Về Việt Nam khởi nghiệp, tại sao không?

Dưới sự điều hành của Hội Liên Lạc Với Người Việt Nam ở Nước Ngoài (ALOV), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hội cựu du học sinh các nước Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Nga vừa tổ chức chương trình “IFD 2014 - LEADING ENTREPRENEURS: TƯ DUY KHỞI NGHIỆP TỪ GÓC NHÌN VĨ MÔ”.

Các diễn giả thảo luận tại sự kiện IFD 2014
Các diễn giả thảo luận tại sự kiện IFD 2014

Thu hút hàng trăm các cựu du học sinh từ nhiều nước trên thế giới tham dự.

Với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cùng nhiều diễn giả là các doanh nhân, nhà điều hành, chuyên gia kinh tế nổi tiếng, chương trình không chỉ mang đến cho khán giả bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua mà còn đưa ra nhiều cuộc thảo luận chuyên sâu, hấp dẫn và đầy thiết thực.

Niềm tin vào lực lượng lao động trẻ

Theo ông Võ Trí Thành, Chuyên gia Tài chính - Kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tham gia tích cực và hăng hái nhất trong quá trình hội nhập. Với cách nhìn nhận và tầm nhìn đã thay đổi mới hơn, hài hòa hơn, cân đối hơn để hướng tới sự phát triển bền vững, sự cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, trong tương lai không xa, chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, tạo ra những cơ hội, những “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp nắm bắt và kinh doanh thành công.

Nói về cơ sở của niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn của nền kinh tế, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: “Tuy năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã có sự khởi sắc trở lại sau một vài năm khó khăn, nhưng những nỗi lo vẫn còn nặng trĩu. Mặc dù thế, tôi vẫn đặt niềm tin rất lớn và lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là các du học sinh, những người trẻ có trái tim nhiệt huyết và khát vọng vươn lên.

Tôi luôn tin tưởng rằng với trí tuệ, sức sáng tạo cùng sự nỗ lực không ngừng, các bạn trẻ sẽ có thể “hái” được những thành quà ngọt ngào, dù cũng phải trải qua những thời điểm khó khăn, nhiều thách thức”.

Bà Phạm Chi Lan cũng nhắn nhủ tới đông đảo các du học sinh tại nước ngoài về môi trường làm việc và khởi nghiệp hấp dẫn ở Việt Nam. Nhắc lại lời của một nhà đầu tư nước ngoài, bà đặc biệt nhấn mạnh cơ hội khởi nghiệp rộng mở ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình, mà theo lời ông Võ Trí Thành là nơi có nhiều sự thay đổi, sự mới mẻ và cũng là nơi gắn bó máu thịt không dễ rời xa trong trái tim và nỗi nhớ mong của mỗi người.

Khởi nghiệp, không nhất thiết là kinh doanh, buôn bán, mà đơn giản chỉ là bắt đầu sự nghiệp, là đi theo niềm đam mê, là tìm kiếm công việc mình hằng ao ước để được phấn đấu, được đóng góp và cống hiến cho sự phát triển của đất nước hiện đang rất cần những người trẻ có năng lực cùng góp sức mình.

Ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng chia sẻ câu chuyện và sức ảnh hưởng của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới cũng như điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

“Ý thức kinh doanh, ý thức tham gia thương trường và “luật chơi” của các doanh nghiệp Việt còn khá yếu. Để thành công, doanh nghiệp không phải chỉ cần tạo được quy mô doanh nghiệp ngày càng phát triển, mà hơn thế nữa, còn cần tạo nhóm lobby (vận động hành lang), kết nối cùng các doanh nghiệp khác để cùng tự tham gia và xây dựng “luật chơi”.

Các diễn giả đều đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự nỗ lực, sự dũng cảm và kiên trì, được coi như chìa khóa để khởi nghiệp thành công. Các doanh nhân trẻ phải luôn luôn sáng tạo, luôn luôn nghĩ mới và làm được những điều mới, phải lãng mạn nhưng cũng phải dám xông pha và lập nghiệp.

Về Việt Nam khởi nghiệp thành công! Tại sao không?

Với các cựu du học sinh, về Việt Nam khởi nghiệp luôn song hành cả những thách thức và cơ hội. Làm sao để tận dụng, nắm bắt được những cơ hội này đồng thời, đương đầu với thách thức một cách thông minh, táo bạo đã được các doanh nhân là cựu du học sinh giải đáp.

Nói về vấn đề của cựu du học sinh, các doanh nhân đều thống nhất cho rằng vấn đề to lớn nhất, trăn trở nhất vẫn là làm sao tìm được hướng đi đúng đắn cho mình, làm sao tìm được công việc phù hợp và trên hết là làm sao để được thành công.

Cùng từng trải qua nhiều khó khăn, doanh nhân Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT Vietnam Consulting Group, một cựu du học sinh Mỹ thẳng thắn chia sẻ ông đã không ngừng học hỏi và khéo léo áp dụng phương thức làm việc, phương thức kinh doanh của người nước ngoài để từng bước thành công.

Với ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT TOPICA thì đó là học hỏi sự thẳng thắn và minh bạch của người Hungary, nơi ông từng sống và học tập. Đến nay, ông vẫn áp dụng linh hoạt sự minh bạch đó ngay tại chính công ty của mình để ông cùng các nhân viên có thể trình bày và thể hiện rõ ràng ý kiến và đóng góp cá nhân, cùng góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực và hiệu quả hơn.

Chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp thành công, các doanh nhân này đều khẳng định đó chính là sự lạc quan và “lì” - kiên cường nỗ lực không ngại khó, ngại khổ. Chỉ có lòng kiên trì và quyết tâm mới có thể đưa mọi doanh nhân vượt qua các thất bại và thách thức để đi đến thành công cuối cùng.

Cựu du học sinh - Nguồn lực để phát triển bền vững

Phát triển bền vững hiện là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu và rộng như hiện nay. Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Le Media, sự phát triển bền vững chính là yếu tố quan trọng quyết định tương lai và sự tồn vong của quốc gia.

Và ngành công nghiệp sáng tạo với các sản phẩm có sáng tạo là giá trị cốt lõi là một trong những ngành quan trọng có tính phát triển bền vững rất cao. Và để thực hiên được mục tiêu phát triển bền vững đó, như lời của ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, không thể không kể đến vai trò to lớn của nguồn nhân lực đào tạo ở nước ngoài, chính là các du học sinh trở về nước.

Đồng ý với bà Ngô Thị Bích Quyên, Giám đốc điều hành BNI Hà Nội trong cách đánh giá du học sinh về nước của Việt Nam, ông Phạm Trung Lương cũng cho rằng đa số du học sinh đều có tư duy tổng quan, cách nhìn nhận và giải quyết sự việc rất tốt nhưng thường không phát huy được những khả năng đó tại Việt Nam vì nhiều lý do.

Theo ông Lương, để có thể phát huy tốt những điểm mạnh đó, các du học sinh nhất định phải cố gắng nhìn nhận các vấn đề một cách thực tế, tự khám phá và tìm ra con đường phù hợp nhất cho bản thân và đặc biệt là mang trong mình sự đam mê và tinh thần trách nhiệm cao với xã hội, với cộng đồng mà mình đang sống.

Mà như lời ông Lê Quốc Vinh chia sẻ, cùng với trí tuệ và sự sáng tạo được học hỏi và mở mang trong quá trình học tập tại nước ngoài thì lòng nhiệt huyết, tinh thần phụng sự và có trách nhiệm của mỗi du học sinh với bản thân, với gia đình và xã hội sẽ là những nguồn động viên to lớn để họ mạnh mẽ vượt qua rào cản và thách thức trong quá trình lập nghiệp.

Bà Ngô Thị Bích Quyên cũng nhấn mạnh đầy tâm huyết và sôi nổi với các cựu du học sinh khi đưa ra lời khuyên về sự cố gắng thích ứng với môi trường làm việc tại Việt Nam sau những “mảng trống” về văn hóa, tư duy sau thời gian du học.

“Tôi tin chắc rằng không đâu có nhiều cơ hội khởi nghiệp tại Việt Nam. Và cũng không ai có thể dễ dàng để khởi nghiệp tại Việt Nam hơn chính các bạn, những người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S. Học hỏi thế giới, là cầu nối của Việt Nam với thế giới, đem những tinh hoa, những điều tốt đẹp của thế giới về Việt Nam, tôi tin là các bạn hoàn toàn có thể làm giàu, có thể thành công rực rỡ trên chính mảnh đất quê hương của mình”, bà Ngô Thị Bích Quyên chia sẻ.

Dám thất bại và dám đón đầu xu thế

Một lĩnh vực đang là xu thế của thế giới đương đại là công nghệ thông tin và thương mại điện tử đều được các diễn giả đánh giá là những “mảnh đất màu mỡ”, những thời cơ vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam khai phá và phát triển. Tuy nhiên, thời cơ vàng này cũng sẽ qua đi rất nhanh và có thể sẽ không trở lại nếu các doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt ngay lúc này!

Chia sẻ một câu chuyện khá thú vị từ một doanh nhân nước ngoài với câu nói nổi tiếng: “Bí quyết của thành công là quyết định đúng. Bí quyết của quyết định đúng là các quyết định sai”, ông Nguyễn Ích Vinh, TGĐ Tinh Vân Outsourcing khéo léo cổ vũ cho những bước đi, những bước phát triển dù còn gặp nhiều thất bại, khó khăn của các doanh nghiệp trẻ.

Ông Trần Hải Linh, TGĐ sàn TMĐT Sendo đặc biệt chú ý đến sự tập trung và nỗ lực hết mình, coi đây là chìa khóa cho con đường thành công của các doanh nhân trẻ.

Còn ông Võ Trí Thành lại cho rằng: “Tôi vẫn có tất cả những thách thức, nhưng tôi vẫn thành công. Vì tôi dám chấp nhận rủi ro mà biết trước được xu thế nào đang đến”.

Chương trình cũng ra mắt Cộng đồng Cựu du học sinh Việt Nam và lần đầu đưa vào hình thức Business Matching - một hoạt động mà các chủ doanh nghiệp/cá nhân có cơ hội gặp gỡ và kết nối với những đối tác phù hợp và tiềm năng trong số rất nhiều người tham gia sự kiện.

Theo Báo Đầu tư