Đã có lúc em ngỡ mình cùng đường như cô ấy

(Dân trí) - Mấy ngày nay dư luận xôn xao câu chuyện người phụ nữ buộc hai con cùng mình tự tử. Ấy là bi kịch của sự cùng đường, bế tắc không lối thoát trong cuộc sống gia đình. Người ta thương cảm cô ấy, trách cứ cô ấy, riêng em nghĩ nhiều đến hai đứa nhỏ. Chúng nào có tội gì đâu.


Đã có lúc em ngỡ mình cùng đường như cô ấy



Lại nhớ cuộc sống vợ chồng mình cách đây vài năm, đúng là bể khổ. Dù đã thề nguyền sẽ cùng anh vượt qua mọi vui sướng, khổ đau trong đời, em vẫn không thể ngờ những khổ đau anh mang đến cho em với tư cách bạn đời lại sâu đến thế.

Một năm sau ngày cưới, giữa lúc còn đang mang thai, em đau đớn phát hiện ra rằng, anh nghiện. Em vẫn nhớ ngày hôm ấy mình đã hét thất thanh đến mức nào khi chứng kiến anh loay hoay đốt hít làn khói trắng từ tấm giấy bạc trong nhà tắm. Sau buổi ấy anh khóc hết nước mắt, thề thốt sẽ từ bỏ, sẽ cai, vì em và con. Anh van xin em đừng bỏ anh, còn trấn an em rằng anh mới “bập” vào thôi, chuyện cai nghiện không có gì là khó khăn cả. Tính tuổi đời em cũng được coi là đã trưởng thành, thế mà vẫn không hiểu hết được ý nghĩa của câu nói “chớ nghe con nghiện trình bày”. Em tin anh sẽ cai được làn khói trắng như vẫn ngây thơ tin rằng anh mới chỉ chớm sã ngã vào con đường tệ nạn ấy thôi.

Của nả trong nhà lần lượt ra đi, nhờ có anh. Chiếc ô tô bố mẹ mua cho anh lái để làm cần kiếm cơm cũng mất, lý do vì anh hết lần này lượt nọ mang xe đi cầm, ông bà quá mệt mỏi với việc phải chuộc xe. Em cũng dần thôi hy vọng, chai sạn với những lần anh khóc lóc hứa quyết tâm đi cai rồi lại thiếu bản lĩnh quay về con đường cũ. Em sinh con thiếu thốn đủ bề, chỉ vì số tiền ít ỏi em dành dụm được phòng cho lúc con ra đời đã bị anh mang đi đốt hết theo làn khói. Lúc có thuốc trong người anh nói hay, nói giỏi, thề thốt đủ điều, khi thiếu thuốc anh lại là người khác, lồng lộn, cục súc và đáng sợ. Anh bắt đầu coi việc đánh vợ để đòi tiền cũng dễ dàng như người ta ăn cơm.

Họ hàng, bố mẹ hai bên có xúm vào khuyên ngăn, nhưng chẳng thay đổi được gì. Anh nghiện càng ngày càng nặng và cần nhiều tiền hơn để thỏa mãn cơn khát thuốc. Em khốn khổ xoay với tài chính khó khăn. Sự giúp đỡ của ông bà hai bên không thấm vào đâu cả, chỉ cần biết trong người em có tiền, anh thế nào cũng tìm cách gây sự để lấy hết. Chẳng những thế, anh ngang nhiên cặp kè với ca-ve. Nhìn anh và ả đôi lứa xứng đôi, em nhận ra rằng anh đã không còn là anh của em nữa. Tình yêu đã chết, nghĩa cũng chẳng còn.

Bố mẹ khuyên em nên từ bỏ. “Dắt cháu về đi, bố mẹ nuôi”, em vẫn nhớ ánh mắt buồn ghê gớm của bố khi nói với em điều đó. Em đưa con quay về với bố mẹ, yêu cầu anh ly hôn. Thân xác này là bố mẹ cho em, em sao có thể để họ đau lòng nhìn nó bị anh đánh bầm dập đến thế, dày vò đến thế.

Anh không chấp nhận, sang nhà ngoại gây sự. Mẹ cũng vì chuyện của em mà ốm bẹp giường. Lại thêm chuỗi ngày khổ ải tinh thần. Thực sự có lúc em nghĩ, tại sao mình không chết quách đi. Em chết rồi bố mẹ không phải khổ tâm nữa. Em chết rồi anh lấy ai mà dày vò nữa… Nhưng em lại nghĩ đến con. Con còn nhỏ quá. Nó sẽ ra sao nếu không có mẹ trên đời? Mang nó theo ư? Em làm gì có quyền tước đi mạng sống của con chỉ vì những bế tắc trong cuộc sống của riêng em mà em không tự giải quyết được.

Anh ạ, con là nguồn động viên lớn cho em vượt qua chuỗi ngày đó, là lý do em đủ can đảm đến gặp anh lần cuối để giải quyết nợ nần. Em nói anh đừng dồn em đến chết, em chấp nhận bất cứ giá nào để được giải thoát, để anh biến mất khỏi cuộc sống mẹ con em. Thật đáng thương cho tình vợ chồng của hai ta khi tất cả cuối cùng đều đã được giải quyết bằng tiền.

Đến giờ khi đã bước qua chuỗi ngày đen tối, em thấu hiểu một điều: Đời luôn có sóng gió nhưng cũng lại có câu khổ tận cam lai. Đủ bình tĩnh, nghị lực, chèo chống vượt qua khó khăn để tới ngày cam lai hay không là do ở chính mình. Nếu ngày ấy em cũng yếu mềm tìm kiếm giải pháp từ cái chết, thì hôm nay em đâu có cơ hội nhìn con mình lớn lên, đâu có cơ hội sống tốt hơn để đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ.

Hạ Thủy