Bao giờ đến thời điểm “thích hợp” để tăng lương?

Lương sẽ không tăng, dù việc tăng lương 2015 đã nằm trong lộ trình, dù ngân sách cả năm dự tính tăng thu vượt 10,6% (991.000 tỉ đồng), vì còn phải dành để trả nợ, bởi thu nhiều chi lắm, chi NSNN tăng hơn 1.100 tỉ đồng, bội chi lên tới 226.000 tỉ đồng.

Bao giờ đến thời điểm “thích hợp” để tăng lương?
Đồng lương của CBCC cấp xã, phường còn thấp, không theo kịp mức tăng giá cả thị trường. Ảnh: Hải Nguyễn

Không thể tăng lương vì bội chi

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã gây ra bao nhiêu cái lắc đầu, bao nhiêu tiếng thở dài, khi ông hứa sẽ trình trung ương đề án tiền lương vào một thời điểm thích hợp. Năm ngoái không phải là thời điểm thích hợp. Năm nay lại cũng không thích hợp. Vậy, đến bao giờ thì đến thời điểm thích hợp?“.

Bên hành lang Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - Bùi Đức Thụ “bấm ngón tay”: Tăng lương đòi hỏi một nguồn tiền quá lớn, vì quy mô người hưởng lương và chế độ chính sách từ ngân sách Nhà nước (NSNN) rất nhiều. Số lượng cán bộ - công chức có gần 700.000 người, nhưng tổng số người hưởng lương từ NSNN, liên quan NSNN lại lên đến hơn 8 triệu người.

Ông Thụ lấy ví dụ, từ lần tăng lương cơ bản từ 930.000 đồng lên 1.150.000 đồng, NSNN đã phải bỏ ra hơn 44.000 tỉ đồng mỗi năm. Và theo ông Thụ, nếu tăng lương trong năm 2015 như lộ trình, chắc chắn ngân sách sẽ bội chi khủng khiếp, chắc chắn nợ công ngay trong ngày tăng lương đầu tiên sẽ vượt trần.

Tin không vui là “ngân sách lắc đầu” với việc tăng lương, cho dù ngân sách ước thu cả năm tăng tới 10,6% so với dự toán. Nguyên do là bởi dù thu nhiều, nhưng tiêu cũng lắm. Những con số chính thức cho thấy dù vượt thu, dù NSNN có thể đạt 911.000 tỉ nhưng NSNN còn chi nhiều hơn, chi tăng hơn 1.100 tỉ, và bội chi ngất ngưởng ở mức 226.000 tỉ đồng.

Bộ máy cồng kềnh, hiệu quả lại thấp

ĐBQH Nguyễn Văn Minh bức xúc: Đội ngũ hưởng lương thì lớn, nhưng người làm chuyên môn thì ít. Bộ máy thì cồng kềnh, hiệu quả thì thấp. “Bộ Nội vụ từng triển khai việc tự đánh giá công việc của cán bộ công chức, tuy nhiên làm xong không đơn vị nào xin giảm mà chỉ xin tăng biên chế” - ông Minh chỉ ra thực tế.

Và với “nguyên do” không tăng lương thuộc về điều hành chủ quan, thật ra câu hỏi của ông Minh - đúng với câu hỏi của dư luận - là rất khó để trả lời: “Lộ trình phải tăng lương cơ bản vào năm 2013 đã không thực hiện được, để lại năm 2014 vì khó khăn, giờ lại tiếp tục để lại đến năm 2016. Ai dám khẳng định năm 2016 sẽ tăng lương?”.

Ông Minh vẫn trăn trở: Nhiều công trình mất hàng ngàn tỷ để xây dựng, nhưng xây xong không sử dụng, hoặc công trình không cần thiết nhưng chúng ta vẫn xây, rất lãng phí. Vì thế, không nên lấy lý do không đủ nguồn lực tài chính nên không nâng lương cơ bản theo lộ trình.

Tăng lương chính là nhằm đảm bảo yếu tố đầu vào cho đầu ra là những giọt mồ hôi của người lao động. Bởi thế, thật khó có thể chấp nhận nguyên do của “cái lắc đầu ngân sách” bằng việc kêu khó, kêu thiếu. Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, thực tế đã cho thấy chẳng có chính phủ nước nào tuyên bố thừa tiền cả!

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi nêu quan điểm: Tăng lương phải là mục tiêu chi ưu tiên hàng đầu. Theo ông thì, lương giải quyết 2 vấn đề cơ bản lớn, vừa là tăng năng suất lao động, vừa giải quyết vấn đề xã hội. Lương tăng có yếu tố tích cực là hạn chế được vấn đề tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận công chức.

Hiện nay ngân sách của ta rất là thấp, đồng thời rất nhiều công trình phải xây dựng cơ bản để đảm bảo quốc kế dân sinh. Ngân sách cũng phải giành tập trung cho xóa đói giảm nghèo bền vững, giải quyết đời sống đông bào dân tộc thiểu số, mà chỉ riêng diện nghèo-đói đã chiếm 47% trong tổng số 2 triệu hộ nghèo. Miếng bánh ngân sách hạn hẹp, nhưng nhu cầu chi thì rất nhiều.

Ông Lợi nói: Theo tôi, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Và việc đầu tư cho con người phải song song với việc cải thiện đời sống cho cán bộ. Lộ trình cải cách tiền lương đã được đặt ra, nhưng suốt giai đoạn 2006-2010 dù lương được điều chỉnh 4 lần, và 3 lần trong giai đoạn 2011-2013, nhưng nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ vẫn không đáp ứng được.

Hay khu vực doanh nghiệp, hàng năm điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu theo 4 vùng, 2015 điều chỉnh tăng thêm 15%, nhưng nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động mới chỉ đáp ứng 70%. Tăng lương phải là một trong những mục tiêu chi ưu tiên hàng đầu. Tái cơ cấu nền kinh tế phải đi đôi với tái cơ cấu nhân lực, với bù đắp đủ chi phí cho người lao động, và phải làm cho con người có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động.

Theo Báo Lao Động