Ai sướng, ai khổ?

(Dân trí) - Do hoàn cảnh hai nhà trai cùng muốn cưới, thành ra hai chị em bị động, đành phải cưới cùng năm.

Có người nói người cưới sau sẽ bị mất hết lộc, rồi thì nhà ai cũng có một kẻ thiệt thòi, gánh hết cho những người còn lại. Song thực ra cho đến giờ chưa thể biết ai hứng hết lộc của ai…

Ai sướng, ai khổ?


Ban đầu chồng cô chị hứa hẹn, cứ ở với bố mẹ chồng đôi tháng, rồi sẽ ra thuê trọ cho rộng rãi và tiện đi làm. Sau mới biết anh ta không thích vợ ở gần kẻo lộ tẩy việc ham mê cờ bạc. Trong khi nhà chồng thì như cái trại tị nạn, chị gái ly hôn, em gái mới lấy chồng cũng chen chúc ở đó hết, cô chị phải phục vụ tất thảy.

Cưới được vài tháng, lúc biết có bầu cô chị mới phát hiện ra chồng thích “đan quạt”. Những buổi bận trực của anh hầu hết ở nhà mấy ông bạn, sát phạt nhau. Mẹ chồng thì đổ tại con dâu nên con trai mới đổ đốn như thế, yêu cầu thông gia về dạy lại con gái, bố mẹ chị đành ngậm ngùi…

Giờ chị và con gái cứ cuối tuần lại dắt nhau du lịch đây đó, đi siêu thị mua đồ, đến chơi nhà bạn bè, anh em. Cô chị xinh như tiên, lúc nào điệu cười cũng giòn rã. Anh chồng cũ lê lết xin quay lại, nhưng cô chị chỉ lắc đầu, đang sung sướng thế này sao phải đập đầu vào đá lần nữa.

Vậy mà có người vẫn bĩu mỗi “thương” hộ: “Đêm về khéo tức chả ngủ được”, “Bỏ chồng chẳng có chỗ dựa tủi thân chết”, nghe đến tai, cô chị cười to: “Khổ quá, tôi chẳng thấy khổ gì hết” thì mọi người hình như có vẻ giễu cợt.

Lâu không gặp lại có người gợi chuyện: “Chúng nó đã về với nhau chưa?”, người nhà liền đáp vội: “Tay kia từng vào tù vì đánh bạc có tổ chức. Đã bị đuổi khỏi ngành, giờ lang thang phiêu bạt, nhà chồng thì không một ai thèm biết mặt cháu, về làm gì cho phí ra”. Ấy thế mà người kia vẫn cố “răn dạy” rằng mình thì không sao nhưng còn con, phải nghĩ đến suy nghĩ của nó, có vợ có chồng, có bố vẫn hơn… 

Họ quay ra bảo cô em sướng, cô em chỉ im lặng không buồn đáp nhời, thực tình kể khổ ra làm gì. Mỗi khi hai chị tâm sự cô vẫn động viên chị, nhân vô thập toàn, mỗi nhà mỗi cảnh. Để được như bây giờ cô cũng đã khổ sở, vất vả khá nhiều, từng phải suy nghĩ thâu đêm nào ai biết và có kể cả ngày cũng chẳng hết được.

Thí dụ, hai đứa em dâu cô ấy, nhà cửa đều sẵn ở, chẳng phải lo lắng bất cứ gì. Mẹ chồng tận tình chu đáo chăm cho từ lúc chúng hoài thai. Bà túc trực đêm hôm chúng nó đau, rặn đẻ. Sau đó bà thức đêm ôm ẵm, phụ nuôi con cùng từ lúc đỏ hỏn đến khi cháu chân đi miệng nói, rồi tuyên bố “ba tuổi mới cho đi học”. 

Cô em thì đều cặm cụi làm cho đến tận hôm đau đẻ, một mình vác giỏ ra viện. Lúc nào cũng chỉ hai vợ chồng, xong xuôi các bà mới đến, mỗi bà đỡ cho được một tuần, sau đó thì tự túc hết, ai bảo ở xa. Khi đi làm thì phải thuê người trông con, con hơn tuổi đã phải tống đi lớp. Ở trọ lếch thếch mãi, sống xa nhà nên khỏe không ai biết, ốm không ai hay, tự thân vận động hết, khi nào nhà có việc, cần tiền họ mới nhớ đến mình. Sướng hay khổ, thôi cũng mặc người thừa hơi phán xét.

Ngẫm đi ngẫm lại, chị em cùng bảo ban, động viên nhau phải nhìn vào những cái mình đang có để thấy cuộc đời tươi đẹp. “Chị được mẹ mình nuôi con cho đến tận lúc nó đi học, đưa đón này khác. Chị được ở gần bố mẹ mỗi ngày, được trò chuyện tâm sự, “Nước nhờ mạ mạ nhờ nước”, em thì chỉ được nghe giọng nói của bố mẹ qua điện thoại, mỗi lần về thăm bố mẹ lại mệt đến mấy hôm...”.

Quên đi những thiếu thốn, rốt cuộc cả hai đều thấy hài lòng với cái họ có. Họa chăng chỉ còn miệng lưỡi người đời, hay thương vay khóc mượn hộ hai chị em.

TSL

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Tình yêu – giới tính, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa – Du lịch báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email tygt@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!