“Chồng à, uống để vui thôi, đừng vui quá”

(Dân trí) - Có ông chồng đi tất niên với bạn bè xong trên đường về gặp tai nạn vì lái xe trong tình trạng say xỉn. Người vợ ngay sau đó đã “đăng đàn” chửi rủa các bạn nhậu của chồng vì chị cho rằng chồng chị ở trong tình trạng như thế là do bị bạn bè ép uống rượu.

Những chia sẻ của người vợ ngay lập tức được chia sẻ rầm rộ và nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng chị vợ vô lý vì nếu chồng chị không chịu uống thì chẳng ai ép được.

Nhưng em, với tư cách là phụ nữ, là vợ, em hiểu được cảm giác mà chị ấy đang và đã trải qua. Sau tất cả những giận dữ, trách hờn thì đó chính là nỗi sợ hãi mà em tin chỉ vài lời không thể nào diễn tả được.

Em đã theo anh đến nhiều cuộc vui, khi thì họp lớp, khi thì sinh nhật bạn bè, khi thì mừng tân gia đồng nghiệp, rồi tổng kết, tất niên… Cuộc gặp gỡ nào cũng ê hề rượu chè, cuộc vui nào cũng “tới bờ tới bến, không say không về”. Và sau cuộc vui nào vợ chồng mình cũng cãi nhau vì anh không biết điểm dừng sau những gọi mời tâng bốc.

Screen Shot 2019-02-01 at 10.25.51 AM.png

 

Anh thường càu nhàu với em “đàn bà lắm chuyện” rồi móc mỉa “kiếp sau thử làm đàn ông đi rồi biết, ăn đắng nuốt cay chứ sung sướng gì”. Em biết chứ, đàn ông có những niềm vui mà đàn bà như em có thể không hiểu được. Đó là gặp nhau cứ say đã, có chuyện gì rồi tính sau, "bạn bè thân hữu quý nhau là phải uống hết mình, còn không là coi thường, không nể trọng". Nhưng em hiểu chắc chắn một điều, một khi đã say rồi, bao nhiêu hệ quả khó lường, bao nhiều đau thương không biết trước. Một khi đã chếnh choáng men rồi, đường về nhà thì xa mà đường đến bệnh viện, đường ra nghĩa trang thì gần lắm.

Ngày nào anh cũng đọc báo anh biết rồi, bao nhiêu vụ tai nạn kinh hoàng, bao nhiêu sự ra đi thảm khốc đều có phần do rượu bia. Bao nhiêu cha mẹ mất con, bao nhiêu người vợ mất chồng còn con cái mồ côi khổ sở. Mà đâu cần nói chi xa, ngay ở phố nhà mình đó, mấy năm trước, chàng trai ấy sau tiệc tất niên ở công ty đã không thể trở về nhà, bỏ lại mẹ cha già yếu, vợ dại con thơ. Rồi mấy năm sau cô vợ trẻ tái hôn đem theo con gái nhỏ về nhà chồng. Chẳng hiểu cuộc sống ở gia đình mới thế nào mà cô bé dần dần rơi vào tình trạng trầm cảm. Cánh đàn ông trong những cuộc vui đều lấy đó ra mà nhắc nhở nhau “đừng uống rượu say rồi mất mạng, vợ mình thằng khác nó xài, còn con mình thì nó sai”. Bài học nhãn tiền mà sao các anh mỗi khi vui là quên hết không còn thấy sợ.

Bình thường, cứ anh nói đi liên hoan, đi nhậu là em lo. Tết về thì lại càng lo bởi về quê gặp gỡ anh em, bạn bè, rượu không thể không uống, mà tửu lượng anh đã uống thì không thể không say. Để rồi có năm anh say rồi về chui xuống gậm giường nằm ngủ khiến mọi người dáo dác đi tìm, có năm lại về ra vườn ôm cây ổi ngồi khóc. Nhìn cảnh đó, em vừa buồn chán, vừa giận lại vừa thương. Là anh còn may mắn về được nhà, còn biết bao người sau cuộc vui đã không về nhà được nữa.

Chồng ạ, em không là đàn ông nên em không biết gặp nhau phải say mới là tình, gặp nhau phải uống thật nhiều mới là trọng nghĩa. Em chỉ nghĩ, không phải cứ quý nhau thì phải dồn nhau uống đến say quên đường về. Và em tin, rượu bia không phải là thước đo tình cảm nông sâu ấm lạnh.

Tết về quê, em chỉ mong anh luôn tỉnh táo để cùng vợ con đi chúc tết họ hàng, để gặp ai cũng thân tình hỏi han chứ không phải ôm vai bá cổ luyên thuyên những chuyện không đầu không cuối. Tết về quê là để gặp gỡ đoàn viên chứ không phải để vợ chồng cãi nhau, mẹ cha lo lắng.

Có lần anh nói với em “cái gì quá cũng không hay”, uống rượu cũng vậy, uống đủ để vui thôi, đừng vui quá. Đừng đánh cược tính mạng mình trên bàn nhậu, đừng đánh cược hạnh phúc của một gia đình chỉ vì ham vui. Bởi hậu quả sau những cơn say, người gánh chịu là gia đình, vợ con chứ không phải những huynh đệ tương tàn trên bàn nhậu, còn sau đó có chuyện gì thì “thân ai nấy lo”.

Tết đến xuân về, người ta cầu tài, cầu lộc, cầu danh… Còn em chỉ ước đơn giản thôi: Ước tết này anh đừng say, và ước cả năm anh đừng say, ước gia đình mình luôn an yên mạnh khỏe.

Đàn ông bản lĩnh đâu phải là uống được nhiều, đàn ông bản lĩnh là biết đưa tay từ chối chén rượu khi mình vẫn còn tỉnh táo để đi tới nơi về tới chốn.

Trên những chuyến xe khách, em thấy người ta thường in những dòng khẩu hiệu trong xe rất hay: “Nhanh một phút, chậm một đời”, “Phía trước tay lái là sự sống”. Em cũng mong anh luôn nhớ, đằng sau những cuộc vui là cha mẹ, vợ con đang chờ. Phía sau lưng một người đàn ông là cả một gia đình phải gánh vác.

Vậy nên chồng nhé, tết này, mong anh đừng say!

Ngân Hà