“Con hi vọng, con đi rồi mẹ sẽ vui vẻ hơn”

(Dân trí) - “… Cuộc đời con từ nhỏ đến lớn, chưa ngày nào con không buồn bã và khóc một mình về đêm. Nhiều lần con muốn tìm đến cái chết rồi lại gạt đi, vì con nghĩ con còn có gia đình, nếu con chết thì gia đình mình sẽ thế nào đây. Nhưng tất cả chỉ là con tưởng tượng ra thôi. Chẳng ai cần con hết…”

“Con hi vọng, con đi rồi mẹ sẽ vui vẻ hơn” - 1

Ngày 26/11, một bé gái tử vong do “rơi” từ tầng 39 của chung cư tại Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng. Theo một vài thông tin, trước khi bé gái mất, bố mẹ có xảy ra cãi vã vài ngày trước đó. Trong tâm thư bé để lại có nói về nỗi buồn vì gia đình không ấm êm. Sự ra đi của bé khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ và giật mình nhìn lại.

Ngày 30/11, một nữ sinh 16 tuổi ở Hà Tĩnh gieo mình xuống sống tự tử. Lá thư tuyệt mệnh em để lại trước khi kết thúc cuộc đời được lan truyền trên mạng xã hội khiến tim nhiều người nhói đau:

“…Cuộc đời con từ nhỏ đến lớn, chưa ngày nào con không buồn bã và khóc một mình về đêm. Nhiều lần con muốn tìm đến cái chết rồi lại gạt đi, vì con nghĩ con còn có gia đình, nếu con chết thì gia đình mình sẽ thế nào đây. Nhưng tất cả chỉ là con tưởng tượng ra thôi. Chẳng ai cần con hết, con là gánh nặng của bố mẹ…”.

Là một người mẹ, tôi thật sự rơi nước mắt khi đọc được những dòng chữ như thế này. Có ông bố bà mẹ nào mà không thương con? Nhưng có những người, họ đang làm gì với con mình thế?

Chúng ta, những ông bố bà mẹ đã đi qua những năm tháng tuổi thơ, đủ trải nghiệm để hiểu trẻ con chúng nghĩ những gì. Chúng ta đã từng là những đứa trẻ thích vỗ về, thích nhõng nhẽo, thích được cưng nựng yêu thương. Chúng ta đã từng hạnh phúc thế nào khi được khen, buồn tủi thế nào khi bị chê bai la mắng.

Chúng ta đã từng là trẻ con, còn con chúng ta chưa từng được làm người lớn. Các con thật sự không thể hiểu chúng phải làm gì, phải cố gắng như thế nào để vừa lòng bố mẹ. Chúng không hiểu bố mẹ phải vất vả thế nào, kì vọng thế nào về con. Những đứa trẻ chỉ cần bố mẹ hiểu mình, đánh giá đúng bản thân mình, yêu thương chúng và cho chúng biết chúng được yêu thương.

Con gái tôi mới 7 tuổi nhưng mỗi lần bố mẹ có chuyện gì tranh cãi hơi to tiếng một tý đều gào lên khóc. Con thích bố mẹ nắm tay nhau mỗi lần đi dạo. Con thích bố thơm con một cái thì thơm mẹ một cái. Tôi biết con sợ, nỗi sợ của những đứa trẻ tuy không thể diễn đạt rõ ràng bằng lời nhưng các con hiểu đó là điều không tốt. Còn những đứa trẻ đang ở tuổi dậy thì, tâm lý các con đầy biến động ngổn ngang, nhạy cảm và dễ tổn thương, dù chỉ là một chút không khí nặng nề trong nhà, dù chỉ là một lời chỉ trích.

Con gái tôi mới 7 tuổi nhưng chồng tôi luôn đặt rất nhiều kì vọng: “Hôm nay con được 9 điểm thôi à, 9 điểm chưa giỏi, 10 điểm mới giỏi”. “Con chỉ đứng thứ 3 trong lớp thôi à, con phải cố gắng đứng nhất kia”. Tôi cũng như chồng tôi, luôn mong muốn con mình học tốt, nhưng tôi lại không thích nghe những lời như vậy.

Tôi nghĩ, chúng ta có quyền hi vọng nhưng đừng phủ nhận sự cố gắng của con. Phải biết chấp nhận rằng, không phải con mình lúc nào cũng sẽ hơn người khác. Nhiều đứa trẻ sinh ra đã giỏi hơn con mình, có tố chất và điều kiện phát triển hơn con mình. Đôi khi mình phải cho phép con thất bại và chấp nhận nó. Là bố mẹ, đừng chỉ nhìn con người ta, chỉ cần nhìn con mình của ngày hôm nay tiến bộ hơn ngày hôm qua là điều tuyệt vời rồi.

Tôi, dĩ nhiên không phải là một bà mẹ giỏi giang. Tôi là một bà mẹ đầy khuyết điểm. Tôi chỉ muốn hiểu con theo cách mà con muốn, động viên và khích lệ con theo cách con có thể cảm nhận được, và yêu thương con ngay cả khi con không làm được những việc đáng lẽ ra con phải làm tốt hơn.

Tôi thật lòng không hiểu vì sao có những ông bố bà mẹ luôn dùng những lời lẽ đắng cay để chứng tỏ với con rằng: “Mày chỉ là một đứa bất tài vô dụng”.

Đối với một đứa trẻ mà nói, ngàn lời chê bai của bạn bè, của người lạ cũng không nặng nề bằng một lời miệt thị của mẹ cha. Bởi với trẻ con, cha mẹ là nơi che chở, là ấm êm. Là có những khi mình không tốt, dù cả thế giới có quay lưng thì mẹ cha mình vẫn dang tay đón nhận.

Chỉ trong vòng 5 ngày, hai trái tim trẻ đã ngừng đập vì áp lực gia đình. Trước đó đã có bao nhiêu sinh mệnh chọn cách kết thúc cuộc đời mình theo cách đáng thương như thế. Và nếu như những bậc làm cha mẹ không kịp giật mình nhìn lại, không tìm cách thấu hiểu tâm tư con thơ, thì rồi sẽ có bao nhiêu đứa trẻ cho rằng “chết là dấu chấm hết cho cuộc đời của một đứa tệ hại” như nữ sinh 16 tuổi ở Hà Tĩnh.

Nhiều khi tôi nghĩ, chúng ta đã phải vất vả thế nào để sinh ra và nuôi nấng một đứa trẻ, đã hạnh phúc thế nào khi nhìn con ngày một lớn lên khỏe mạnh. Sao rồi đến một ngày, một chút lắng nghe con cũng không làm được, một chút thấu hiểu con cũng không có. Sao lại để cho những đứa con của mình cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, bế tắc đến nhường ấy trong cuộc đời này?

Lê Giang