10 năm phát triển giáo dục Anh tại Việt Nam

Ông Andy Moss, Tổng giám đốc Pearson cho biết: “Việt Nam hiện nay là một thị trường quan trọng và phát triển nhanh nhất của tổ chức này tại toàn cầu. Mục tiêu của chúng tôi hết sức giản dị, đó là tạo ra các cơ hội học tập cho các cá nhân để thay đổi cuộc sống”.

BTEC - Chương trình Cao đẳng Quốc gia Anh chính thức được đưa vào giảng đường đại học Việt Nam qua phê duyệt của Hội đồng Khảo thí Edexcel (là thành viên của Tập đoàn giáo dục hàng đầu thế giới Pearson) từ năm 2005 . Sự có mặt của BTEC tại Việt Nam đã thu hút được những quan tâm và ủng hộ đặc biệt từ Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam, Hội đồng Anh và Văn phòng Chính phủ.

10 năm phát triển giáo dục Anh tại Việt Nam - 1

Theo ông Andy Moss, chính sách ưu tiên phát triển BTEC tại Việt Nam cũng không nằm ngoài mục tiêu thiết lập một hệ thống đào tạo có tiêu chuẩn cao tồn tại song song với các chương trình đào tạo đại học trong nước và tương thích với hệ thống giáo dục quốc tế. Trở thành một trung tâm đào tạo BTEC, các trường đại học Việt Nam cũng ở ngưỡng cửa của sự hội nhập với hệ thống giáo dục toàn cầu. Chương trình đã mở ra một cơ hội lớn cho sinh viên trong nước được tiếp cận với một Chương trình đào tạo Quốc gia có xuất xứ từ một nền giáo dục đẳng cấp vào bậc nhất thế giới, Vương Quốc Anh. Sau 10 năm hoạt động, đã có 15 cơ sở đào tạo là các trường đại học đã được Pearson và Bộ Giáo dục và đào tạo Việt nam cấp phép, trong đó các trường đại học hàng đầu như Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học Giao thông TPHCM, Đại học FPT… đã và đang đào tạo gần 10.000 sinh viên trong 10 năm qua.

Phát triển BTEC ổn định tại Việt Nam luôn là ưu tiên số một của Pearson, bên cạnh các cam kết về hỗ trợ tài chính, cung cấp giáo trình, đào tạo giảng viên về công nghệ giảng dạy thì hiện nay mục tiêu chiến lược của Pearson là địa phương hóa một số nội dung của chương trình BTEC đào tạo tại Việt Nam, phù hợp với trình độ, đặc điểm kinh tế văn hóa xã hội của Việt Nam, góp phần tạo ra được một thế hệ sinh viên mới, giỏi ngoại ngữ và có trình độ cao phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân Anh ngày nay, BTEC vẫn chiếm vị trí chiến lược. Chương trình là sản phẩm của chính sách “Giấy trắng” về cải cách, hiện đại hóa hệ thống giáo dục và đào tạo nghề theo nhiều mục tiêu mà cơ bản là tăng cường tính tích hợp giữa hệ thống giáo dục đại học truyền thống và hệ thống đào tạo nghề trình độ cao để đáp ứng nhanh và rộng rãi hơn nhu cầu của thị trường lao động. Chính sách này là phản ứng của Chính phủ Anh đối với xu thế quốc tế hóa nhân lực, về vấn đề khủng hoảng và mất cân bằng lực lượng lao động khi mà tình trạng “thừa thày thiếu thợ” và tỷ lệ thất nghiệp cao đối với nhóm sinh viên tốt nghiệp đại học truyền thống còn là phổ biến. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tại nước Anh tại thập kỷ 70 của thế kỷ trước, giáo dục và đào tạo trở thành nguyên nhân chủ yếu của một nền kinh tế kém cỏi. Sự ra đời và phát triển của BTEC đã được kỳ vọng rất lớn và đến bây giờ sau 4 thập kỷ, người ta được chứng kiến những thành quả to lớn mà nó đem lại. Sự gắn kết hiệu quả những lợi ích giáo dục cũng là một yếu tố quan trọng đã tạo nên sự phát triển vượt bậc nền kinh tế Anh, thỏa mãn lợi ích của các cơ sở đào tạo, thỏa mãn nhu cầu của người học và lợi ích của nhà tuyển dụng lao động. Điểm nổi bật của BTEC chính là tính tương thích với hệ thống đào tạo đại học truyền thống thể hiện ở chỗ nó tạo ra được sự liên thông trực tiếp với các chương trình đại học tại Anh, với văn bằng BTEC sinh viên tốt nghiệp được chấp nhận vào thẳng chương trình đại học năm cuối cho các chuyên ngành tương ứng tại hầu hết các trường đại học tại Anh và Úc, và Hoa Kỳ.

Ngoài các hoạt động đẩy mạnh phát triển BTEC tại các trường đại học trong nước, Pearson cũng đã tiến hành các hoạt động đầu tư đưa chương trình phổ thông Anh Quốc vào giảng dạy tại Việt Nam. Tháng 9 vừa qua đánh dấu hoạt động hợp tác chiến lược giữa Pearson và Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM về phát triển giáo dục phổ thông. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong việc triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam tại các trường công lập trên địa bàn thành phố. Đề án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt nam cũng như đã được UBND TPHCM phê duyệt nhằm mở rộng chuẩn đầu ra quốc tế cho chương trình phổ thông cũng như hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong nước đã công bố lấy chuẩn Pearson làm chuẩn đầu ra cho chương trình phổ thông tích hợp. Qua đó kể từ năm học 2015 chứng chỉ phổ thông của Pearson sẽ là chứng chỉ đầu ra cho chương trình tích hợp Toán, Tiếng Anh, Khoa học theo đề án. Với năng lực khảo thí và bằng cấp Quốc tế được công nhận rộng rãi của Pearson, cũng như với tư cách là Hội đồng Khảo thí lớn nhất nước Anh, chuyên cung cấp đề thi và chương trình học thuật cho học sinh của Anh Quốc, các kỳ thi và bằng cấp của Pearson sẽ chuẩn hóa học sinh TPHCM nói riêng, và hy vọng là ở Việt Nam nói chung trong tương lại gần Pearson cũng cam kết hợp tác với Sở giáo dục và đào tạo TPHCM trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng giáo viên cũng như hợp tác trong các lĩnh vực khác phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của thành phố như dịch vụ hỗ trợ phát triển giáo dục số, xuất bản và các chuẩn đánh giá giáo dục tiên tiến khác.

Pearson là Tập đoàn giáo dục lớn nhất thế giới hiện nay, với 400.000 nhân viên hoạt động tại trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.