7 bước giảm xung đột

(Dân trí) - Chúng tạo ra đối thoại chứ không phải đối đầu và khích lệ mỗi người cùng trao đổi về những vấn đề đã xảy ra một cách ít tổn thương nhất.

Xung đột là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống song nó không nhất thiết lúc nào cũng phải gây đau đớn, tổn thương cho những người tham gia. Trong thực tế, trong chúng ta luôn có khả năng duy trì quan hệ ngay cả khi mâu thuẫn trở nên vô cùng sâu sắc. Khi cơn cáu giận lên tới đỉnh điểm (như tất cả chúng ta vẫn thấy) và cần phải biến đi đâu đó, ta có thể làm theo nhiều cách để sao cho việc quay trở lại dễ dàng hơn.

 

Dưới đây là bảy bước giúp bạn đương đầu với những xung đột nảy sinh trong cuộc sống:

 

1. Tạo cho mình một khoảng ngưng sau xung đột

 

Đôi lúc bạn cần một khoảng cách nhất định hay một khoảng thời gian giãn cách để giảm bớt căng thẳng đồng thời nhìn nhận lại mọi việc. Song khoảng ngưng đó phải giới hạn ở một mức nào đó để rồi cả bạn và người tranh cãi với bạn cùng chấp nhận quay trở lại và xem xét một lần nữa vấn đề đã xảy ra.

 

Một khoảng ngưng như vậy là điều tuyệt vời miễn là nó có thể đưa hai bên trở lại quan hệ bình thường.

 

2. Tôn trọng phẩm cách của người khác

 

Người tranh cãi với bạn không bao giờ đánh mất những giá trị riêng của họ, vì thế, dù bạn có cho rằng mình đúng đến đâu và họ sai tới mức nào thì cũng đừng bao giờ phủ nhận lòng tự trọng của họ, bạn sẽ chỉ gặt hái những điều tồi tệ mà thôi.

 

3. Đặt mình vào vị trí đối phương để thấu hiểu họ hơn

 

Chúng ta phải bằng mọi nỗ lực đặt mình vào vị trí cũng như hoàn cảnh của người khác trước khi tranh đấu vì lý lẽ của chính mình.

 

Nếu chỉ đơn giản nói rằng ta hiểu quan điểm của họ thôi thì chưa đủ. Hãy làm sao để bạn có thể tranh cãi và trình bày vấn đề của họ như chính vấn đề của bạn vậy.

 

4. Thừa nhận hiểu biết của phía bên kia

 

Trước khi ta có thể trở thành người thầy, ta phải là học trò của họ. Chúng ta phải chấp nhận một điều, dù người đó có lầm lẫn vấn đề nào đó tới mức nào thì họ cũng không thể nhầm lẫn trong mọi việc. Không có ai thông minh 100% cũng như không có ai ngốc nghếch 100% cả.

 

5. Hiểu rằng cãi vã làm tổn thương cả hai phía

Bạn cần hiểu rằng ngay cả khi ta đang làm một việc hoàn toàn đúng đắn để giải quyết mối quan hệ tình cảm nhưng tất cả chúng ta đều phải trả giá khi để xảy ra xung đột.

 

Dù ta có đúng thì điều đó cũng không giúp ta tránh được cảm giác tổn thương vốn là một phần của những cuộc cãi vã có ta tham dự.

 

6. Trước hết tự nhìn nhận bản thân mình

 

Ngay cả khi đúng, ta cũng nên thường xuyên tự vấn ta đã tham gia vào việc gây ra và kéo dài các cuộc cãi vã như thế nào.

 

Đôi khi tất cả chúng ta đều thích chơi trò “đổ lỗi” nhưng điều quan trọng trước  khi đổ trách nhiệm cho người khác là ta phải tự biết nhìn nhận lại trách nhiệm của chính mình trong sự việc.

 

7. Hãy nhớ rằng “đúng” thôi vẫn là chưa đủ

 

Chúng ta cần tự nhủ rằng: Lời biện minh duy nhất trong xung đột với những người ta yêu thương là làm sao chỉ ra được vấn đề cần giải quyết, đó là mấu chốt để duy trì quan hệ theo thời gian. Nếu cái đích của xung đột chỉ là tìm ra xem ai đúng thì có lẽ nó không nhất thiết phải xảy ra.

 

Đỗ Dương

Theo Yahoo