế cũng nhiều hơn, trong khi đó ruộng đất vẫn vậy. Hơn một mẫu ruộng, chỉ có cha và mẹ làm. Mồ hôi đổ xuống, hạt lúa mọc lên, nuôi 4 chị em chúng tôi khôn lớn. Nhà tôi nghèo vẫn hoàn nghèo.

Mùa tháng Năm nữa lại đi qua. Da cha thêm đen, cổ như dài hơn, đôi mắt hốc hác thấy rõ. Tiếng thở dài của mẹ vẫn vậy, nghe buốt cả lòng. Hết mùa, chỉ trừ lại đúng số lúa đủ ăn cả năm, còn lại bán tất. Số để gửi cho đứa em út đang học xa nhà, số để nộp sản lượng, số để mua lân đạm chuẩn bị cho mùa vụ mới. Tính ra, quần quật mấy tháng trời chẳng lãi được đồng nào. Vậy nhưng vẫn phải làm, làm để giữ đất… Nông dân xa ruộng đất, coi như mất gốc, mất làng. Cha bảo thế!

Những mùa tháng Năm, những mùa no đủ đi qua cuộc đời tôi như thế. Để hôm nay, giữa lòng thành phố, vẫn thấy xốn xang khi mùa gặt về. Dường như trong gió, mùi rơm thơm, mùi lúa chín, mùi cơm mới với những hạt cơm trắng vàng lẫn lộn vẫn ngào ngạt đến tận mũi.

Hoàng Lam