Việc làm:

Tốt nghiệp ngành công tác xã hội sẽ làm việc gì?

(Dân trí) - Hầu hết các bạn sinh viên ngành công tác xã hội (CTXH) đều lo lắng không biết khi ra trường mình sẽ làm công việc cụ thể ra sao? Những đơn vị nào tuyển nhân viên công tác xã hội?

Ngày 22/12, trong tọa đàm “Cơ hội việc làm cho sinh viên công tác xã hội trong các lĩnh vực phát triển xã hội” diễn ra tại Trường Đại học Mở TPHCM, rất nhiều sinh viên ngành CTXH quan tâm về vấn đề tìm việc làm sau khi ra trường.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Trần Công Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp TP.HCM nhấn mạnh: “Điều cốt yếu của người làm CTXH là phải yêu nghề, say mê với nghề và luôn mong muốn khám phá về các vấn đề của con người và cuộc sống. Hơn nữa, trong giai đoạn khởi đầu nghề nghiệp thì sinh viên phải chịu được gian khổ mà thu nhập lại không cao. Chính vì vậy, nếu không có đam mê thì rất khó làm việc”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Bích Phong, đại diện Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE) chia sẻ thêm, “Trong thời gian học tập tại trường, các bạn sinh viên nên tham gia tình nguyện ở nhiều lĩnh vực. Qua đó, tìm kiếm môi trường phù hợp với khả năng và sở thích của mình để có thể định hướng phát triển nghề nghiệp sau này”.

Các bạn
sinh viên ngành CTXH rất quan tâm đến việc ra trường mình có thể làm gì?
Các bạn sinh viên ngành CTXH rất quan tâm đến việc ra trường mình có thể làm gì?

Xoay quanh buổi tọa đàm, các bạn sinh viên đặt rất nhiều câu hỏi, chủ yếu là liên quan đến những vấn đề: cơ hội để thực tập hoặc làm tình nguyện viên? Tốt nghiệp ngành CTXH có thể làm việc ở đâu? Làm sao để biết thông tin tuyển dụng của các cơ sở? hay ngoại ngữ có phải là điều kiện cần khi đi xin việc hay không?

Trả lời câu hỏi của bạn Thiên Thanh - SV khoa CTXH trường Đại học KHXH&NV về vấn đề ngoại ngữ, ông Phạm Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN - cho hay: “Hiện nay, ngoài những tổ chức nước ngoài thì hầu hết các tổ chức trong nước chưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Tuy nhiên, trau dồi những kỹ năng về ngoại ngữ cũng rất cần thiết đối với sinh viên, vì nhờ đó mà các bạn mới có thể có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp”.

Đại Đức Thích Đồng Nguyện, Giám đốc Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ Cộng đồng Pháp Bảo cho biết: “Trong những năm đầu sau khi ra trường, các bạn đừng quan tâm nhiều lắm về lương bao nhiêu. Vấn đề là làm sao để tích lũy kinh nghiệm và chứng tỏ khả năng của mình, sau đó nếu vững vàng cả chuyên môn và tinh thần thì có thể nhận được mức lương tương xứng hơn với khả năng và kinh nghiệm đã tích lũy được”.

“Làm sao để biết được thông tin tuyển dụng của các trung tâm, cơ sở” - bạn Hồng Cẩm, SV Đại học KHXH&NV đặt câu hỏi. Ông Lê Bích Phong chia sẻ: “Có rất nhiều cơ quan có nhu cầu tuyển dụng ngành CTXH và không ít bạn chưa ra trường đã có việc làm. Các bạn có thể chủ động, nắm bắt thông tin tham trên các website chính thức của các trung tâm, cơ sở”.

“Các bạn còn e ngại, loanh quanh với đề cương trong trường, chưa thể hiện được mình là nhân viên phát triển cộng đồng. Chính những kỳ thực tập sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kinh nghiệm và nếu có biểu hiện tốt sẽ được giữ làm việc tại nơi thực tập”, Bà Phan Thị Mỹ Nhung, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn CTXH và PTCĐ nói thêm.

Các vị khách mời đều nhấn mạnh rằng, kinh nghiệm thực tiễn đòi hỏi phải xuống cộng đồng, phải đi thực tế để cọ sát và lắng nghe người dân nói chứ không phải lên mạng và tìm kiếm thông tin. Nếu không đi thực tiễn thì khó có thể nhận thức và cảm thông được.

Ngoài rèn luyện năng lực bản thân, sinh viên ngành CTXH cần phải biết làm tình nguyện và thực tập tại các tổ chức xã hội để lấy kinh nghiệm. Rất nhiều cơ hội việc làm đến với sinh viên CTXH chính là từ những công việc thực tập và các tổ chức xã hội thì luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên thực tập.

Quốc Anh