Chị

(Dân trí) - Vừa sáng đã nhận được điện thoại của chị ngập ngừng: “Chị tích đủ điểm để hưởng khuyến mãi rồi mà gần nhà mình không có chỗ đổi quà, chị gửi xe khách xuống, dì ra đổi thành đồ chơi cho cháu giúp chị với!”.

 
Chị - 1
Hình chỉ có tính chất minh họa.

Trước khi đồng ý, em lại còn càu nhàu vài lời, chị chỉ cười. Để rồi ngồi thừ một lúc em lại khóc thương chị, chạnh lòng khi nghĩ đến cảnh người mẹ nghèo, chẳng đủ tiền mua đồ chơi đẹp cho con, giờ háo hức khi sắp tặng được con món quà, vậy mà em lại tỏ ý khó chịu.

 

Nhà có hai chị em gái, chị hơn em có hai tuổi mà đã ra dáng hơn hẳn. Luôn đảm đang thay mẹ nựng nịu, chăm sóc em. Nhớ một lần em đang gào khóc đòi mẹ thì chị đã dỗ dành, dặn ngồi im sau đó hăm hở cầm dao khiến em ngơ ngác nhìn, ra là chị vào vườn chặt mía, rồi róc cho em ăn.

 

Lớn thêm chút nữa chị thường thay mẹ dẫn em ra giếng của khu tập thể, giục em tắm sau đó giặt giũ quần áo sạch sẽ. Về lại nấu cơm, nấu nước tinh tươm, gọn gàng....

 

Chị nổi tiếng khắp xóm vì chăm chỉ lại hiền lành, lý ra cuộc sống của chị sẽ rất phẳng lặng. Nhưng thời nay, hiền lành thì dễ bị bắt nạt. Ngày chị đang nuôi con nhỏ, anh rể đã có lỗi, lại còn dám đối xử tệ bạc khi chị phát hiện anh dối lừa, bồ bịch. Chị quyết tâm dứt áo ra đi, bỏ lại mọi thứ chỉ mang theo đứa bé về nhà ngoại.

 

Bố mẹ mình cũng nghèo, công nhân về hưu, lương chỉ đủ rau cháo cho hai ông bà, giờ đeo thêm gánh nặng, cực nhọc lắm thay song con cháu mình, bỏ sao được. Thế rồi con bé được năm tháng, dù thương con chị cũng phải gạt nước mắt đi tìm việc. Lận đận đến bao chỗ, vì ở miền quê nghèo có được việc làm đâu dễ, chị bất chấp mọi vất vả miễn có tiền chân chính nuôi con.

 

Cuối cùng thì chị cũng xin được vào làm trong một cửa hàng. Công việc căng thẳng và khít khao về thời gian, may mà trưa chị xin về được với con một lát, cho nó bú, đỡ nhớ. Còn ban ngày cháu đã được ông bà cho ăn bột đầy đủ. Nghe mẹ kể hôm đầu tiên chị đi làm miết đến hơn mười giờ đêm mới về, vừa nhìn thấy mẹ con bé đã òa lên, nức nở. Em biết hôm đó chẳng gì đong đầy những giọt nước mắt…  

 

Khi đã quen tay thì công việc cũng nhàn đi, chị chỉ phải làm tám tiếng một ngày, lương dù không cao nhưng đủ sống, cố tiết kiệm từng ít một để nuôi, dạy con nên người.

 

Bố nó coi như chẳng liên can gì về việc mẹ con chị phải ra đi. Đến ba tháng sau mới thủng thẳng gọi cho chị, giọng ráo hoảnh và trịnh thượng ban ơn: “Đã thích về chưa để còn lên đón”. Nghe chị kể em thảng thốt hỏi dồn: “Rồi chị bảo sao? Chửi vào mặt hắn chứ”. Chị mỉm cười, chị lúc nào cũng thế, nhẹ nhàng và hiền dịu: “Chị đâu còn giận anh ta, bởi nếu giận thì nghĩa là vẫn còn yêu. Lúc đó chị không có cảm giác gì, nên chỉ nói ngắn gọn: “Anh xem ai hợp thì cưới người ta. Tôi và anh đã hết tình cạn nghĩa, giờ chỉ như những người bạn mà thôi”, rồi chị gác máy. Thấy lòng nhẹ nhõm, giờ chỉ cần nhìn con chị cũng đủ thấy tâm hồn mình thanh thản.

 

Bởi chị đâu có cấm cản song anh ta cũng không buồn đến thăm hỏi vợ con một lần, chẳng cần biết đến những thiếu thốn, cực khổ họ phải gánh chịu, nghĩa là anh ta đã tự tước bỏ quyền làm cha của mình. Có thể gia đình họ cũng chẳng thiết tha gì con bé, vậy thì càng hay, nó đã là máu thịt, là ánh sáng của đời chị, ai nỡ cướp đi chắc chị cũng suy sụp mà chết mất.

 

Chị vẫn giữ quan niệm từ xưa, cư xử hòa nhã với mọi người song cũng không được phép làm bản thân tổn thương và càng không được thỏa hiệp với tình yêu kém trong sáng, không chấp nhận thứ tình cảm chứa đựng sự phản bội. Rồi con bé sẽ hiểu quyết định khó khăn này, vì có lẽ nó cũng không muốn phải lớn lên bên người bố gian dối, chẳng cần đến con như thế.

 

Em cảm phục chị, người phụ nữ nhỏ bé dịu dàng của em mà cũng có lúc kiên cường, dứt khoát. Em tin, chị xứng đáng được hưởng một tình yêu trọn vẹn hơn vậy. Tất cả còn ở phía trước mà chị ơi.

 

TSL