Doanh nghiệp Đồng Nai với "cuộc chiến" giành và giữ lao động

Hiện nay, lao động nhập cư đến Đồng Nai thấp hơn những năm trước, thị trường lao động vì thế cung không đáp ứng đủ cầu.

Ngoài ra, sau Tết Ất Mùi 2015, tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai xảy ra tình trạng lao động trở lại làm việc không đầy đủ. Đây được cho là nguyên nhân khiến cho “cuộc chiến” giành và giữ lao động giữa các doanh nghiệp thêm cam go.

Những ngày này, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất ở các trục đường lớn, ngã ba, ngã tư… trên địa bàn Đồng Nai là các thông báo tuyển lao động của doanh nghiệp. Trước cổng hầu hết các công ty ở Khu công nghiệp Amata, Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (thành phố Biên Hòa), Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành), Khu công nghiệp Hố Nai, Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom)… đều có tấm biển thông báo tuyển dụng từ vài chục đến hàng trăm lao động.
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng. Ảnh minh họa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng. Ảnh minh họa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo ghi nhận của phóng viên, tại tấm bảng lớn ở Khu công nghiệp Hố Nai, trước Tết Ất Mùi 2015 chỉ có vài doanh nghiệp dán thông báo tuyển dụng, thì nay những tấm biển đã chi chít “mọc” lên. Có doanh nghiệp vừa dán thông báo tuyển dụng được 30 phút nhưng đã bị người của công ty khác đến “đè” thông báo khác lên, một số doanh nghiệp còn xé bỏ bảng tuyển dụng của doanh nghiệp dán trước để lấy chỗ đặt thông báo của mình.

Ngoài một số ít doanh nghiệp cần tuyển lao động với số lượng lớn như Tổng công ty may Đồng Nai (tuyển trên 2.000 người), Công ty Fashion Garments 2 (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cần 500 lao động, còn lại hầu hết doanh nghiệp ở Đồng Nai tuyển số lượng từ vài chục đến vài trăm công nhân phổ thông với thu nhập từ 4-8 triệu đồng/tháng.

Ông Chung Lien Shun, Giám đốc kỹ thuật, Công ty cổ phần Tuico, cho biết đầu năm 2015, Công ty Tuico có thêm nhiều đơn hàng mới, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất một số sản phẩm nên từ 24/2, công ty ra thông báo tuyển 100 lao động.

Công ty chỉ cần lao động biết đọc, viết; không cần kinh nghiệm; thu nhập mỗi tháng trên 5 triệu đồng; công nhân làm đủ 12 tháng được doanh nghiệp thưởng hai tháng lương cơ bản dịp Tết Nguyên đán 2016. Điều kiện đơn giản, chế độ tốt nhưng đã bảy ngày trôi qua nhưng doanh nghiệp chỉ tiếp nhận được vài chục hồ sơ.

Tìm mỏi mắt nhưng vẫn không có đủ công nhân, nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Million Win Việt Nam (Khu công nghiệp Hố Nai) đề ra chính sách thưởng tiền cho người giới thiệu. Theo đó, một người giới thiệu cho công ty một công nhân có tay nghề may sẽ được doanh nghiệp thưởng 300.000 đồng.

Ngoài ra, tất cả lao động vào làm việc tại công ty cũng được thưởng từ 300.000-500.000 đồng/người. Tại Tổng Công ty may Đồng Nai, dù đang cần hơn 2.000 công nhân nhưng hiện mỗi ngày chỉ có khoảng 10 người đến nộp hồ sơ.

Lãnh đạo Tổng công ty may Đồng Nai than thở, vài năm qua, công ty luôn ở trong tình trạng thiếu lao động, dự báo thời gian tới việc tìm đủ công nhân vẫn là một bài toán khó đối với công ty. Đơn hàng năm 2015 tăng so với năm trước, công ty mở thêm xưởng mới nhưng không đủ công nhân nên hoạt động rất khó khăn.

Vì thiếu người trực tiếp sản xuất nên doanh nghiệp phải tổ chức tăng ca, tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì người lao động cũng cần thời gian nghỉ ngơi.

Theo đại diện các doanh nghiệp, để “hút” lao động, thời gian tới doanh nghiệp sẽ tăng lương, thưởng, phụ cấp, cải thiện điều kiện làm việc. Một số công ty đóng chân ở Khu công nghiệp Bàu Xéo, Khu công nghiệp Sông Mây (thuộc huyện Trảng Bom) đã lên phương án cử người về tận các huyện miền núi của Đồng Nai để tuyển công nhân. Với số lao động này, hàng ngày doanh nghiệp sẽ có xe đưa rước.

Dù cầu lao động tăng mạnh nhưng ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại các điểm dán thông báo tuyển dụng, thỉnh thoảng mới có vài người đến tìm hiểu. Chị Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ: “Tôi đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Sông Mây, thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng nhưng thường xuyên phải tăng ca.

Tôi muốn chuyển công ty khác, song thấy thu nhập dành cho lao động phổ thông ở các doanh nghiệp chênh nhau chỉ vài trăm nghìn đồng, doanh nghiệp nào cũng đưa ra điều kiện mỗi ngày phải tăng ca ít nhất một tiếng nên tôi băn khoăn chưa quyết."

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho biết, những năm trước, sau Tết, thường có một lượng lớn lao động trẻ (vừa tốt nghiệp trung học phổ thông) từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đến xin việc làm. Năm nay, số này giảm sút nghiêm trọng, người tìm việc đa số trên 25 tuổi - từng có nhiều năm làm công nhân trong các doanh nghiệp khác trên địa bàn Đồng Nai.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng vài năm trở lại đây, số lao động nhập cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Đồng Nai đã giảm mạnh so với trước. Năm 2015, riêng 427 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo về Sở nhu cầu tuyển gần 48.000 lao động, song Đồng Nai có gần 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 1.050 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhu cầu lao động vì thế sẽ cao hơn nhiều so với con số trên.

Ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai, nhìn nhận trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp sử dụng hàng chục nghìn lao động. Thời gian qua, ở các công ty này, những xáo trộn về nhân lực sản xuất không xảy ra, công nhân gắn bó với doanh nghiệp. Có được điều này phần lớn do doanh nghiệp đề ra chính sách lương, thưởng hợp lý; quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân.

Kinh tế đang dần phục hồi, năm 2015 và những năm tiếp theo, ở Đồng Nai nhiều doanh nghiệp FDI sẽ đi vào hoạt động, mở rộng sản xuất. Ngay từ bây, ngoài chính sách thu hút công nhân, doanh nghiệp cũng cần có biện pháp lâu dài nhằm giữ chân lao động. Ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, nếu doanh nghiệp tại Đồng Nai không có những chính sách đặc thù thì tình trạng lao động di cư ngược sẽ diễn ra.
Theo Vietnamplus.vn
http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-dong-nai-voi-cuoc-chien-gianh-va-giu-lao-dong/309842.vnp