Anh có thấy phiền vì đã lấy em?

(Dân trí) - Cách đây năm năm, khi mình chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, cũng là lúc anh sắp được cất nhắc lên ban bệ, phụ trách chất lượng của một công ty chuyên sản xuất thuốc tây. Nhưng theo cơ cấu của phòng tổ chức cán bộ thì anh phải có văn bằng hai của trường Dược....


Anh có thấy phiền vì đã lấy em?

Điều đó có nghĩa, anh sẽ phải đi đi lại lại mỗi ngày hàng trăm cây số để vừa học vừa làm, còn em sẽ phải một mình chăm con, trong khi không ai hỗ trợ. Hai vợ chồng đã cùng nhau vạch ra ưu, nhược điểm của việc này. Bài toán về chi phí cơ hội được đưa ra, anh học vài năm, tiền đóng gạo góp, công việc bê trễ, sức khỏe tổn hại, vợ con nheo nhóc… đánh đổi lại là thứ mà mình còn chưa biết rõ tròn méo ra sao.

Vậy là anh quyết định sẽ không đi học, đồng nghĩa với việc anh mãi chỉ có thể ở vị trí hiện tại được thôi. Chán nản với sự phân biệt đối xử anh xin nghỉ việc luôn, bỏ lại tất cả bao cống hiến và công sức suốt thời trai trẻ.

Nửa tháng sau anh vào làm công ty hiện tại, lại lao tâm khổ tứ với niềm say mê mới, dự án mới. Anh được thăng chức lên làm giám sát sản xuất, lại là chuỗi ngày đi sớm về muộn, bên cạnh lời càm ràm của vợ: “Sao anh cứ đi suốt, chẳng quan tâm gì đến vợ con”.

Khi ấy mặc dù em đã ngậm ngùi, chấp nhận chuyển sang làm công việc kém hấp dẫn hơn, tuy nhiên, em vẫn không thể nào kham nổi việc nhà. Em đã nói anh hãy giảm bớt công việc xuống, em không cần anh phải kiếm nhiều tiền để làm gì cả. Mãi sau này em mới biết, anh đã tự xin chuyển bộ phận, một lần nữa “nhượng” bao tâm huyết của mình cho người khác.

Ở nơi mới, anh vẫn làm việc hết mình và đầy trách nhiệm, anh tiếp tục được sếp tin tưởng, giao phó trọng trách, anh lại về tham khảo ý kiến em. Mà sao anh không như cánh đàn ông từng khôi hài bảo nhau: “Phàm việc gì khó hãy về nhà hỏi vợ, vợ bảo thế nào cứ làm ngược lại, ắt sẽ thành công”.

Giờ đây khi em vừa sinh bé thứ hai, anh lại đứng trước cơ hội, và sự lựa chọn mới. Để anh có được chức vụ “êm” hơn, cả anh và em đều phải đánh đổi bằng sự xáo trộn khá lớn của gia đình nhỏ. Ví dụ như anh sẽ phải đi làm ca, theo dây chuyền sản xuất, hoặc muốn thăng tiến cao hơn nữa thì anh phải đi nước ngoài tác nghiệp, học việc một, hai năm… Em hoảng thực sự.

Tính em cò con, đương nhiên sẽ bàn lùi, con bé tham lam này lúc nào cũng muốn có anh ở bên, nên luôn ca bài “Em không thích tiền, chỉ thích anh là nhân viên bình thường thôi”, em cứ “vùi dập” anh như thế.

Thực tâm em nghĩ, “càng cao thì gió càng lay”, không phải em sợ anh không làm được, mà em lo anh như con thú say mồi, sẽ ngày càng tham vọng, thời gian cho công việc sẽ choán hết và quên mất mẹ con em đang chờ anh bên mâm cơm dần nguội lạnh. Viễn cảnh đó sẽ không xa một khi anh có chức, có quyền, có tiền trong tay. Tình cảm gia đình sứt mẻ, thì thử hỏi tiền có ích gì?

Bên cạnh đó, ở công ty thiếu anh thì hẳn không ít người thay thế, còn anh với gia đình mình là một vị trí “bất khả xâm phạm”. Em hiểu, công việc của anh, chỉ anh mới biết thế nào là tốt nhất, còn với em, dung hòa lợi ích giữa sự nghiệp và gia đình mới là quan trọng nhất, anh hãy nhớ suy xét cho kỹ.

Nghe những lời “ngụy biện” của em, anh hẳn đã lại mủi lòng, để rồi em thành ra áy náy, trách mình là kẻ cản trở đường công danh của chồng. Nếu anh không lấy em, hoặc giả anh lấy một người nào đó đảm đang, tháo vát, tự chủ hơn em, hẳn giờ anh đã là người có vị thế chắc chắn rồi cũng nên.

Còn anh, anh có thấy phiền vì đã lấy người như em làm vợ?

An Miên