Ảo mộng hôn nhân

Nhiều bạn trẻ kỳ vọng hôn nhân sẽ là mái nhà vững chắc, là bến cảng bình yên họ náu nương trú ngụ. Nhưng trên thực tế, đám cưới chỉ là viên gạch đầu tiên để xây dựng một gia đình.

Cô B. (Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) sinh ra ở một làng quê nghèo Hà Tây, gia đình đông anh em, ăn chẳng đủ no. 16 tuổi, cô ra Hà Nội, làm người giúp việc mong kiếm được chút lưng vốn.

 

Làm việc được gần hai năm, bà chủ nhà nhẹ nhàng bảo: "Con sống với bác, chịu khó hiền lành nên bác rất thương. Bác có anh con trai đi bộ đội mới về. Con ưng thì bác về quê hỏi con cho nó. Bác sẽ lo cho hai đứa một căn hộ, cho con ít lưng vốn để mở cửa hàng buôn bán".

 

B. sững người, có nằm mơ cô cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc này. Rất nhiều người vun vào. Bố mẹ cô cho rằng đây là cơ hội đổi đời chứ về quê cũng chỉ gặp mấy anh trai cầy, suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà thôi.

 

Khi gặp "người ta", cô thấy anh ấy ít nói, hiền lành, ai trêu gì cũng chỉ cười. Vậy là cô gật đầu đồng ý, hy vọng sẽ được hưởng một cuộc đời êm ấm. Sau đám cưới, cô được mẹ chồng mua cho một căn nhà xinh xắn, một quầy hàng nhỏ. Rồi cô có thai, sinh một cậu con trai bụ bẫm. Người chồng hiền lành, vui mừng, ra sức chăm bẵm hai mẹ con.

 

Sóng gió nổi lên khi cô phát hiện ra chồng mình bình thường ít nói nhưng có lúc lại co mình vào một góc nói năng lảm nhảm. Càng ngày thời gian nói và mức độ lảm nhảm càng nhiều. Cô có hỏi, có quát mắng, anh ta cũng như không nhìn thấy cô.

 

Lúc đó cô mới đau đớn biết rằng, khi cưới, chồng cô vừa mới ở bệnh viện tâm thần ra. B. đành ngậm đắng nuốt cay sống cạnh người chồng lúc tỉnh thì chẳng nói gì, lúc điên thì nói suốt ngày. Có lúc cô nổi giận mắng chửi, đấm đạp, anh ta cũng chẳng biết gì. Con trai năm tuổi, chồng cô bệnh càng nặng, đập phá đồ đạc, phải đưa đi viện.

 

Sống cùng với người tâm thần, nhiều lúc B. cũng muốn phát điên. Thấy cô có ý định ly hôn, gia đình nhà chồng cô đưa đơn ra toà, yêu cầu toà án huỷ hôn vì "lúc kết hôn anh ta vẫn bị tâm thần". Vì là hôn nhân không hợp pháp nên ngôi nhà, tài sản đều bị gia đình nhà chồng tịch thu hết. Hai mẹ con cô bị đuổi ra khỏi nhà.

 

B. cầu cứu khắp nơi, mong đòi lại nhà cho hai mẹ con. Nhưng gia đình nhà chồng không hề nuối tiếc đứa cháu trai kháu khỉnh với lý do: "Nhỡ nó giống tính điên của bố nó" nên dứt khoát cạn tình. B. không biết làm gì để nuôi con, cũng chẳng dám về quê. Giấc mộng tìm được một bến đỗ bình an tan thành mây khói.

 

Giống như B., nhiều phụ nữ khác cũng đã bấu víu vào hôn nhân để hy vọng được đổi đời, hy vọng tìm cho mình một chỗ dựa.

 

Những cô gái trẻ ở nông thôn ra, khấp khởi mừng thầm nếu có chàng trai thành phố để mắt tới, chẳng cần có thời gian tìm hiểu thăm gia cảnh, tính tình của anh ta, cưới vội. Sau cưới là thất vọng người chồng nghiện hút, cờ bạc, rượu chè. Gia đình anh ta cưới vợ về cho con cốt là để rảnh nợ.

 

Có sinh viên có học thức, xinh đẹp nhưng muốn ở lại thành phố, muốn có cuộc sống sung túc, muốn có công việc, cũng vội vàng trao gửi thân phận cho một người không yêu. Các cô cứ nghĩ nếu đầy đủ vật chất, công việc ổn định, nhà cao cửa rộng, tình yêu sẽ đến, hôn nhân sẽ vững bền. Nhưng rồi một chút tình đơn phương cũng bay mất.

 

Hôn nhân không phải là cái vịnh tránh gió, càng chẳng phải là một ngôi nhà êm ấm có sẵn sau đám cưới cho bạn nghỉ ngơi. Hôn nhân là một cái hồ đầy bão tố và bạn cần phải biết rõ, hiểu kỹ từng con sóng, từng hướng gió mới mong vững tay chèo lái con thuyền gia đình tới bến hạnh phúc.

 

Theo Phụ Nữ Thủ Đô