Mẹ ơi, xuân này con vắng nhà!

Đối với những người lao động xa quê, sau cả một năm làm việc mưu sinh vất vả, tết đến, xuân về là dịp để họ trở về quê sum vầy với gia đình, thỏa nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn mà họ đã bao lần cố nén lại. Nhưng, có rất nhiều người lao động tha hương, làm việc trên các công trường, ở nơi vùng cao heo hút…vì nhiều lý do khác nhau, tết này sẽ không có được niềm hạnh phúc lớn lao ấy.

Gia đình CN Trần Văn Chiến và bữa cơm đạm bạc tại nhà trọ trong những ngày tết.

Gia đình CN Trần Văn Chiến và bữa cơm đạm bạc tại nhà trọ trong những ngày tết.
Hàng đào rừng bên sân của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) thời điểm này đã nở bung, khoe sắc đẹp thuần khiết, khỏe khoắn. Màu hồng của loài hoa đào 5 cánh càng nhắc những thầy cô nơi đây, rằng tết đã thật gần, càng làm dội lên trong lòng những người con xa quê nơi vùng cao Tây Bắc nỗi nhớ quê hương, gia đình da diết.

Đối với những người lao động xa quê, sau cả một năm làm việc mưu sinh vất vả, tết đến, xuân về là dịp để họ trở về quê sum vầy với gia đình, thỏa nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn mà họ đã bao lần cố nén lại. Nhưng, có rất nhiều người lao động tha hương, làm việc trên các công trường, ở nơi vùng cao heo hút…, vì nhiều lý do khác nhau, tết này sẽ không có được niềm hạnh phúc lớn lao ấy.

“Xa bố mẹ thì ai chả nhớ…”

Thầy giáo Nguyễn Thanh Định - Phó hiệu trưởng nhà trường - quê ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đã có 10 năm dạy học tại huyện miền núi này, trong đó có 6 năm tại trường hiện tại, Sìn Hồ như đã trở thành quê hương thứ 2 của anh. “Đã 2 năm rồi tôi không về quê ăn tết. Năm nay tôi cũng không về quê ở Sóc Sơn mà về thành phố Lai Châu ăn tết ở nhà vợ.

Xa bố, mẹ ai mà chẳng nhớ, nhất là vào thời khắc chuyển giao sang năm mới. Bố mẹ mong mỏi mình về lắm. Nhưng cũng đành phải khắc phục thôi. Vì cuộc sống của mình, vì cái nghiệp của mình đã theo đuổi, mà đã theo đuổi thì phải yêu thôi”- anh Định xúc động chia sẻ. Để bù lại, những năm không về quê ăn tết, anh và gia đình tranh thủ thời gian nghỉ hè để về với bố mẹ dài ngày.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ngảo có 32 giáo viên. Hầu hết các thầy cô đều ở lại trường (nếu còn độc thân), hoặc ở nhà riêng (nếu đã lập gia đình) tại đây để đón tết, rất ít thầy cô có điều kiện về quê ăn tết. Anh Định lý giải: Đến ngày 26, 27 các thầy cô mới được nghỉ, phải mất 2 ngày sau mới về đến nhà thì đã quá cận tết, nên không phải năm nào cũng về quê được. Thường là phải 3 - 5 năm mới về quê một lần, có những thầy cô 7 năm mới về đón tết ở quê. Bên cạnh đó, xe cộ đi lại cũng là một vấn đề rất khó khăn.

Khi được hỏi về những ngày tết ở đây diễn ra như thế nào, anh Định kể: “Gia đình tôi quây quần trong nhà, ngồi đón giao thừa, xem tivi, rồi sau đó đi sang hàng xóm là các đồng nghiệp chúc tết. Xong thì có thể tụ tập ở gia đình nào đó để cả xóm liên hoan, hoặc mỗi gia đình góp mỗi thứ một chút rồi cùng ngồi uống rượu, chia sẻ, nói chuyện. Những ngày sau đó thì tôi đi chúc tết bạn bè, rồi vào bản cùng chơi đánh cù, nhảy bao… với các em học sinh”.

Theo anh Định, hương vị tết ở vùng cao cũng như ở quê nhà, “quê có cái vui của quê, vùng cao có cái vui của vùng cao”. Nỗi nhớ nhà da diết cũng nguôi ngoai được phần nào bởi tình cảm giữa những người đồng nghiệp, tình làng xóm láng giềng rất gắn bó nơi đây.

Ngược lên huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), chúng tôi gặp chị Trần Thanh Phượng - Hiệu trưởng trường mầm non Sông Đà. Đây là ngôi trường chủ yếu trông nuôi những cháu là con của công nhân đang thi công tại công trường thủy điện Lai Châu nơi đây. Chị Phượng đã lập gia đình và có một cậu con trai kháu khỉnh. Vấn đề quê quán, nơi ở của gia đình chị khá là…phức tạp.

Chị quê ở Thái Bình, còn anh quê ở Nam Định. Gặp nhau, rồi lấy nhau, cùng làm việc tại Lai Châu nhưng anh chị vẫn mỗi người một nơi: Anh làm tại thành phố Lai Châu, còn chị dạy học tại thị trấn Nậm Nhùn, đường đi cách trở, nên 2-3 tháng cả gia đình mới đoàn tụ được một lần.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Định -

Thầy giáo Nguyễn Thanh Định - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu).

“Tôi lên đây làm việc đã 10 năm rồi, thì đã có 3 năm đón tết ở Lai Châu rồi. Tất nhiên là đón tết ở xa quê thì ai cũng có chút ngậm ngùi, nhớ quê, nhớ cha, mẹ. Nhưng đón tết trên này cũng có những niềm vui riêng. Ở đây thường tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ chào đón năm mới, rồi có những trò chơi dân gian của các dân tộc anh em… chúng tôi đều tham gia rất vui vẻ để vơi đi nỗi nhớ nhà”- chị Phượng tâm sự.

Làm thêm 4 ngày, ở lại cả tết

Chiều 23 tết, chị Hoàng Thị Xuân (quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) về nhà trọ sớm hơn thường lệ. Cầm trên tay cành đào nhỏ hoa nở đỏ thắm, chị Xuân dừng lại cho biết, cả hai vợ chồng và cháu nhỏ 3 tuổi năm nay đành ở lại đón giao thừa, vui xuân tại khu nhà trọ xã Yên Trung này. Được biết, cả hai vợ chồng chị đều đang làm việc tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) và đều quê Hà Tĩnh nên nếu về tết sẽ vất vả và tốn kém.

Cháu nhỏ lại không được khỏe, cộng với DN khuyến khích ở lại làm việc thông tết sẽ trả chế độ cao nên đành nén lại niềm vui hội tụ cùng gia đình. “Tính ra, nếu ở lại làm việc, chúng tôi sẽ tiết kiệm được 8 triệu đồng, số tiền không hề nhỏ so với thu nhập của hai vợ chồng đều là CN” - chị Xuân nói.

Cùng cảnh ngộ với chị Xuân là gia đình anh Trần Văn Chiến. Cũng đang làm việc tại KCN Yên Phong, anh Chiến có vợ từ quê Nghệ An và con nhỏ hơn 2 tuổi ra ở cùng chồng từ 1 tháng trước tết. Dù không làm việc trong 9 ngày DN cho nghỉ, nhưng anh Chiến nhẩm tính rằng cả nhà ở lại ít nhất cũng bỏ ra được hơn 5 triệu đồng nên đã cùng nhau quyết định ăn tết xa quê.

“Ở lại và không được vui xuân cùng gia đình, nhưng bù lại chúng tôi được thông báo sẽ nhận được quà tết từ DN, từ LĐLĐ huyện và cả chính quyền xã nên cũng được an ủi phần nào” - anh Chiến nói thêm. Gian nhà trọ đơn sơ của gia đình anh Chiến đã ấm cúng lên hơn khi góc phòng có cây quất; trên bàn thờ nhỏ cũng được bày biện đầy đủ mâm ngũ quả và một số đồ khác để cúng tổ tiên theo truyền thống dân tộc.

Nhưng dù sao, tâm lý trống trải là điều khó tránh khỏi với những người đã xa quê quanh năm, nay lại không được vui xuân bên gia đình trong những ngày này.

Được biết, các cấp CĐ tỉnh Bắc Ninh đã khảo sát, nắm tình hình CNLĐ ở lại không về quê đón tết và sẽ có kế hoạch chăm lo để tất cả những người phải đón tết ở các khu nhà trọ được vui xuân trong không khí ấm cúng nhất có thể. Dự kiến, những phần quà, có cả bánh chưng, bánh kẹo, hoa quả và chương trình đón giao thừa sẽ được tổ chức ngay khu nhà trọ cho CN vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà trong những ngày đầu xuân, năm mới.

Còn rất nhiều trường hợp như anh Định, chị Phượng, chị Xuân, anh Chiến trên khắp mọi miền của đất nước. Không thể về quê đón tết, chắc chắn họ và những người thân trong gia đình cũng rất buồn. Nhưng có lẽ họ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn nếu những người được hưởng một cái tết sum vầy như chúng ta nhớ đến họ và cầu chúc họ có một cái tết nơi xa xứ thật ấm áp và vui vẻ.

Theo Báo Lao động