Mùa Tết hối hả mưu sinh

Một mùa mưu sinh cho Tết của người lao động ngoại tỉnh lại bắt đầu. Thủ đô Hà Nội là một “điểm đến hấp dẫn”. Mỗi người một công việc, một cách mưu sinh khác nhau, nhưng họ đều có chung một mục đích là kiếm tiền lo cho cái Tết…

Những niềm hy vọng ánh lên ấm áp sau nỗi nhọc nhằn
Những niềm hy vọng ánh lên ấm áp sau nỗi nhọc nhằn
Càng gần Tết Nguyên đán, người ngoại tỉnh lại càng hối hả đổ về các thành phố lớn để mưu sinh kiếm tiền, cho một mùa cuối năm chi tiêu tốn kém.

Cùng với các thành phố lớn khác thì Thủ đô Hà Nội là một “điểm đến hấp dẫn” và những ngày này lượng người mưu sinh theo thời vụ tăng lên đáng kể, từ những người buôn bán vặt cho tới những người… bán sức lao động.

Mỗi người một công việc, một cách mưu sinh khác nhau, nhưng họ đều có chung một mục đích là kiếm tiền lo cho cái Tết…

Mới tờ mờ sáng, tại các khu vực chợ lao động như đầu chợ Bưởi, cổng chợ hoa Quảng An, cầu Mai Động, gầm cầu vượt cạnh Đại học Sư phạm… đã rất đông người làm thuê đứng đợi việc.

Họ thường thuê trọ quanh đó và ai cũng dậy thật sớm ra đứng đợi việc, cầu mong may mắn đến với mình. Với những người nông dân ở các huyện ngoại thành, nhân lúc nông nhàn muốn đi làm thuê kiếm thêm thì họ dậy thật sớm, tầm 3-4 giờ sáng để đạp xe vào các tụ điểm đứng đợi việc.

Chị Lê Thị Hà, ở Kiêu Kỵ (Gia Lâm) kể: “Hầu như năm nào cận Tết tôi cũng đi làm thêm vài tháng để lấy tiền lo toan thêm. Hàng ngày, từ 4 giờ là tôi đã thức giấc, đạp xe vào khu vực cầu Mai Động để chờ việc. Gặp việc gì làm việc đó, miễn sao là có tiền…”. Theo như chị Hà, cuối năm công việc cũng có nhiều hơn đôi chút do các nhà dân đều có thêm nhiều thứ “phát sinh” như dọn dẹp, trang hoàng nhà của, thu dọn đồ đạc để đón Tết.

Anh Trần Văn Tám, quê Thanh Hoá, vừa ra Hà Nội được hơn một tuần nay và chuyên đứng đợi việc ở khu vực Giáp Bát cho hay: “Nói chung việc gì em cũng làm, tất nhiên phải lương thiện, chân chính cho dù nó nặng nhọc đến đâu. Mấy bữa nay có nhiều người tới thuê đi đào đất, xây trát sửa sang lại các gian bếp, bờ tường, san lát lối đi…

Công việc đều vất vả nặng nhọc nhưng đồng tiền kiếm được cũng chỉ gọi là đủ sống qua ngày và tiết kiệm được đôi chút dành cho Tết…”.

Mùa cuối năm xây dựng nhiều nên người lao động ngoại tỉnh cũng hay được các chủ thầu, các gia đình thuê mướn kéo cát, chở gạch... Chủ một công trình xây dựng nhà dân ở Cầu Giấy kể: “Mỗi hôm có nhiều việc tôi lại ra chợ Bưởi nhặt mấy lao động tự do vào làm. Có thể là khoán việc, cũng có thể là trả công nhật và nuôi ăn. Nói chung làm sao qua một ngày làm người lao động có mức thu nhập khoảng 100 - 200 nghìn đồng”.

Bác Nam, gần 60 tuổi, quê Hưng Yên, hiện vẫn đi làm thuê mùa cuối năm. Bác bảo, ở nhà dịp này cũng chẳng có công việc gì làm lên Hà Nội vài tháng kiếm thêm đồng tiền giúp đỡ cho con cháu tiêu Tết. Lên được 10 hôm nay, chỉ 6 hôm có việc nên trừ tiền ăn, thuê trọ rồi số tiền “cóp” được vẫn chỉ là dăm trăm ngàn đồng. Bác hy vọng là từ giờ tới áp Tết làm sao đó mang được vài triệu về…

Mặc dù mùa cuối năm, công việc phát sinh nhiều, nhưng do số lượng người lao động ngoại tỉnh đổ về đông nên “cầu” đã vượt “cung”. Vì thế, không ít người lao động bị “ế”, đứng đợi việc cả ngày mà vẫn không có ai thuê mướn.

Chị Huệ, một người lao động thời vụ đứng đợi việc ở Quảng An với vẻ mặt buồn buồn kể: “Em đứng đợi việc ở đây hàng ngày, nhưng không phải ngày nào cũng có việc mà nhiều hôm chờ mãi đành phải về không. Cả chợ lao động có tới mấy chục người đứng nên cơ hội để kiếm được người thuê mướn nhiều hôm chẳng khác nào… đi câu!”.

* * *

Tới những khu chợ đầu mối vào ban đêm mới thấy lượng người mưu sinh buôn bán những ngày cuối năm này đông lên bội phần. Tại chợ rau đầu mối đêm Dịch Vọng, người buôn bán nhỏ lẻ đổ về đây mua hàng đông hơn hẳn tháng trước. Bà Lan, chủ một sạp rau xanh nói rằng, năm nào chẳng thế, dịp cuối năm là dân ngoại tỉnh đổ lên buôn rau nhiều lắm.

Chỉ cần vốn liếng vài ba trăm ngàn đồng là họ đã có thể hành nghề buôn được rồi. Mua rau quả ở chợ đầu mối rẻ, họ tỏa về các ngõ phố, vỉa hè để bán lẻ và qua ngày họ cũng có thể kiếm được một vài trăm ngàn đồng.

Chị Nga quê ở Phú Thọ tâm sự rằng, đã 5 năm nay, cứ dịp cuối năm là chị lại khăn gói xuống Hà Nội thuê nhà trọ buôn rau. Chị bảo: “Buôn rau xanh cần vốn ít, lại cho thu nhập hàng ngày nên tích cóp được ít tiền. Mỗi ngày, trung bình tôi chỉ lãi được khoảng trên 100 ngàn đồng, nhưng phải thức khuya, dậy sớm bán hàng cả ngày cũng rất vất vả…”.

Còn chị Hảo, Bắc Giang xuống Hà Nội buôn rau, lại chọn một ngõ phố ở quận Cầu Giấy để ngồi bán. Chị phải “thuê” mặt bằng trên vỉa hè trước một ngôi nhà với giá 500 nghìn đồng/tháng. Cứ sáng sớm là chị lại ra chợ đêm Dịch Vọng mua buôn rau mang về bán lẻ. Vì là một ngõ phố đông đúc người nên mức tiêu thụ rau rất lớn.

Chị tiết lộ, mỗi ngày trừ chi phí cũng còn để được hơn 200 nghìn đồng. “Mặc dù buôn rau được, có thu nhập nhưng tôi không thể chuyển xuống buôn quanh năm mà chỉ buôn trong khoảng 2 tháng cuối năm, vì gia đình tôi neo người, các cháu còn nhỏ, chồng đã mất…”, chị Hảo cho biết.

Một số người khác thì chọn nghề buôn hoa quả, như trường hợp anh Nguyễn Thanh Lâm và vợ là chị Hà Thị Lan, quê Nam Định. Hai vợ chồng thường lấy buôn hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên rồi mang về một chợ ở ngoại thành bán. Những thứ hoa quả mà vợ chồng anh chị chọn buôn chỉ là loại 2, loại 3, nghĩa là hơi dập nát, phù hợp với túi tiền của người nông dân và lao động nghèo.

Hôm nào anh chồng cũng đèo 2 - 3 tạ hàng cho vợ bán và qua mỗi hôm, sự tích cóp cứ nhiều lên và một mùa Tết tàm tạm đang là cái đích phấn đấu của hai vợ chồng. Anh chị cũng chỉ đi buôn theo thời vụ, bởi gia đình còn cha mẹ già, con nhỏ, đồng ruộng, nên không thể rời quê cả năm được. Hai tháng cuối năm thì anh chị nhờ người em tới lo toan quán xuyến gia đình giúp để đi làm trên Hà Nội…

Còn chị Thắm, ở Kinh Môn (Hải Dương) đã mấy năm nay buôn hoa lụa, cây cảnh giả vào dịp Tết. Hàng ngày chị cất hàng từ các chủ ở Hàng Mã, Đồng Xuân, hay tận nơi sản xuất rồi “tung tẩy” xe đạp đi các phố bán rong. Địa bàn bán hàng của chị còn vươn xa tận các huyện ngoại thành Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh… Cứ thế, chị Thắm hy vọng đến những ngày tới đây sẽ kiếm đủ cho chồng con một cái Tết đạm bạc mà đủ đầy hương vị…

Công việc buôn chậu cảnh, buôn các loại nông thổ sản vào mùa cuối năm cũng đang đắt hàng nên có không ít người chọn. Bác Tùng ở Thổ Tang, Vĩnh Phúc hàng ngày cất các chậu gốm cảnh ở bến Bạc mang vào phố bán. Bác kể: “Hầu như nhà ai cũng cần chậu hoa, lọ hoa để trang hoàng cho dịp Tết nên dịp này tôi buôn cũng tạm được. Mặt hàng này cứ khoảng từ 15 tháng Chạp đến Tết chắc chắn sẽ đắt… như tôm tươi”.

Một mùa mưu sinh cho Tết của người lao động ngoại tỉnh lại bắt đầu. Đằng sau những giọt mồ hôi, những toan tính, lo âu của những người lao động kia luôn ẩn chứa biết bao những trăn trở và cả những niềm hy vọng nhỏ nhoi, ấm áp như mùa Xuân của đất trời…

Theo Thời báo Ngân hàng