Triệt phá đường dây “cò” lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long

Hễ gặp ai có nhu cầu xin việc, bọn chúng đều tự xưng mình có quan hệ thân thiết với lãnh đạo các Cty, rồi lừa người xin việc đưa tiền để được vào làm công nhân, sau đó bọn chúng ôm tiền bỏ trốn…

3 - 5,5 triệu đồng cho một suất công nhân

Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành (Hậu Giang) vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Trần Anh Đạt (37 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Hậu Giang) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; và tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với đối tượng Trần Văn Nhí (19 tuổi, ngụ 529A khu vực Phú Thành, P.Tân Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) cũng với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Trần Anh Đạt.
Đối tượng Trần Anh Đạt.

Theo hồ sơ vụ việc, từ đầu năm 2014, đối tượng Trần Anh Đạt có một quán ăn hoạt động ở gần KCN Sông Hậu (Hậu Giang), hằng ngày có nhiều nhân viên cấp cao của một Cty thủy sản đến ăn uống nên Đạt dần quen biết. Từ đó, Đạt nghĩ ra cách kiếm tiền bằng hình thức “chạy việc” lấy tiền "cò".

Theo đó, hễ gặp ai có nhu cầu tìm việc làm, Đạt nhận mình có mối quan hệ với nhiều người đang giữ chức vụ cao cấp tại các Cty, có thể dễ dàng xin suất làm công nhân cho họ. Để tạo lòng tin với các “con mồi”, Đạt còn tự làm cả giấy hẹn phỏng vấn và thẻ nhân viên của một Cty để nạn nhân tin rằng hồ sơ xin việc đã được “duyệt”.

Sau khi nhận tiền "cò" (mỗi suất chạy việc từ 3 - 5,5 triệu đồng), Đạt giở đủ chiêu trò để lảng tránh các nạn nhân và lấy tiền tiêu xài. Cho đến thời điểm đối tượng bị bắt, đã có 24 người là nạn nhân của Đạt, với số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt 67,8 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, Công an huyện Châu Thành phát hiện thêm đường dây “cò” chạy việc của Trần Văn Nhí. Đây là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, phương thức và thủ đoạn lừa đảo của đối tượng này cũng giống như đối tượng Đạt. Con số nạn nhân ban đầu mà Nhí lừa đảo là 8 người, với số tiền chiếm đoạt hơn 25 triệu đồng. Nhí khai nhận, thường lân la đến KCN Trà Nóc, Cần Thơ và KCN Sông Hậu, nếu có người muốn xin làm công nhân thì phải đưa cho hắn từ 4 - 4,5 triệu đồng.

Tiếp tục mở rộng điều tra

Cuối năm 2014, anh Đ.T.H - công nhân lâu năm của một DN thủy sản, KCN Sông Hậu - muốn xin cho 2 người anh trai mình vào làm chung Cty nên đã liên hệ với Nhí. Nhí hứa hẹn sẽ thu xếp ổn thỏa mọi việc với giá 12 triệu đồng. Anh H cho biết, trước đây vì thấy Nhí chạy được việc cho vài người nên anh rất tin tưởng. Tuy nhiên, sau khi đưa tiền, anh H nhiều lần liên hệ với Nhí, nhưng chỉ nhận được những lời hứa cho qua chuyện.
Đ
 Đối tượng Trần Văn Nhí

Cần nói thêm rằng, có trường hợp, sau khi đưa tiền và hồ sơ cho Đạt và Nhí, người lao động “may mắn” được một số Cty nhận vào làm việc vì thời điểm đó, họ đang có nhu cầu tuyển dụng thực sự. Trước đó, năm 2012, đối tượng Đạt dính đến một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TP.Cần Thơ và bị kết án 4 năm, nhưng được tòa cho hoãn thi hành án để điều trị bệnh.

Thời gian này, đối tượng lại tiếp tục đi lừa đảo bằng hình thức chạy việc nói trên. Hiện tại, đối tượng Đạt đang chấp hành án cho vụ án trước đó tại trại giam Bến Giá, tỉnh Trà Vinh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động qua điện thoại, một vị lãnh đạo của một DN thủy sản (KCN Sông Hậu) cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã kêu gọi, vận động người lao động đứng ra tố giác tội phạm, đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra để đưa vụ việc ra ánh sáng.

Còn theo nguồn tin riêng của PV, hiện vẫn còn một số đối tượng trong đường dây chạy việc khác đã bỏ trốn với số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng, phía công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.

Hiện nay, phương thức và thủ đoạn hoạt động của những tay “cò” chạy việc chủ yếu là lợi dụng nhu cầu tuyển dụng của các Cty, bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết về các chính sách tuyển dụng, cùng tâm lý nôn nóng có việc làm của NLĐ.



Theo Báo Lao Động