“Bí” vì Luật Việc làm

Người thất nghiệp không khỏi lo lắng về những quy định mới trong chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa chính thức có hiệu lực.

“Bí” vì Luật Việc làm

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM tư vấn quy định đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vào sáng 10-3

Sáng 10-3, dù chưa đến giờ khai mạc nhưng Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) TP HCM đã chật kín người lao động (NLĐ) đến tham gia sàn giao dịch việc làm đầu tiên trong năm 2015.

Hầu hết NLĐ đều tranh thủ đến sớm để lấy số thứ tự làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). “Nghe nói có sàn giao dịch là tôi chạy đến ngay, rốt ráo nộp hồ sơ hưởng TCTN và xem thông tin tuyển dụng” - anh Trần Trung Quân (ngụ phường 6, quận Bình Thạnh, TP HCM) nói.

Kết hợp tìm việc và hưởng trợ cấp thất nghiệp

Anh Quân chia sẻ rằng sàn giao dịch việc làm là cơ hội để những người như anh kết hợp “một công đôi việc”, vừa làm thủ tục hưởng TCTN vừa tìm việc làm. Nghỉ việc từ trước Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thanh Dương (ngụ quận 2, TP HCM) cũng chọn thời điểm diễn ra sàn giao dịch để đến làm thủ tục hưởng TCTN. Chị Dương bộc bạch: “Tôi mong sớm hoàn thành các giấy tờ cần thiết rồi dành thời gian xem thông báo việc làm và tham gia phỏng vấn với một vài doanh nghiệp có mặt ở đây”.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM tư vấn quy định đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vào sáng 10-3

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM tư vấn quy định đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động vào sáng 10-3

Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP HCM, cho biết 4 ngày làm việc đầu tiên sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng NLĐ đến 8 địa điểm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để thông báo tình trạng việc làm tăng đột biến, khoảng 11.000 người. Nguyên nhân là do nhiều người dù nghỉ việc trước Tết nhưng đợi sau kỳ nghỉ mới đến làm thủ tục. Tuy nhiên, trong đó cũng chỉ có 691 NLĐ nộp hồ sơ hưởng TCTN.

Hiện số lao động đến trung tâm làm thủ tục hưởng TCTN tương đối ít. Nếu vào những thời điểm khác, trung tâm tiếp nhận từ 400-500 hồ sơ/ngày thì hiện chỉ khoảng 250 người đến làm thủ tục trong 1 ngày. Khi có sàn giao dịch việc làm, NLĐ tấp nập đến đăng ký thủ tục hưởng TCTN là do hoạt động tiếp xúc, phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng diễn ra trong chương trình.

Gây khó cho người lao động

Trong quá trình làm thủ tục hưởng TCTN, không ít NLĐ phân vân về chính sách mới của Luật Việc làm áp dụng từ ngày 1-1-2015. Đến làm hồ sơ, anh Phan Tuấn Đức (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) phản ánh quy định người thất nghiệp sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN nếu sau 2 lần từ chối nhận việc do Trung tâm DVVL - nơi đang hưởng TCTN - giới thiệu mà không có lý do chính đáng gây bất lợi cho NLĐ. Anh Đức bức xúc: “Nếu tôi từ chối 2 lần do việc làm dưới năng lực hay trái ngành sẽ xử lý như thế nào? Hay tôi không nhận việc do nhà xa, thiếu phương tiện đi lại có được xem là chính đáng không?”.

Ông Nguyễn Cao Thắng cho biết thêm hiện chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm. Vì thế, nhiều thắc mắc của NLĐ chưa thể được giải đáp. Quy trình bảo lưu thời gian đóng BHTN cho đối tượng về hưu hay thanh niên chuẩn bị nhập ngũ hiện chưa có văn bản quy định rõ ràng nên việc thực hiện vẫn còn lúng túng.

Cũng theo quy định mới từ Luật Việc làm, người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa 6 tháng trợ cấp học nghề (tối đa 1 triệu đồng/tháng). Nhưng quy định tại điểm h, khoản 3, điều 53 trong Luật Việc làm lại chỉ rõ người đang hưởng TCTN mà đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN, dù thời gian đã tham gia BHTN được bảo lưu.

Thực tế cho thấy đây là quy định làm khó NLĐ. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (KCN Tân Tạo, TP HCM), phân tích trong quá trình học tập để nâng cao trình độ sau khi thất nghiệp, NLĐ bị chấm dứt hưởng TCTN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống (không có tiền đóng học phí, mua sách vở, dụng cụ, chi phí sinh hoạt…).

“NLĐ muốn được hưởng TCTN để đi học thì phải tìm những nghề có thời gian học dưới 12 tháng. Trên thực tế, với thời gian học ngắn như vậy, NLĐ khó kiếm được việc làm ổn định với mức lương khá. Quy định này không những bất cập mà còn cản trở NLĐ nâng cao trình độ” - ông Nghiệp nhìn nhận.

Thiệt thòi cho người có mức lương cao. Theo Luật Việc làm, hiện mức hưởng TCTN dành cho NLĐ là 60% lương bình quân nhưng tối đa chỉ được bằng 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Nhiều chuyên gia cho rằng quy định này có thể ảnh hưởng đối với những người đang tham gia BHTN với mức lương cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu chung.



Theo Báo Người lao động