20 năm, 9 lần thụ tinh ống nghiệm và nước mắt làm mẹ

Lấy chồng từ năm 20 tuổi và cũng thêm 20 năm sau nữa, chị Thủy (SN 1976) mới có được hạnh phúc làm mẹ. Cả một quãng đường gian nan đó, người chồng vẫn gắn bó, yêu thương, động viên chị đi qua rất nhiều biến cố để đến khi bế con trên tay mà chị vẫn ngỡ là giấc mơ.


Nhờ sự can thiệp của y học tiên tiến, anh Đỗ Đại Dương, người bị đứt tủy sống, liệt hai chân vẫn được hưởng niềm hạnh phúc vô bờ là sinh được con. Ảnh: BVCC

Nhờ sự can thiệp của y học tiên tiến, anh Đỗ Đại Dương, người bị đứt tủy sống, liệt hai chân vẫn được hưởng niềm hạnh phúc vô bờ là sinh được con. Ảnh: BVCC

20 năm “tìm” con và niềm vui có Mong có Mỏi

Kể chuyện hạnh phúc có con mà chị Thủy nức nở khiến người nghe cũng không cầm được nước mắt. Lấy nhau được 7 năm không có con, chị và chồng đi khắp mọi nơi để chữa chạy mà không có lấy một tia hy vọng. Đến ngày hôm nay, chị đã trải qua những biến cố mà không một người phụ nữ nào mong muốn: 1 lần mổ thông tắc vòi trứng, 2 lần chửa ngoài tử cung, 1 lần mổ cắt polyp và 9 lần thực hiện mang thai thụ tinh ống nghiệm.

Năm 2012, qua một người bạn giới thiệu, vợ chồng chị đến bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với một mong muốn “còn nước còn tát”. Sau lần đó, việc thụ tinh ống nghiệm thất bại, chị đã quá thất vọng và mệt mỏi. Anh chị cũng đã tính đến việc xin con nuôi nhưng cuộc đời vẫn như thử thách khát khao làm mẹ của chị. Cả hai vợ chồng lặn lội lên Phú Thọ, khấp khởi tưởng đón được con về thì lên đến nơi, em bé đó đã có người khác xin mất.

“Tôi đã làm rất nhiều lần thụ tinh ống nghiệm mà không thành công, đã quá thất vọng và nghĩ đến chuyện nhờ người mang thai hộ. Bác sĩ động viên cố thêm lần nữa nhưng rồi đau đớn và càng tuyệt vọng khi chuẩn bị thực hiện lần cuối cùng, tôi lại phát hiện bị polyp (dạng u) tử cung phải mổ”. Sau 1 tháng điều trị, ngày 27/2/2015, bác sĩ đặt 3 phôi vào tử cung của chị Thủy. 14 ngày sau, thử que thử thai lên 2 vạch, chị vẫn không nghĩ là mình đã đậu thai. Lúc đấy hai vợ chồng đã cãi nhau, chồng còn cho rằng đấy là do ngủ dậy sớm… Đến bệnh viện thử máu, cầm tờ kết quả trên tay, vợ chồng chị vẫn chưa thể tin mình có bầu. Ba tháng sau, thậm chí ngay cả khi bụng to 5 - 6 tháng nhiều lúc chị vẫn chưa tin là mình có thai. Đến lúc sinh đôi một trai, một gái, nhìn hai con, chị vẫn ngỡ như là mơ và đặt tên gọi ở nhà của hai con là Mong và Mỏi. “Nhiều người bảo tôi, sao chị có phước thế, chồng chị vẫn chờ à? Tôi bảo: Vợ chồng tôi vẫn hạnh phúc, chỉ có gia đình nhà chồng là có chút khúc mắc thôi”, kể đến đây, nước mắt chị vẫn không ngừng rơi, bên cạnh chị, người chồng bế con trên tay mỉm cười an ủi.

Đứt tủy sống, liệt chi vẫn sinh được con

Cùng chung trạng thái xúc động với niềm hạnh phúc được làm cha mẹ, câu chuyện của anh Đỗ Đại Dương, người bị đứt tủy sống, liệt hai chân vẫn sinh được con khiến nhiều người xúc động.

Hơn 20 năm sau tai nạn khủng khiếp, bị đứt tủy sống và liệt hai chân, anh Đỗ Đại Dương không bao giờ nghĩ mình sẽ có được hạnh phúc làm cha. Giờ đây ngồi nhìn ngắm đứa con gái 4 tuổi, anh vẫn không thể gọi được tên niềm hạnh phúc này.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Dương cho biết, anh bị tai nạn và liệt hai chi dưới năm 19 tuổi, cái tuổi đầy sức trẻ và nhiều hoài bão của người đàn ông.

Vượt qua những mặc cảm và hạnh phúc đến với anh năm 36 tuổi, anh mới lấy vợ. Niềm khao khát được làm cha tưởng chừng tắt bởi 4 năm sau anh vẫn chưa có con. “Khi đi khám các bác sĩ cho biết, khả năng có con của tôi dường như là không thể vì bị đứt tủy sống. Lúc đầu tôi cũng tuyệt vọng và buồn chán nhưng đến làm các xét nghiệm, các chuyên gia cho rằng trường hợp của tôi hoàn toàn có thể có con được. Sau đó các bác sĩ đã chọc hút tinh trùng rồi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và vợ chồng tôi đã sinh được bé gái, hiện 4 tuổi”.

Chia sẻ về tình trạng vô sinh hiếm muộn hiện nay và những ca đặc biệt mà Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã thực hiện cho những bệnh nhân tưởng chừng không thể có con được, BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản cho biết, Bệnh viện đã từng thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng người đã mất. Đây là trường hợp lấy mô tinh hoàn của người chồng bị mất do tai nạn lưu trữ và 3 năm sau thụ tinh theo nguyện vọng của người vợ. Kết quả hai bé trai sinh đôi năm 2013, đến nay đều phát triển khỏe mạnh. Hay trường hợp người chồng bị bại liệt nửa người 10 năm không quan hệ tình dục nhưng rất mong mỏi có con, Bệnh viện cũng đã thực hiện thành công, một bé trai nặng 3,2 kg đã được sinh ra đem lại hạnh phúc cho cặp vợ chồng và cả gia đình. Bệnh viện cũng đã thụ tinh ống nghiệm cho bệnh nhân nữ có tử cung bất thường (tử cung đôi) và cả trường hợp bệnh nhân phát hiện ung thư tinh hoàn.

BS Thu Hiền cho biết thêm, hiện nay những cải tiến vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã biến ước mơ có con của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực. Tuy nhiên, BS Hiền cũng khuyến cáo, nhiều cặp vợ chồng còn thiếu thông tin, kiến thức về nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Điển hình như việc chủ quan đi khám và điều trị muộn, thậm chí có người còn nghĩ đó là do số “trời” nên để tình trạng bệnh tật ngày càng nặng, bỏ lỡ thời gian và cơ hội để sớm có hạnh phúc được làm cha, làm mẹ.

BS Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ, các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn đến viện rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nguyên nhân do người vợ chiếm 40%, do chồng 40%, 10% là nguyên nhân khác và 10% chưa rõ nguyên nhân. Tỷ lệ thành công của các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn cũng khá cao. Quan trọng là các cặp sớm nhận thức được tình trạng hiếm muộn để có biện pháp can thiệp y khoa phù hợp và điều trị thành công.

Theo Hà Anh
Gia đình & Xã hội