Vui buồn nghề dát vàng

Ít ai ngờ giữa một đô thị phồn hoa như Sài Gòn vẫn tồn tại những nghệ nhân gắn bó với nghề dát vàng.

Những nghệ nhân đất Sài Gòn vẫn gắn bó với nghề dát vàng

Những nghệ nhân đất Sài Gòn vẫn gắn bó với nghề dát vàng
Trải qua bao thăng trầm, sóng gió có những lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng bằng niềm đam mê mãnh liệt, những nghệ nhân ấy vẫn gắn bó và truyền dạy cho con cháu để những sản phẩm dát vàng tiếp tục vươn xa trên thị trường.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề dát vàng tại Hải Hậu (Nam Định), thủa nhỏ, Nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp, sau này là GĐ Cty TNHH Mỹ thuật Sản xuất Thương mại Sao Mai (gọi tắt là Sao Mai) đã theo cha dát vàng nhiều công trình chùa chiền, nhà thờ ở quê.

Do thời ấy kinh tế còn khó khăn, nghề dát vàng cũng vì thế ít việc nên ở tuổi ngoài ba mươi, ông quyết định một mình khăn gói quả mướp rời quê hương Nam Định vào lập nghiệp ở mảnh đất Sài Gòn xa xôi với nghề truyền thống của cha ông. Tính tới nay, ông đã có thâm niên gần 20 năm làm nghề tại mảnh đất Sài Thành.

Dát vàng là nghề truyền thống của dân tộc, bằng phương pháp thủ công độc đáo với nhiều công đoạn kỳ công, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật chuẩn xác. Công đoạn khó nhất là việc dát từ vàng nguyên liệu ra vàng miếng, sau đó mới tới dát, làm sao phải dát cho phẳng, đẹp, bề mặt mịn màng và mọi công đoạn đều phải làm bằng tay.

Trong quá trình làm, người thợ dát phải ngồi trong phòng kín, không được dùng quạt vì chỉ cần một luồng gió nhẹ hay một cơn hắt hơi cũng đủ làm cho lá vàng bay đi. Nói nghề kén người là bởi lý do ấy.

Do đặc thù công việc nên các nghệ nhân hầu như chỉ truyền nghề cho con, cháu trong nhà, ít truyền cho người ngoài. Vì thế mà tại TP HCM hiện nay số hộ theo nghề dát vàng đếm trên đầu ngón tay, và mỗi cơ sở cũng chỉ có dăm bảy thợ là nhiều. May mắn là ba người con của ông Điệp đều muốn theo đuổi, gắn bó công việc của bố nên ông bớt nỗi lo thất truyền…

Không may mắn như chủ tiệm Sao Mai, nỗi buồn của ông Phạm Ngọc Hòa, chủ Xưởng Tranh Ba Hòa (Củ Chi- TP HCM) luôn hiện hữu trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi. Theo tâm sự của vị nghệ nhân đã luống tuổi thì nhà có 2 người con đủ nếp, đủ tẻ nhưng một đứa đã yên vị với nghề giáo viên, một đứa đi du học bên Singapore, chẳng có đứa nào chịu cha truyền nghề, người thân trong nhà cũng không ai mặn mà nên vài năm nữa, không biết thương hiệu tranh dát vàng Ba Hòa sẽ đi về đâu.

Nếu sang nhượng xưởng cho người khác thì sẽ được khoản tiền nhưng tiếc công bao nhiêu năm gầy dựng từ gian khó.

Cùng chung nỗi niềm, từ trong thâm tâm, ông Hòa rất mong muốn nghề dát vàng phát triển và ông cũng không quên dành lời khuyên đối với các đồng nghiệp của mình đừng làm ẩu mà mai một đi cái nghề.

“Trong xu hướng hội nhập ngày nay, không còn cạnh tranh các làng nghề, các cửa hàng với nhau mà là sự cạnh tranh khu vực nên giữa người nghệ nhân dát vàng và những người làm nghề đúc cần phải gắn kết ăn ý với nhau để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo. Đồng thời, rất cần sự chung tay, góp sức của DN để sớm đưa những sản phẩm hoàn hảo ấy xuất ngoại” - nghệ nhân Hòa nhắn nhủ.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp