Cha mẹ không vui khi… nhìn con khôn lớn?

Nuôi con đến trưởng thành, cứ ngỡ nhận quả ngọt nhưng nhiều bậc cha mẹ lại ngậm ngùi nhận quả đắng. Do ai, cha mẹ hay con cái là người đã gieo nhân quả đắng này?

Cha mẹ không vui khi… nhìn con khôn lớn? - 1

Vụ đầu tư thất bại

Lấy nhau lúc cả hai đều đã toan về già, nên vợ chồng ông Đức mãi mới con được mụn con giai. Ngày bà sinh, mấy bạn cùng làm ăn đến chúc mừng, ông nâng ly hể hả: “Thế là tôi đã có chỗ để đầu tư rồi nhé. Con trai là chỗ đầu tư lãi nhất đấy”. Là nhà kinh doanh, lại có tính gia trưởng nên suốt bận vợ mang bầu, ông cứ ngày đêm cầu trời khấn phật cho mình thằng cu. Vì theo ông, nuôi lũ con gái chỉ tổ phí cơm. Lớn lên chúng lấy chồng là mất. Có con trai nay mai nhà mình lại thêm dâu, thêm cháu.

Khi thằng Nhân nhà ông bắt đầu lò dò tập đi, bi bô tập nói cũng là lúc ông Đức bắt đầu “phi vụ” đầu tư của mình. Ông lệnh mọi người trong nhà phải tuyệt đối dành cho thằng con trai những gì tốt nhất, đắt nhất, ngon nhất. Không một lời vòi vĩnh, một yêu cầu nào của con mà ông không đáp ứng. Ông thuê những gia sư giỏi nhất về dạy khi Nhân bắt đầu đi học.

Không phụ lòng cha, Nhân học giỏi và cũng không hư hỏng gì dù được sống trong nhung lụa. Nhưng càng lớn tính Nhân càng lạnh lùng. Cậu chưa hề một lần bưng cốc nước, lọ tăm đến mời cha mẹ. Chưa một lần chở mẹ đi chợ hay đánh cờ cùng cha. Nhân cũng rất ít bạn bè. Đáp lại sự lo lắng của vợ, ông Đức chỉ bảo: “Con nó thế vì đang suy nghĩ việc lớn. Làm cái thằng đàn ông phải biết lo việc lớn. Bà cứ yên tâm, tôi không đầu tư sai đâu”.

Trước ngày Nhân lên đường đi du học, cậu tông xe vào một bà già đi qua đường. Thấy bà tự ngồi dậy được, Nhân dong xe đi thẳng không một lời xin lỗi. Nào ngờ, ngay tối đó, bà già qua đời vì chấn thương sọ não kín. Người qua đường ghi lại được số xe của Nhân, công an đến nhà tìm cậu. Để chuyến tu nghiệp của con khỏi dở dang, ông Đức đã bỏ tiền tỷ ra lo lót bồi thường. Nhân vẫn lên máy bay đúng lịch. Cậu thản nhiên kéo va ly vào phòng chờ không một lần ngoái lại nhìn cha, vẫy mẹ.

Kết thúc bữa tiệc mừng công ty gia đình của ông Đức có sếp mới, chính là Nhân, đứa con trai của ông mới thành đạt ở nước ngoài về, dẫn theo cô vợ Tây, Nhân mời bố mẹ ngồi lại để mình thưa chuyện. Những tưởng mình sẽ được nghe những lời hiếu thảo, phụng dưỡng, nhưng cơn đau tim bất ngờ quật ngã ông Đức khi từ mồm đứa con trai yêu quý tuôn ra những lời nói còn sòng phẳng hơn cả câu chuyện làm ăn trên thương trường: “Con đã đăng ký hai chỗ tại nhà dưỡng lão tốt nhất thành phố cho cha mẹ rồi, vì vợ chồng con bận bịu suốt ngày. Hàng tháng chúng con sẽ vào thăm, chi phí chúng con sẽ chịu”.

Nhà dưỡng lão X. ngày ngày có hai vợ chồng già đẩy nhau đi dạo trên xe lăn ngoài vườn. Người chồng ngồi trên xe thỉnh thoảng lại quay lại ngác ngơ hỏi vợ: “Bà ơi sao tôi là Đức mà nó lại không Nhân hả bà?”.

Cả đôi bên cùng lùi để cùng tiến

Tất nhiên trong cuộc đời, không phải bậc cha mẹ nào cũng phải nhận quả đắng đến phũ phàng như ông Đức. Nhưng xét cho cùng cái nhân của quả đắng ấy là do ông Đức gieo nên chính từ quan niệm trọng nam, khinh nữ của ông, cũng như suy nghĩ “con cái là của để dành” cha mẹ đã vất vả nuôi con nên khi trưởng thành con phải sống đúng ý theo cha mẹ muốn mà quên mất rằng ai cũng có và cũng muốn có cuộc đời riêng của mình.

Ngày nay, khi thế giới đã trở nên phẳng tì tư duy phương Tây cũng có ảnh hưởng sâu đậm đến suy nghĩ ở giới trẻ Việt Nam mà điển hình nhất là cuộc sống sau tuổi trưởng thành – 18 tuổi. Nếu như trước đây, nhiều đứa con ở với bố mẹ đến già kể cả khi đã lấy vợ lấy chồng thì hiện nay, ngay sau khi vừa ra trường đi làm, thậm chí ngay sau khi đỗ đại học nhiều người trẻ đã đánh tiếng xin ở riêng, tự lập để tự do sống theo đam mê sở thích riêng, lập hướng đi riêng. Và với những bậc cha mẹ, đối diện với đề nghị này thường có phản ứng sốc, sau đó là can thiệp, bắt con sống theo ý mình, theo nếp cũ, chỉ rất ít phụ huynh nhất trí với ý thức tự quyết của con.

Thùy Dương là sinh viên Trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Việc Thùy Dương học trường này là do sự bắt ép của gia đình vì cả bố mẹ đều là nghệ sĩ chèo nổi tiếng. Nhưng theo học thì Dương mới biết mình không phù hợp và lạc lõng. Để cứu lấy cuộc đời mình, Dương quyết định xin ra ở riêng, nghỉ học đi làm một thời gian để lấy tiền ôn thi lại thực hiện ước mơ học kinh tế ngoại thương của mình. Khỏi nói cũng biết cha mẹ của Dương đã sốc như thế nào trước quyết định của con gái. Ngày Dương dọn ra ở riêng, mẹ Dương khóc lóc sụt sùi còn cha thì bỏ vào phòng nằm cả ngày không nói một lời.

Từ câu chuyện của Thùy Dương, cũng như câu chuyện của cha con ông Đức – Nhân trên có thể thấy, nếu không tính đến nỗi lo, với nền tảng văn hóa, kiến thức… thì việc giới trẻ muốn trải nghiệm tự lập lẫn mạnh mẽ định đoạt đời mình rất đáng được ủng hộ. Thế nhưng, nếu như người trẻ đạp bằng tất cả để quyết liệt thực hiện ý muốn cá nhân của mình thì đó chính là thể hiện cái tôi ích kỷ, ngược lại cha mẹ cũng nhất quyết dùng quyền cha mẹ của mình để áp đặt cũng là sự ích kỷ không kém.

Do đó, theo nhiều chuyên gia tâm lý, xóa bỏ khoảng cách thế hệ - thực tế vốn đang âm ỉ diễn ra trong các gia đình hôm nay, thì không đơn giản là chỉ mình phụ huynh hạn chế quyền kiểm soát, tiến tới xóa bỏ quyền định đoạt thay con bằng cách tôn trọng con với những lựa chọn của chúng trong cuộc sống, mà ngược lại con cái cũng cần chứng minh mình trưởng thành. Sự trưởng thành ấy, trước tiên là làm cho phụ huynh tin tưởng, an tâm, hoàn toàn ủng hộ thông qua các bước suy nghĩ - trò chuyện - giải thích và thuyết phục.

Theo Hồng Minh
Pháp luật Việt Nam