Cận Tết, sinh viên “tăng tốc” làm thêm

Gần đến Tết cổ truyền, lại đúng vào đợt thi học kỳ vừa xong nên rất nhiều sinh viên tích cực đi làm thêm, kiếm tiền sinh hoạt, phụ giúp gia đình. Thế nhưng, dịp này cũng là lúc sinh viên đối diện với những chiêu “bẫy” khi tìm việc, rơi vào cảnh mất tiền oan, bị quỵt tiền công…

Cận Tết, sinh viên “tăng tốc” làm thêm
Sinh viên Nguyễn Anh Đào, ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội tranh thủ đi chụp ảnh, quay phim kiếm tiền dịp Tết. Ảnh: Q.Anh.

Vào “mùa” kiếm tiền Tết

Vừa thi học kỳ xong, nhiều sinh viên của khoa Quay phim (ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội) đã tất bật “chạy sô” kiếm tiền. Nguyễn Anh Đào (sinh viên năm thứ 4) chia sẻ: “Dịp cuối năm nhu cầu về quay phim, chụp ảnh là rất lớn, chủ yếu là các đám cưới, sự kiện nhỏ. Dịp này, tụi em còn phải thuê thêm máy quay, đèn, trục cẩu... Trung bình, mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 - 500.000 đồng, mà chỉ mất có vài giờ thực hiện. Từ giờ đến Tết, mỗi người có thể kiếm được khoảng 10 triệu đồng để chi tiêu và phụ giúp gia đình”.

Tương tự, Nguyễn Thanh Ngọc (sinh viên năm thứ 2, ĐH Công đoàn) cũng đã bắt tay vào làm thêm từ đầu tháng 1/2015 với công việc bán hàng quần áo tại một shop thời trang trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội).

Ngọc chia sẻ: “Gia đình em ở quê cũng khó khăn, nên em tranh thủ đi làm thêm cuối năm vì dịp này được trả công khá cao. Em làm ca chiều tới 22h, tính cả tháng được trả 3,5 triệu đồng. Đợt này cũng chưa phải học nhiều nên tranh thủ làm thêm, Tết về có khoản tiền giúp gia đình, đỡ phải xin tiền bố mẹ”.

Dịp Tết năm nay, bán hàng online được nhiều sinh viên lựa chọn vì được tự do, giá cả tự quyết định… Trần Thu Nga (sinh viên năm thứ 3, ĐH Hà Nội) tâm sự: “Dịp này em tập trung bán các mặt hàng khăn len, găng tay, mũ, quần áo, giầy dép và một số loại sạc, ốp điện thoại. Em đưa giá cả, hình ảnh mặt hàng lên trang Facebook, có khách đặt hàng là em giao hàng tận nơi. Bán hàng online vừa chủ động thời gian, vừa có thêm thu nhập trang trải chuyện học hành”.

Dịp Tết là cơ hội cho những ai thích thú với việc làm thời vụ. Có rất nhiều công việc được sinh viên lựa chọn như: bán hàng, dọn dẹp nhà cửa, đóng gói sản phẩm… Nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn coi làm thêm trong dịp Tết là cơ hội “cải thiện” đáng kể. Cũng có những sinh viên đam mê kinh doanh nên không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền vào dịp cuối năm này.

Cẩn thận “bẫy” việc làm

Vào thời điểm gần Tết, nhiều doanh nghiệp, cửa hiệu thông báo tuyển nhân viên quảng cáo, phát tờ rơi, phát quà khuyến mãi, bán hàng… Đây là những công việc sinh viên có thể làm thêm trong dịp Tết. Cơ hội việc làm khá nhiều, song cũng không ít bạn sinh viên phải đối mặt với những “bẫy” khi tìm việc, dẫn tới cảnh vừa mất tiền vừa lãng phí thời gian.

Vừa bị nếm “quả đắng” tìm việc làm, Đức Hùng (sinh viên năm nhất, ĐH Tài nguyên môi trường) cho biết: “Em đến một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) thì được giới thiệu đi trực tổng đài điện thoại. Họ bắt nộp 200.000 đồng phí tìm việc. Họ bảo chỉ việc nghe điện thoại, trả lời khách hàng, làm theo ca 4 tiếng, lương 2,5 triệu đồng/tháng.

Lúc đến “tổng đài” thì hóa ra là một văn phòng công ty, họ bắt em đặt cọc 1 triệu đồng mới cho làm. Thấy công ty này không giống “tổng đài” chút nào, nên em không đồng ý làm. Vậy là mất toi 200.000 đồng và một buổi sáng”.

Kể về việc bị lừa tiền “giữ chỗ công việc” mới xảy ra, Phạm Đức Hưng (Sinh viên năm thứ 2, ĐH Bách khoa Hà Nội) bức xúc: “Em thấy tờ rơi thông báo tuyển nhân viên bán hàng dịp Tết, lương cao, có thưởng nên gọi điện đến xin phỏng vấn. Đến nơi, hóa ra là văn phòng môi giới việc làm.

Họ “vẽ” ra nhiều công việc hấp dẫn và không lấy phí giới thiệu, nhưng vẫn phải đóng tiền gọi là “giữ chỗ” 100.000 đồng, hẹn hôm sau gọi đi làm. Chờ mãi mà không thấy họ gọi, em gọi lại thì họ bảo đã nộp hồ sơ cho công ty, chờ duyệt là đi làm luôn. Sau mấy lần gọi điện, biết là họ không tìm việc cho mình nên em cũng đã tìm việc ở chỗ khác”.

Dạo qua nhiều trang web, diễn đàn dành cho sinh viên, hay ở trên các cột điện, bảng thông báo… những ngày này, có thể tìm thấy vô vàn các thông tin tuyển dụng với nội dung hấp dẫn như: “Tuyển người làm thêm dịp Tết tại nhà 3 triệu đồng/tháng”, “Cần tuyển gấp nhân viên bán hàng 500.000 đồng/ca, nhận tiền ngay sau khi xong việc”…

Tuy nhiên, không ít sinh viên đã bị nếm “trái đắng” do bị lừa tiền đặt cọc, tiền công, thậm chí một số sinh viên vì “hám làm giàu” mà tham gia các hệ thống bán hàng đa cấp, vừa mất thời gian, ảnh hưởng tới việc học mà còn vướng vào nợ nần, bế tắc.

Theo Báo Tiền Phong