"Bố không về, mẹ ơi thôi đừng khóc"

(Dân trí) - "... Người lớn, rốt cục có thật hiểu trẻ con không? Nếu bố mẹ có thể tha thứ lỗi lầm của nhau, có thể yêu thương trở lại, vui vẻ như chưa từng giận hờn, đó mới chính là vì con. Chứ không phải chịu đựng nhau, không cố tình tạo ra một vỏ bọc êm đềm mà chính người trong cuộc, lẫn người ngoài cuộc đều biết rằng bên trong đang mục rữa...".

"Bố không về, mẹ ơi thôi đừng khóc" - 1

Con không biết bố mẹ đã từng yêu nhau nhiều ra sao, đã có những tháng ngày hạnh phúc như thế nào. Có lẽ là có, nên mới có gia đình mình bây giờ, nên mới có con. Con cũng đã từng như hầu hết những đứa trẻ khác quanh nhà, được bố mẹ yêu thương và chiều chuộng, vô tư cười hát nô đùa.

Chỉ là lúc đó con còn quá nhỏ nên không hiểu vì sao mọi thứ dần đổi khác. Bố mẹ ít đi chung, bố mẹ không ngủ cùng giường. Bố ít về nhà vào những bữa cơm, và mẹ cũng thôi không chờ đợi. Con đơn giản nghĩ, bố mẹ giận nhau, rồi lại làm lành với nhau thôi. Giống như bọn nhỏ tụi con, cãi vã giận hờn, rồi lại chơi chung, lại nắm tay nhau cười nói. Bức tường hôn nhân, ban đầu chỉ là những vết rạn, rồi dần nứt toác ra thành những mảnh vỡ. Con không muốn nhớ những lần thấy mẹ vừa nấu ăn vừa quệt nước mắt. Con không dám đến gần mỗi khi bố ngồi hút thuốc một mình ở ban công tới tận khuya.

Rồi con lớn lên, con nghe người ta xì xào, bố có người phụ nữ khác bên ngoài. Bà ngoại hỏi mẹ: “Chúng mày cứ định sống thế đến hết đời sao?”. Mẹ bảo, chờ con lớn rồi tính sau. Người lớn, rốt cục có thật hiểu trẻ con không? Nếu bố mẹ có thể tha thứ lỗi lầm của nhau, có thể yêu thương trở lại, vui vẻ như chưa từng giận hờn, đó mới chính là vì con. Chứ không phải chịu đựng nhau, không cố tình tạo ra một vỏ bọc êm đềm mà chính người trong cuộc, lẫn người ngoài cuộc đều biết rằng bên trong đang mục rữa.

Có phải là do con không? Có phải vì con mà bố mẹ phải chịu đựng nhau ngần ấy năm trời? Có phải vì con mà bố mẹ không ai dám rời bỏ để vui hạnh phúc mới? Bố mẹ làm vậy là đang hi sinh vì con? Nếu vậy, thì con nghĩ sự hi sinh ấy đã trở thành vô nghĩa.

Bởi vì kể từ ngày ấy, ngày mà bố mẹ cãi chau rồi ném tung tóe đồ vật trong nhà, ngày mà mẹ khóc lóc bảo bố dối lừa, còn bố hùng hổ tuyên bố: “Từ giờ, tôi và cô, ngoài đứa con này, chẳng còn gì liên quan”. Ngày đó, có một cô bé sợ hãi nép ở góc nhà, nhìn những mảnh vỡ sắc lạnh chồng lên nhau buốt nhói.

Con đã đi qua tuổi thơ của mình với nỗi mặc cảm như thế. Bố vẫn về nhưng ít hơn. Mẹ vẫn bình thường như không có chuyện gì nhưng đôi mắt ẩn chứa một nỗi buồn đau thăm thẳm. Và con đã biết không nên ồn ào trong mỗi bữa cơm, không nhõng nhẽo đòi bố mẹ đưa đi chơi những dịp cuối tuần. Những hồn nhiên tuổi thơ con đã rơi đi đâu mất, chỉ còn lại nỗi buồn tủi khi mỗi chiều chứng kiến nhà người ta canh ngọt cơm lành. Dần dà nhà mình còn không có cả những tiếng cãi vã, mà chỉ là không khí im lặng bao trùm. Im lặng - điều đó con thấy đáng sợ hơn cả những um tùm chửi bới.

Nếu không còn yêu nhau, sao bố mẹ không tìm cách giải thoát. Nếu thực sự không thể níu kéo, chi bằng thôi hãy buông tay. Nếu bố mẹ chia tay, con có thể sống thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Nhưng, như thế bố đã có thể hạnh phúc bên người phụ nữ khác. Mẹ cũng có thể đã tìm được một bờ vai khác để dựa, hoặc hai mẹ con mình có thể vui vẻ sống với nhau. Cuộc sống như thế có lẽ đã nhẹ nhàng hơn. Và con sẽ không có những ám ảnh đớn đau về hai chữ “gia đình”, con đã không mất niềm tin vào tình yêu nhiều đến thế.

Có thể con chưa lập gia đình, nên chưa hiểu hết tâm tư của người làm cha làm mẹ. Nhưng với sự hiểu của con, con vẫn nghĩ: Ly hôn chưa hẳn đã là điều tồi tệ nhất. Khi điều đó có thể là cơ hội để hai người bắt đầu lại. Khi điều đó có thể làm cho con trẻ không phải chịu những tổn thương khi chứng kiến cảnh bố mẹ mình oán hờn, hằn học. Khi cánh cửa này khép lại, thì đồng thời có một cánh cửa khác cũng mở ra. Vậy thì tại sao hai người không đi về lối cửa mở để bước vào một con đường mới?

Con ước giá như con đủ sức mạnh để làm cầu nối cho hai người. Con thực sự không muốn làm vật cản trên con đường bố mẹ kiếm tìm hạnh phúc. Con rồi sẽ lớn, sẽ lấy chồng, mà bố mẹ thì không thể sống mãi như thế. Con muốn bố được thoải mái sống bên người mà bố yêu thương. Cô ấy là phụ nữ, cô ấy cũng cần danh phận để không bị người đời lên án là kẻ thứ ba. Và mẹ nữa, một người chồng khi không còn là chỗ dựa, không còn là niềm tin, thì cũng đâu còn là gì để hi vọng và chờ đợi.

Ngân Hà