Kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28/6:

Chị dâu tôi

(Dân trí) - “Nhiều lần thấy chị về, các ông các bà mắng nhiều hơn khen vì thương chị vất vả, chị dâu tôi chỉ cười và cảm ơn sự quan tâm con cháu của các cụ”.

Thú thực năm 1965, khi anh tôi đưa một cô gái Hà Nội gốc về giới thiệu với họ hàng, cả họ nhà tôi lo nhiều hơn mừng! Lo vì sợ chị là người Hà Nội, nước da trắng hồng, người cao ráo, vừa rất xinh gái lại con nhà quyền quý.

Trong khi cả họ nhà tôi, bên nội cũng như bên ngoại không có ai có tem phiếu Nhà nước cả. Bản thân anh tôi là bộ đội, chỉ có cái mác đẹp trai còn hoàn toàn “vô sản”. Cưới nhau xong, anh tôi lại có lệnh đi B chiến đấu, mình chị và cháu nhỏ ở lại Hà Nội công tác, một mình vừa công tác tốt, vừa chăm con, năm nào chị cũng được khen thưởng.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, việc đi lại thăm thân quả là rất khó khăn, chỉ có tôi và hai anh con ông bác công tác trong quân đội được đóng quân gần Hà Nội, thi thoảng thay mặt họ hàng đến thăm, động viên chị và các cháu, còn các ông, các bà thì không thể đi được vì xa xôi, tàu xe khó khăn.
Gia đình là nền tảng của xã hội (Ảnh: Nguyễn Duy).
Gia đình là nền tảng của xã hội (Ảnh: Nguyễn Duy).

Khó khăn là vậy, nhưng hàng năm chị tôi vẫn thu xếp, bố trí thời gian đưa các cháu về thăm ông bà, gia đình bên nội, nhất là những ngày giỗ chạp. Nhiều lần thấy chị về, các ông các bà mắng nhiều hơn khen vì thương chị vất vả, chị dâu tôi chỉ cười và cảm ơn sự quan tâm con cháu của các cụ.

Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, anh tôi được chuyển ngành về Hà Nội, gia đình đoàn tụ, chị tôi như trẻ lại vài chục tuổi. Năm 1980, anh chị tôi có thêm một cô công chúa nhỏ, niềm vui như càng gấp bội. Thời gian đó tôi cũng được về nhận công tác tại thủ đô, khỏi nói hết sự sung sướng vì được sống gần chị dâu. Bởi hồi đó cơm bộ đội chủ yếu là mì đen luộc hoặc hạt bo bo xát qua đem luộc (nấu) cho bộ đội ăn.

Thương tôi nhiều lần chị quên cả mưa nắng mang đến cho tôi khi thì nắm xôi đậu, khi thì tô phở Hà Nội. Thứ bảy, chủ nhật được nghỉ, chị bắt tôi phải về nhà chị để chị lo cơm nước, bồi dưỡng cho thêm khỏe. Mỗi lần tôi phải đi công tác biên giới phía bắc, chị lo cho tôi hơn cả lo cho chị và người thân ở đó. Khi tôi đi chiến dịch về an toàn, chị mừng vô kể và không quên mổ gà chiêu đãi tôi.

Khi tôi quyết định chuyển ngành về quê, chị là người buồn và giận tôi nhất, vì chi nói sự nghiệp, công danh của tôi ở đơn vị đang rất thẳng tiến. Chị khuyên tôi nên đem vợ con ra Hà Nội theo yêu cầu của quân đội, ở lại phục vụ quân đội lâu dài, nhưng tôi đã không nghe chị.

Cuộc đời thường có khi trái ngược! Người ta hay nói “Ở hiền thì gặp lành”, nhưng với chị lại không được như vậy. Sau nhiều năm chiến đấu tại chiến trường khốc liệt, lại thêm bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, anh tôi bị sa sút sức khỏe nghiêm trọng, cô con gái út bị di chứng chất độ da cam, sinh ra nằm một chỗ, không lớn thêm, người thì oặt ẽo, luôn luôn phải có người phục vụ.

Một mình chị tôi phải luôn tay phục vụ hai nạn nhan bị nhiễm chất độc da cam là chồng và con, hơn 30 năm nay nhưng không bao giờ thấy chị cáu gắt, bực bội. Hàng năm vào ngày giổ tết, chị vẫn đưa chồng, con va gia đình về quê. Không bỏ sót một nhà nào trong anh em, họ hàng mà chị không đến thăm chơi và dù ít hay nhiều mỗi lần chị về chơi ai cũng có quà Hà Nôi của chị.

Điều mà cả họ hàng nhà tôi phục nhất là sự hy sinh cao cả vì chồng, vì con của chị, để có đủ tiền thuốc thang cho chồng con, chị đã 3 lần đổi nhà để lấy tiền chữa bệnh cho anh tôi. Từ căn nhà của bố mẹ chị cho ở "lòng đỏ" nội thành Hà Nội, chị đổi căn nhà khác ở lối trong ngõ; Rồi lại đổi căn khác ở ngoại thành, sau đó đổi vào khu chung cư.

Tôi thường hay đùa anh tôi rằng: “Anh ta may lấy chị ta/Lấy phải người khác thành ma lâu rồi..”. Ở tuổi thất thập cổ lai, lại thêm gánh nặng chồng con, nhưng chị dâu tôi vẫn luôn lạc quan, chưa bao giờ chị kêu ca phàn nàn, với chồng vẫn một điều anh với em, vâng dạ.

Vẫn chu đáo, tận tình, hết mực tận tụy yêu thương chồng con và mọi người trong gia đình, khối phố, láng giềng ai cũng khen và nể phục chị. Chị là dâu quý, người con quý của cả họ nhà tôi.

Phùng Mùi - Nguyễn Duy