Tiến tới sẽ có nhiều trường đại học không còn thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT

(Dân trí) - Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015- 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2016- 2017 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sắp tới Bộ sẽ tổ chức hội nghị với các trường để bàn giải pháp đẩy mạnh việc tự chủ, tiến tới sẽ có nhiều trường đại học không còn thuộc sự quản lý của bộ. Khi đó, bộ chỉ còn chức năng kiểm tra, giám sát.

Hệ thống trường Sư phạm quá cũ kĩ lạc hậu

Tại hội nghị, đại diện cho khối trường ĐH Sư phạm trên cả nước phát biểu ý kiến về hệ thống trường này, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, ngành đang đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhưng thử khảo sát thực tế hiện nay sẽ thấy, hệ thống các trường sư phạm trên toàn quốc có cơ sở vật chất quá cũ kỹ, lạc hậu.

Đơn cử, đối với trường ĐHSPHN, một trường lớn trong hệ thống sư phạm nhưng trong 5 năm qua (2011-2015), nhà trường đã được đầu tư mới 1 công trình và cải tạo sửa chữa 5 công trình.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu Trưởng ĐHSP Hà Nội
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu Trưởng ĐHSP Hà Nội

Nhà trường hiện có những tòa nhà xây dựng từ trước năm 1960 nên xa lạ với một giảng đường đại học. Nhiều trường có hệ thống trang thiết bị từ phòng thí nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin, ký túc xá cho sinh viên… đều được xây dựng từ cách đây khoảng 10 năm nên cũ và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu việc giảng dạy và học tập.

“Việc đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng trình độ giáo viên cần thiết phải có cơ sở vật chất như: giảng đường; hệ thống phòng thực hành, thực nghiệm. Khi trường đại học không chú trọng thực hành sẽ cho ra đời các anh hùng bàn phím”, ông Minh cho biết.

Đề xuất kéo dài đề án tự chủ

GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - một trong số các trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ đầu năm 2015 cho biết, nhờ cơ chế tự chủ, nhà trường đã chủ động hơn trong việc mở các ngành, chuyên ngành mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, theo Nghị quyết 77 của Chính phủ ban hành năm 2014 về thí điểm cơ chế hoạt động của các trường ĐH công lập thì tới năm 2017 sẽ hết thời hạn thí điểm.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu Trưởng Trường ĐHKT Quốc dân (ảnh: Kim Khang)
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu Trưởng Trường ĐHKT Quốc dân (ảnh: Kim Khang)

Vì vậy, theo đề xuất của GS Đạt, mong muốn Chính phủ sẽ kéo dài thời hạn thí điểm hoặc giao quyền tự chủ cao hơn cho các trường ĐH, cho phép các trường chính thức tự chủ.

Ngoài ra, GS Đạt cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT sớm hoàn thành và công bố rộng rãi xếp hạng các trường đại học trên cả nước, từ đó tạo sự đồng thuận của xã hội với mức thu học phí của các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ông mong muốn Chính phủ tiếp tục đầu tư ngân sách cho các trường dưới dạng các dự án để nâng cao năng lực tài chính của các trường trọng điểm, thúc đẩy việc hình thành các trung tâm nghiên cứu tầm cỡ thế giới.

Trả lời về các vấn đề trên đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sắp tới Bộ sẽ tổ chức hội nghị với các trường để bàn giải pháp đẩy mạnh việc tự chủ, tiến tới sẽ có nhiều trường đại học không còn thuộc sự quản lý của bộ. Khi đó, bộ chỉ còn chức năng kiểm tra, giám sát.​

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)