Lương bình quân của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ASEAN

Lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD), chỉ cao hơn Lào, Campuchia nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước còn lại trong ASEAN.

Chỉ 1/3 lao động đi làm có lương

Chỉ 1/3 lao động đi làm có lương
Một khảo sát mới đây của Công ty dịch vụ đầu tư quốc tế Dezan Shira & Associates cho thấy, tiền lương trung bình tháng của Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với Malaysia và bằng 1/2 tiền lương ở Thái Lan và Trung Quốc. Trong khu vực Đông Nam Á, tiền lương của Việt Nam cao hơn Indonesia 47 USD/tháng.
Trong khi theo báo cáo về tiền lương toàn cầu 2014-2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong các nước ASEAN, mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD). 
Mức lương này chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN như Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD). 
Việt Nam vẫn thuộc nhóm có mức lương tối thiểu thấp nhất trong khu vực ASEAN.
ILO còn cho biết, Việt Nam chỉ có khoảng 1/3 số lao động có việc làm là được hưởng lương. Tỉ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới là khoảng 50%.
Tuy nhiên, các chuyên gia của ILO dự báo, trong thập kỷ tới, tỉ lệ lao động làm công ăn lương ở Việt Nam sẽ tăng nhanh và thu hẹp khoảng cách với thế giới. Năm 1996, tỉ lệ lao động làm công ăn lương ở Việt Nam chỉ 16,85% thì đến năm 2013 lên tới 34,8%.
Bài toán cân bằng lương và thu hút đầu tư
Trong khi đó, dự báo về triển vọng tiền lương khu vực châu Á năm 2015 của Công ty tư vấn nhân sự Towers Watso, nếu tính cả yếu tố lạm phát, tiền lương của Việt Nam năm 2015 có thể tăng 4,1%.
Thách thức lớn nhất của Việt Nam là cân bằng giữa thu nhập của người dân và vẫn đưa Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn.
Mức dự báo này phù hợp với xu hướng gần đây của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng phụ thuộc vào từng vùng từ 250.000-400.000 đồng.
Đây là lần tăng lương thứ 4 của Việt Nam trong vòng 5 năm.
Việt Nam đang đàm phán và sắp ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakistan…
Việc gia nhập các sân chơi lớn này sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế và thị trường trong thập niên mới, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường quốc tế trên cơ sở năng suất cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn.
Các chuyên gia về lao động, tiền lương cũng lưu ý là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, các chính sách điều chỉnh tiền lương của Việt Nam cần được cải thiện để đảm bảo sự cân bằng.
Việc điều chỉnh tiền lương phải đảm bảo vừa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa giúp người lao động hưởng thành quả công bằng từ tăng trưởng năng suất lao động.
Theo Báo Một thế giới
Thách thức lớn nhất của Việt Nam là cân bằng giữa thu nhập của người dân và vẫn đưa Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn.