Cưới người “xa lạ”

Yêu nhau đắm đuối, gắn bó khăng khít suốt thời gian dài, nhiều bạn trẻ tưởng như đã hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc, rồi mới làm đám cưới trong sự hoan hỉ của hai họ, nhưng chỉ vừa sau tuần trăng mật, nhiều cặp vợ chồng đã rơi vào khủng hoảng.

“Cú lừa” ngoạn mục

Chị Nguyễn Hoài Thu và anh Trịnh Hữu Tài (Ba Đình) yêu nhau từ năm thứ nhất đại học. Chuyện tình của họ như một bài thơ tình bất tận. Ngày tỏ tình, Tài làm cả trường choáng vì trái tim kết bằng hàng trăm bông hồng đỏ giữa sân trường. Còn chàng đứng bên, hát bài “Hello” đầy tình tứ. Hai người cùng ngày sinh, cùng nhóm máu, cùng thích nghe nhạc cổ điển, xem phim lãng mạn. Hai người gắn bó với nhau như hình với bóng. Chàng quê ở miền ngược, nàng đồng bằng nhưng nghỉ hè, tuần nào Tài cũng ngược xuôi vượt mấy trăm km đến thăm nhau. Tâm sự với bạn bè, lúc nào Thu cũng tíu tít: anh Tài của tao thế này, anh Tài của tao thế kia, khiến bạn bè phải ghen tị. Tình yêu kết thúc có hậu bằng đám cưới rình rang.

Nhưng họp lớp sau 5 năm ra trường, bạn bè ngỡ ngàng khi được tin Thu và Tài đã chia tay. Chia sẻ với mấy cô bạn, Thu lắc đầu ngao ngán: “Gã công tử hào hoa, bóng bẩy từ đầu tới chân bỗng hiện nguyên hình là kẻ lôi thôi, bẩn thỉu. Về đến nhà là rải quần áo, giày tất từ cửa vào đến phòng ngủ, tối lên giường không thèm đi tắm, tất đi 2-3 ngày không thay. Đã thế, về đến nhà là nằm ườn trên ghế xem ti vi, chẳng buồn giúp vợ dọn dẹp, cơm nước. Những chuyện như xách nước cho nàng tắm, bóp vai khi nàng mỏi, rồi đọc thơ, kể chuyện cho nàng cười… đều trở thành dĩ vãng. Tớ như bị lừa vậy”. Còn Tài cũng bức xúc không kém: “Ngày xưa là sinh viên, chỉ nấu cho bát mì là thấy ngon, đến nhà ăn cơm thấy tươm tất, tưởng cô ta biết nấu nướng. Ai dè, về nhà mới thấy vụng thối vụng nát, cơm lúc nào cũng chỉ loanh quanh rau luộc, cá rán, trứng rán. Tiếng thỏ thẻ oanh vàng cũng biến mất, suốt ngày cằn nhằn, ta thán, tróc nã đòi tiền. Lúc nào cũng đòi hỏi, anh phải làm cái này, cái kia cho em. Trời mưa tầm tã gọi điện bắt chồng mang áo mưa tới cơ quan. Chẳng biết thương chồng”.

Chị Đào Lê Minh (Đại Cồ Việt) cũng có tình yêu cháy rừng rực, bất chấp sự ngăn cản của bố mẹ. Chồng chị hơn chị 15 tuổi, nhà lại nghèo. Nhưng chị tìm thấy ở anh một người đàn ông lãng mạn, lạc quan, lại có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Cưới nhau được 2 năm, chị mới nhận ra, ý chí của chồng đã lên “đến đỉnh”. Anh hoàn toàn hài lòng với vị trí trưởng phòng và ngôi nhà 25m2 của mình. Sự lạc quan của anh cũng có tính AQ vì gần như anh chẳng lo lắng, quan tâm đến bất cứ điều gì ngoài việc mỗi tháng đưa vợ 5 triệu đồng. Để con có thêm tiền mua sữa, học ở trường quốc tế, chị Minh gồng mình làm việc, bươn chải. Thất vọng, điên tiết, lúc đầu chị còn mắng mỏ, gằn hắt chồng. Sau thấy anh cứ trơ trơ, chị bỏ mặc, trong lòng đã xao động với một người đàn ông khác. “Tôi cần chồng làm gì khi nhờ gì, anh ta cũng cười hề hề bảo: “Thế là tốt rồi, cần gì thêm nữa rồi quên luôn hoặc vui với bạn bè đến nửa đêm mới về. Có chồng như thế cũng bằng không” - chị thẳng thắn.

“Mặt nạ” tất yếu

Kỳ vọng vào hôn nhân bằng tình yêu lãng mạn, ngay sau đám cưới, nhiều người vợ, người chồng trẻ bỗng nhiên cảm thấy như mình bị lừa, chàng trai lịch lãm, galăng ngày nào biến đổi thành một gã vô trách nhiệm, tùy tiện còn cô gái xinh đẹp, dịu dàng thoắt trở thành “con mụ bổi” xộc xệch, chua ngoa. Như thể, lúc yêu thì đeo mặt nạ tử tế, hào nhoáng còn lúc thành vợ chồng thì hiện nguyên bản chất. Hầu như các cuộc “ly hôn xanh” đều bắt nguồn từ phụ nữ. Mô típ chung khiến các bà vợ cảm thấy phẫn uất là chồng nhậu nhẹt, mải mê bạn bè bên ngoài, bỏ quên vợ ở nhà, về nhà thì lười biếng, không giúp vợ việc nhà, không chia sẻ khó khăn, thiếu lãng mạn, tâm tình. Cảm giác bị bỏ rơi, đơn độc, tự bơi để duy trì mái ấm bên cạnh người chồng vô tâm, hờ hững ngày càng đè nặng khiến nhiều chị em chỉ muốn ly hôn cho… rảnh nợ. Tuy nhiên, nhiều người chồng lại không nhận ra mình đang “ngược đãi” vợ về mặt tinh thần.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, khá nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn với nhau ngay những năm đầu chung sống, đôi khi vì những lý do rất vụn vặt. Đây là giai đoạn các nhà tâm lý gọi là thời kỳ “những chiếc mặt nạ rơi xuống”. Nhiều người quan niệm, sau đám cưới, tình yêu đã được đeo một cái “xích” to tướng, không thể chạy đi đâu nữa. Nếu là đàn ông để “quên” vợ ở nhà, đi lo những việc “trọng đại” hơn (sự nghiệp, tiền bạc, bạn bè) hoặc sa đà vào các thú vui đã “để quên” mất thời còn bận “chinh phục“ nàng (chơi bời, nhậu nhẹt). Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ “quên” luôn những sự ga lăng, lịch sự đã khiến vợ mình tin cậy, yêu thương. Còn phụ nữ thì cậy quyền làm “vợ” nên buông thả trong sinh hoạt, đua đòi ăn diện hoặc thiếu chăm sóc dung nhan, thiếu quan tâm đến chồng con, cẩu thả việc nội trợ, hay trịnh thượng, thiếu những lời “có cánh” khiến chàng hân hoan, sung sướng ngày xưa.

Ông Hòa nhận định, đây không phải là sự “giả dối” mà một số bạn trẻ vẫn cảm thấy như “bị lừa” mà chỉ là sự biến đổi trạng thái cảm xúc giữa hai thời kỳ yêu nhau và kết hôn. Khi đang yêu, muốn chinh phục người yêu, muốn “ghi điểm” với nàng (chàng), ai cũng có nhu cầu được tự thân chăm sóc, chiều chuộng, hết lòng vì người yêu, vươn đến những “chuẩn mực” của người đàn ông và phụ nữ hoàn hảo. Còn khi đối diện với những lo toan thường nhật của hôn nhân, đàn ông và phụ nữ phải thay đổi nhu cầu, hành vi thậm chí là mục đích sống. Ngày trước lãng mạn, giờ vì tiền, trước dịu dàng, sau đòi hỏi; trước chinh phục, sau “mặc kệ”… Cần phải hiểu sự thay đổi sau kết hôn là tất yếu. Nếu mang tâm trạng “bị lừa” nhiều bạn trẻ sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thất vọng thậm chí có mong muốn được thoát khỏi cuộc hôn nhân với kẻ “giả dối”.

Theo thống kê của ngành tòa án, nếu như năm 2011 nước ta có gần 88.000 vụ ly hôn thì năm 2012 con số đó là 95.000. Trong đó, số cặp vợ chồng 18 - 30 tuổi ly hôn là 34,7%; từ 30 đến dưới 50 tuổi ly hôn là hơn 55%; người ly hôn hơn 50 tuổi chỉ chiếm 8,7%.

Theo Anh Thư
Anh Ninh Thủ Đô