Ăn cơm trước kẻng

(Dân trí) - Nó lấy chồng năm hai mươi chín tuổi, đủ chín chắn để làm dâu, làm vợ. Vậy mà sao nó thấy lòng buồn đến thế. Tiếng thở dài cứ chực sẵn ở bờ môi…

Đám cưới nó diễn ra trong không khí ngột ngạt của những lời xì xầm xung quanh. Người thân cũng đặt ra dấu chấm hỏi khá lớn khi nó đột ngột thông báo cưới. Ngày rước dâu, nó phải vào nhà bằng cánh cửa bên hông thay vì cửa lớn đón dâu. Dù đã được dặn trước, vậy mà cứ ngậm ngùi làm sao. Trong căn nhà ba gian, nó lạy bàn thờ gia tiên với khói trầm xông nghi ngút. Ba mẹ và mấy cậu nó trầm ngâm. Còn mắt nó hoen đỏ, khói cay xè mắt, cảm giác buồn tủi dâng trào.

Nó bước chân về nhà chồng với cái thai gần ba tháng.

Mỗi khi buồn, nó lại xoa tay lên bụng. Tiếng cựa quậy của con trẻ và những cái đạp nhè nhẹ như một động lực để nó bước tiếp. Nhưng mọi thứ đâu đơn giản như nó nghĩ. Mẹ và chị chồng mỗi khi gặp nhau đều vô tình hay hữu ý nhắc đến việc người này người nọ đưa con đi thử ADN, nó lại chột dạ. Có phải mọi người nghi ngờ đứa con trong bụng mình không? Cũng chả trách được. Chỉ buồn anh chồng vô tâm của nó thôi. Yêu nhau đến ba năm rồi chờ ròng rã ba năm anh đi xa, tuổi xuân của nó dành trọn cho chồng nó bây giờ, mối tình đầu son sắt. Nó đến với anh trinh nguyên từ thể xác lẫn tâm hồn. Trách anh chưa tạo được một niềm tin vững chắc với gia đình về máu mủ của mình. Trách nó phút bồng bột ăn cơm trước kẻng…

Ngày chuyển dạ, run run ôm đứa con bé bỏng trong tay, bao nhiêu buồn tủi trong lòng nó vỡ tan như bong bóng xà phòng dưới ánh bình minh. Con bé giống ba như tạc. Khuôn mặt dài dài với cái cằm hơi nhọn. Vầng trán cao. Cái miệng chúm chím với đôi môi mỏng. chỉ riêng đôi mắt lại giống bà nội. Bà nội nó im lặng, nhìn con bé rồi thì thầm với ông chú điều gì đó. Nó thở hắt ra. Chị chồng phán “Giống ba Tâm quá!”. Mấy chị cùng cơ quan nó vào thăm, bật cười vì sự giống nhau đến kì lạ của hai cha con. Người ta nói trời sinh vậy đó. Những đứa trẻ càng không được thừa nhận lại càng giống máu mủ của nó, như một sự đền bù, như trêu ngươi số phận vậy.

Vậy mà đã yên đâu. Mẹ chồng nó cứ thắc mắc về ngày sinh của cháu. Nó sinh sớm một tuần. Bác sĩ đã giải thích con so thường sinh sớm hơn dự kiến. Nhưng mỗi lần bế cháu bà cứ hỏi bâng quơ: “Con bé sinh sớm mà sao giống mấy đứa sinh quá ngày vậy? Lông tơ mọc rậm quá!”. Câu hỏi đó được lặp lại vài lần và như muối xát vào lòng nó vậy. Tại nó ăn cơm trước kẻng ư? Nó bị coi thường và con nó bị nghi ngờ? Nó hay ôm con khóc thầm.

Rồi càng ngày con bé lớn càng giống bà nội. Khuôn mặt đầy đặn với hai má phúng phính. Đôi mắt có đuôi không thể khác đi đâu nữa. Chồng nó luôn bật cười và gọi con bé là “Cái khuôn của bà nội!”. Ai đến nhà chơi cũng khen giống bà nội. Người ta nói đùa: “Đem nó thả ngoài đường cũng biết ngay là cháu bà Lam!”. Đáp lại là câu nói của bà không chút đùa cợt: “Giống đâu mà giống!”. Chẳng thể bỏ ngoài tai, nó lại buồn. Nó hay nhìn nụ cười ha hả của bà Bảy cạnh nhà, mỗi khi ai khen cháu gái giống bà nội là nụ cười đó lại vang lên, sảng khoái đến lạ…

Nó bắt đầu tin vào số phận. Bao nhiêu người giống nó sao cái số nó lại thế? Có lẽ tại nó hay nghĩ ngợi nên tự làm khổ mình. Nhưng nó vẫn luôn nói với con gái: “Đừng dại khờ giống mẹ nghe con!”.

Thanh Ny

 

 

Ăn cơm trước kẻng - 1