Chuyện những cô vợ đoảng

"Việc Hằng tống cả khăn sữa và tã ướt nước đái của con cùng mớ quần áo của cả nhà vào máy giặt là chuyện thường. Nấu canh bí, Hằng cho cả bí lẫn tôm lẫn nước vào cùng một lúc khiến bí thì nhũn, tôm thì tanh, cả nhà phải nhắm mắt nuốt cho qua bữa...".

Dường như xã hội ngày càng xuất hiện nhiều cô nàng năng động hoạt bát bên ngoài nhưng về đến nhà thì tề gia nội trợ quá dở.

 

Vợ đoảng xây... tổ lạnh

 

Hạnh Hoa, nhân viên ngân hàng, nói tiếng Anh như gió nhưng lại rất vụng về việc cơm nước. Biết rõ điểm yếu của mình nên trước khi cưới, cô đã bàn với chồng xin ở riêng và được toại nguyện.

 

Bận rộn cộng thêm tính lười và vụng nên căn bếp nhà cô hiếm khi đỏ lửa. Đến khi nhận thấy đi ăn bên ngoài vừa tốn kém vừa không đảm bảo sức khoẻ, chồng cô đề nghị nấu ăn thì cái tủ lạnh gia đình lại len chặt đồ đông lạnh và thức ăn chế biến sẵn.

 

Mỗi lần sang thăm con, mẹ chồng Hoa rất xót ruột cho "thằng bé" mà bà vốn cưng như trứng mỏng. Bà hết góp ý chân thành lại đến bóng gió xa xôi nhưng Hoa cũng chỉ nghe lấy lệ nên quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngày càng xa cách.

 

Đến khi chồng cô phải đi cấp cứu vì món canh dưa để tủ lạnh cả tuần thì mẹ chồng nằng nặc bắt con trai phải dọn về bên nhà để tự tay bà nấu nướng chăm sóc.

 

Còn cặp vợ chồng Hằng - Tuấn thì đến khổ vì tính đểnh đoảng của Hằng. Việc cô tống cả khăn sữa và tã ướt nước đái của con cùng mớ quần áo của cả nhà vào máy giặt là chuyện thường. Nhắc thì Hằng lý sự rằng cô không có nhiều thời gian để ngồi phân loại và giặt riêng từng thứ.

 

Nấu canh bí, Hằng cho cả bí lẫn tôm lẫn nước vào cùng một lúc khiến bí thì nhũn, tôm thì tanh làm cả nhà phải nhắm mắt nuốt cho qua bữa. Cái tính lề mề chậm chạp và cách sắp xếp công việc thiếu khoa học của Hằng khiến bữa ăn tối không khi nào kết thúc trước 21 giờ. Từ khi có thêm đứa con nhỏ, cuộc sống vợ chồng Hằng càng căng như dây đàn.

 

Thanh Tú, phóng viên báo lại rối như gà mắc tóc trong khoản chi tiêu nên tiền bạc với cô là cả một vấn đề lớn. Hai vợ chồng cùng đi làm, thu nhập hơn bảy triệu đồng một tháng, mới chỉ có một cô con gái bốn tuổi nhưng tháng nào nhà cũng như có trộm.

 

Vốn tính thích gì mua nấy nên mỗi lần Thanh Tú đi siêu thị về thì chồng cô lại hoa mắt trước đống đồ mà cô "thấy hay hay" nhưng có khi để cả năm chả dùng đến. Quần áo, giày dép cho con cô chủ trương phải mua đồ xịn nên có khi đôi giày vừa mua hai trăm ngàn được hai tháng đã phải xếp xó vì bé Bông lớn nhanh hơn cô tính.

 

Và cái điệp khúc đầu tháng gà quay, tôm hấp, cá bỏ lò, cuối tháng trệu trạo đậu phụ rán, lạc rang, rau muống luộc khiến chồng cô chán chường. Cực chẳng đã, anh phải giành lấy việc tay hòm chìa khóa để hạn chế cái thói hoang phí của vợ.

 

Nàng đoảng biện minh

 

Lý do lớn nhất mà các nàng đưa ra là thiếu thời gian. Nhà cửa bề bộn: có thời gian rỗi đâu mà dọn. Quần áo nhàu nhĩ: có thời gian đâu mà là. Bữa ăn đơn điệu: có thời gian đâu mà đi chợ và bày vẽ món nọ, món kia cầu kỳ. Chi tiêu văng mạng: phiên phiến thôi chứ thời gian đâu mà ngồi tính toán tẩn mẩn.

 

Quả thực trong xã hội hiện đại, phụ nữ bận bịu hơn trước rất nhiều và quỹ thời gian dành cho việc nhà ngày càng bị cắt xén. Giải pháp tối ưu mà các cô, các chị lựa chọn là thuê người giúp việc.

 

Khi có oshin trong nhà, nhiều chị em quên luôn cái thiên chức "xây tổ ấm" của mình. Đến khi "cánh tay phải" này về quê hay bỏ ngang thì nhà cứ rối tung lên như trong cơn đại loạn: con không chịu ăn, nhà không ai dọn, cơm không người nấu mà có nấu thì cũng không biết làm thế nào cho ngon bởi chưa từng biết hoặc đã quá lâu rồi không đụng đến.

 

Thực tế, chị em bây giờ đã khác với các bà mẹ ngày xưa trong khi yêu cầu của các ông chồng lại chẳng chịu khác cha ông mình lắm.

 

Đàn ông ai cũng muốn vợ phải là một người phụ nữ đảm đang, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con. Các chàng ngày nay có hiện đại đến đâu, có vị tha đến nhường nào cũng khó mà chấp nhận sống cả đời với một cô vợ đểnh đoảng, hoang đàng...

 

Thay đổi quan niệm của họ khó hơn nhiều so với việc tu chỉnh lại mình để một mái nhà thực sự trở thành tổ ấm. Chẳng có gì đảm bảo rằng một cô vợ vụng có thể vun vén và duy trì một mái ấm hạnh phúc, một bà mẹ đoảng vị có thể nuôi dạy những đứa con nên người.

 

Theo Sành Điệu