"Chúng ta đừng than vãn nữa"

(Dân trí) - Sáng, mẹ gọi điện thật sớm: “Đừng đưa cháu về quê thời điểm này con ạ. Con có nghe người ta nói không, khi Tổ quốc cần, chúng ta hãy ở yên một chỗ”.

Chúng ta đừng than vãn nữa - 1

Tôi đã chộn rộn đưa con về quê từ khi nghĩ rằng việc nghỉ học của con có thể kéo dài, nhưng rồi nghe ngóng tình hình vẫn cứ do dự mãi. Bây giờ, khi tình hình dịch bệnh đang lan rộng, có lẽ tốt nhất là đừng di chuyển đi đâu nữa.

Tôi còn nhớ, khi Hà Nội công bố ca dịch đầu tiên, khu tôi ở như náo loạn. Sáng ấy đi chợ, ai ai cũng nói về covid-19. Những cửa hàng tạp hóa chen chúc người, chủ yếu là mua mì tôm. Tôi đi mua cháo cho con, đúng lúc chủ cửa hàng đóng cửa: “Hôm nay em nghỉ sớm. Em phải đi mua gạo kẻo người ta mua hết”. Một chị từ quán cháo vừa đi ra kể “chị vừa mua ba thùng mì tôm với bảy chục quả trứng gà”…Lúc đó tôi nghĩ, là mọi người lo lắng quá nhiều hay do tôi chủ quan vì tôi vốn không hề có ý định mua dự trữ thứ đồ gì hết.

Những tin tức về dịch bệnh được cập nhật trên truyền hình và báo chí thường xuyên. Thay vì lo sợ hoang mang hỗn loạn như lúc đầu, mọi người bắt đầu cẩn thận hơn khi rời khỏi nhà, hạn chế tụ tập nhậu nhẹt. Chàng trai độc thân ở phòng kế bên trước nay chỉ ăn cơm quán nay cũng sắm luôn một bộ dụng cụ bếp núc để tự nấu ăn ở nhà: “Vất vả tý nhưng mà an toàn chị ạ”.

Những phụ huynh trong khu tôi ở đã không còn than vãn vì con nghỉ học dài ngày như lúc trước, có người còn cảm thấy không thèm buồn vì công ty không có việc: “Nhiều người muốn nghỉ ở nhà trông con không được, mình được công ty cho nghỉ sao phải buồn?”.

Hôm qua tôi đọc báo có kể về một chàng trai ở Quảng Bình không thể về dự tang mẹ vì đang ở trong khu cách ly sau khi trở về từ Hàn Quốc. Anh về nước khi được tin mẹ bệnh nặng, nhưng sau 14 ngày cách ly, anh chỉ có thể ngồi bên mộ mẹ mà khóc. Một người đàn ông khác quê Nghệ An cũng chỉ có thể lập một chiếc bàn thờ vọng để thắp hương cho cha mình ở trong khu cách ly tại Đà Nẵng vì không thể về quê chịu tang cha. Sẽ bất lực biết bao khi đối diện với nỗi đau lớn nhất trong đời chỉ là lặng lẽ khóc bên những người xa lạ.

Vẫn biết nghĩa tử là nghĩa tận, và ước mong của những đứa con là được nhìn mẹ cha mình lần cuối, được tiễn đưa người rời khỏi nhân gian. Nhưng vào thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch, nhiều người chỉ còn cách nén nỗi đau riêng vì cộng đồng, vì Tổ quốc. Những câu chuyện thương tâm như thế này, người ngoài nhìn vào cũng rơi nước mắt.

Tôi cũng từng xem video ghi lại cảnh một nữ bác sĩ Trung Quốc được tin mẹ mất khi đang làm việc. Chị mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ, đứng hướng về quê nhà, khóc vái lạy mẹ ba lạy rồi quay trở lại làm việc vì bệnh nhân đang chờ. Tôi cũng bị ám ảnh khi xem cảnh người dân Vũ Hán vừa vung tiền ra đường vừa khóc vì bất lực trước dịch bệnh khi thành phố bị phong tỏa và người thân của họ không được cứu chữa. Tiền để mà làm gì khi nó cũng không thể mua được sức khỏe và sinh mạng.

Sẽ có những ngày trong cuộc đời, chúng ta nhận ra: Tiền quan trọng nhưng không phải là thứ quan trọng nhất. Tiền sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không khỏe mạnh, không bình an, không hạnh phúc bên những người mà chúng ta yêu thương.

Có những ngày như sáng hôm nay, nắng gió vàng ươm nhưng phố phường không còn nhộn nhịp như trước nữa. Những hàng quán vắng tanh, những khu chợ thưa vắng người. Mọi người ở nhà nhiều hơn, bên nhau nhiều hơn. Những bữa cơm vì thế trở nên ám áp sum vầy. Những buổi tối vì thế rộn ràng hơn trong những ngôi nhà nhỏ.

Một cậu bạn tôi bảo, từ ngày chính phủ công bố dịch, cậu ấy hạn chế ra đường ngoài giờ làm, không la cà bóng bánh nhậu nhẹt. Tan làm cậu về sớm, giúp vợ làm chút việc nhà. Con gái cậu ấy tỉ tê với bố đủ thứ chuyện trước nay nó chỉ quen kể với mẹ với thái độ hào hứng vô cùng. Và nó khen “bố biết lắng nghe hơn mẹ”.

Sẽ có những ngày trong cuộc đời chúng ta nhận ra: Chúng ta cần công việc, chúng ta cần các mối quan hệ bạn bè nhưng những người thân là những người cần chúng ta nhất.

Có những ngày, niềm vui đơn giản lắm, đó là nhìn thấy những người quanh mình khỏe mạnh bình an, chỉ cần sống chậm lại một chút thôi và đừng than vãn nữa.

Lê Giang