Mức lương để đóng BHXH phải là mức lương thực tế của người lao động

Chiều 3.11, UB Các vấn đề xã hội (Quốc hội) cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

(Ảnh tư liệu)
(Ảnh tư liệu)

Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, khoản 2 điều 89 về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cần chỉnh sửa hợp lý để tránh thiệt thòi cho người lao động (NLĐ). Theo đó, NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng LĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH phải là mức lương và phụ cấp thực tế mà NLĐ được hưởng. Dự thảo trước đó nêu rõ “từ ngày 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng LĐ”, theo ông Tùng là thiếu hợp lý.

“Cần lược bỏ yêu cầu lương ghi trên hợp đồng LĐ mà phải dựa vào mức phụ cấp và lương thực tế mà NLĐ được hưởng. Bởi trên các hợp đồng LĐ, không ai ghi phụ cấp vào đó mà phụ cấp chỉ được tính từ khi đi làm, vì thế cần lược bỏ cụm từ này để tránh thiệt thòi cho NLĐ” - ông Đặng Ngọc Tùng cho biết.

Về điều kiện được hưởng lương hưu theo điều 54 của dự luật, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN - nêu bất cập, sẽ là thiệt thòi rất lớn đối với nữ cán bộ chuyên trách nếu cùng thuộc đối tượng được hưởng lương hưu chỉ khi đủ 20 năm trở lên đóng BHXH. Để mở thêm điều kiện đối tượng này có thể tự nguyện đóng BHXH để tăng mức lương hưu được hưởng, mỗi năm tăng thêm 2% trên mức lương đóng BHXH hằng tháng.

Các đại biểu đều cho rằng đây là vấn đề thiết thực và dựa trên yếu tố có lợi cho NLĐ. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho biết, sẽ đưa thêm phương án này thành phương án riêng, cùng với phương án trong điều 54 của dự thảo luật để trình QH trong kỳ họp này. Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, đề xuất này sẽ tăng thêm cơ hội cho NLĐ nữ được hưởng lương hưu phù hợp với điều kiện làm việc của mình với đặc thù là cán bộ chuyên trách.

Theo Báo Lao Động