Bình Dương: Doanh nghiệp cạnh tranh tuyển lao động

Tính đến nay, mặc dù hơn 95% lao động làm ở các doanh nghiệp (DN) đã trở lại làm việc nhưng Bình Dương vẫn đang thiếu một lượng lao động khá lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều DN cần tăng nhân lực để thực hiện các hợp đồng lớn đã ký cả năm 2015, đáp ứng mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới.

Bình Dương: Doanh nghiệp cạnh tranh tuyển lao động

Mở rộng quy mô, nhân sự nghỉ nhiều nên các công ty trong khu công nghiệp VISIP I (Bình Dương) dồn dập tuyển lao động

Tại nhiều KCN của Bình Dương, các thông báo tuyển dụng xuất hiện ngày một dày đặc với số lượng tuyển dụng khá lớn như Cty Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1) cần tuyển hơn 5.000 lao động, Cty Far Eastern (KCN VSPI 1, huyện Thuận An) cần tuyển dụng trên 1.000 lao động...

DN khát lao động

Ông Kim Huyn Ho -TGĐ Cty lốp Kumho Việt Nam tại KCN Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát cho biết, trong năm 2015 Cty cần tới 2.200 lao động trực tiếp và gián tiếp do tăng vốn đầu tư thêm 17,8 triệu USD để nâng công suất thêm 1 triệu lốp xe/năm.

Một DN khác chuyên về lĩnh vực chế biến gỗ tại thị xã Bến Cát cho biết trong năm 2015 Cty đã ký được nhiều đơn hàng khá lớn đồng thời sẽ mở rộng nhà máy nhưng chưa kịp tuyển dụng trước tết nên áp lực sản xuất khá lớn. Hiện Cty cần tuyển thêm 1.500 lao động.

Thị trường lao động Bình Dương đầu năm 2015 chưa thể ổn định bởi cung khó đáp ứng cầu.


Tại nhiều KCN của Bình Dương, các thông báo tuyển dụng xuất hiện ngày một dày đặc với số lượng tuyển dụng khá lớn như Công ty Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 1) cần tuyển hơn 5.000 lao động, Công ty Far Eastern (KCN VSPI 1, huyện Thuận An) cần tuyển dụng trên 1.000 lao động...

Theo ông Nguyễn Thanh Phương - Trưởng phòng Giới thiệu việc làm, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, trong tổng nhu cầu tuyển dụng của các DN, lao động phổ thông chiếm hơn 85%, các ngành nghề tuyển dụng chủ yếu là may mặc, gỗ, sản xuất khuôn và bao bì, trà, càphê, cơ khí... Đáng chú ý là nhu cầu tuyển dụng khối dịch vụ có tăng hơn so với trước do Bình Dương mới đưa vào hoạt động nhiều siêu thị mới như Aeon (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quốc)...

Cạnh tranh khốc liệt

Để thu hút lao động, hầu hết các DN đưa ra các mức lương cơ bản khá hấp dẫn, thấp nhất 3,6 triệu đồng/tháng; nếu tăng ca sẽ có thu nhập cao hơn khoảng 1,5 lần.

Đặc biệt, ngoài mức lương cơ bản bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định của Nhà nước, các DN còn hỗ trợ người lao động các khoản phụ cấp như nhà trọ, xăng xe, chuyên cần, ăn trưa… với tổng thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nhiều DN còn có chính sách thưởng tiền cho người giới thiệu lao động như: giới thiệu cho Cty một công nhân có tay nghề sẽ được DN thưởng 300.000 đồng và tất cả lao động vào làm việc tại Cty cũng được thưởng từ 300.000 - 500.000 đồng/người.

Đại diện Sở LĐTBXH Bình Dương cho biết, nhu cầu tuyển dụng của các DN Bình Dương năm 2015 là 50.000 lao động. Trong khi người trong độ tuổi lao động năm 2015 của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tuyển dụng.

Nếu tính thêm cả lực lượng lao động mới là người ngoài tỉnh tham gia làm việc tại Bình Dương, thì tổng cung năm 2015 có thể đạt khoảng 40.000 lao động. Tuy nhiên, ngay trong quý I/2015, tổng cung dự kiến chỉ đạt khoảng 50 - 60% so với cầu.

Như vậy, dù các DN đang ra sức chạy đua để tuyển đủ lao động nhưng với lượng cung trên, nhiều DN, nhất là DN may mặc, giày da sẽ khó thoát khỏi tình trạng “khát” lao động và khả năng phải kéo dài tuyển dụng trong cả năm.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp