1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

World Cup 2014: Bóng đá thế nào, hành xử thế nấy

(Dân trí) - Cầu thủ đá World Cup không thiếu những chiêu trò hòng qua mắt trọng tài, gây ức chế cho đối thủ. Nhưng đặt trường hợp không thể qua mắt người khác, để rồi bị phạt, họ không phản ứng như cách cầu thủ Việt Nam phản ứng…

Phản ứng cũng biết điểm dừng

Nếu hỏi cầu thủ đá ở World Cup có chơi xấu không? Có dùng tiểu xảo để qua mặt đối phương và trọng tài không? Câu trả lời chắc chắn là có, nhiều là đằng khác.

Thậm chí, về tiểu xảo, họ còn đáng được gọi là… sư phụ của cầu thủ Việt Nam. Fred (Brazil) sẵn sàng lăn đùng ra sân như thể hậu vệ Croatia đẩy anh mạnh lắm vậy, hay Diego Costa (Tây Ban Nha) ngã xấp trên mặt cỏ như thể hậu vệ đội Hà Lan ngán chân anh đau lắm vậy! Cốt là để kiếm phạt đền.

Pepe “động thủ” đến 2 lần nhằm vào Thomas Muller của Đức: Một pha vung tay vào mặt có chủ đích, tiếp ngay sau đó là màn húc đầu vào đầu đối phương, kèm theo là miệng lầm bầm chắc chắn cũng chẳng phải lời dễ nghe gì, rót vào tai cầu thủ người Đức.

Cầu thủ dự World Cup cũng đá xấu, cũng đầy tiểu xảo...
Cầu thủ dự World Cup cũng đá xấu, cũng đầy tiểu xảo...

Nói tóm lại, cầu thủ dù là ngôi sao hàng đầu thế giới, ở đẳng cấp hàng đầu thế giới cũng ăn gian, hòng qua mặt trọng tài, cũng sẵn sàng làm tất cả, kể cả chơi “tà đạo” để đưa đội nhà đến chiến thắng.

Tuy nhiên, khi không thể qua mặt trọng tài, khi ăn gian và bị lộ, họ chấp nhận chịu phạt, như đấy cũng là một phần của cuộc chơi, chứ không có cái kiểu hùng hổ đòi đánh trọng tài, như cầu thủ Việt Nam.

Đấy là khác biệt cơ bản giữa cầu thủ chuyên nghiệp thực sự với cầu thủ được gắn mác chuyên nghiệp. Pepe nổi tiếng đá dữ lâu rồi, đấy là một trong những hậu vệ thuộc vào loại xấu tính và hung hăng nhất trên sân cỏ châu Âu vài năm trở lại đây, nhưng ngay cả con người hung hăng ấy khi thấy thẻ đỏ được chìa ra trước mặt cũng lầm lũi rời sân chứ không đòi ăn thua đủ với trọng tài.

Nhưng không đến mức rượt đánh trọng tài như cầu thủ Việt Nam
Nhưng không đến mức rượt đánh trọng tài như cầu thủ Việt Nam

HLV và quan chức các đội bóng dự World Cup cũng vậy, họ cũng phản ứng, nhưng không hề có cảnh nhào cả vào sân như sân cỏ Việt Nam, rõ ràng là họ biết sợ trọng tài, khi chỉ cần trọng tài thứ tư bước tới là họ không dám la làng nữa, vì sợ bị đuổi lên khán đài.

Gieo gì - gặt nấy

Cũng nhân câu chuyện các phản ứng của các đội bóng. Trong bóng đá nội, khi cầu thủ phản ứng không được, HLV nhào vào sân phụ họa. HLV phản ứng không xong, đến lượt lãnh đạo CLB dọa bỏ giải.

Ở V-League, người ta công khai lên báo chỉ trích trọng tài, BTC, VPF, VFF, mà không hề bị phạt. Đấy cũng là khác biệt rất lớn giữa bóng đá đẳng cấp cao, với một nền bóng đá thiếu quy củ.

Cách phản ứng của tất cả các bên tham gia cuộc chơi chính là tấm gương phản chiếu chất lượng của nền bóng đá ấy. Tại sao ở World Cup người ta không phản ứng BTC giải và nhất là phản ứng trọng tài như người ta vẫn làm trên sân cỏ V-League?

Cái này phải xem lại vị thế của chính những người bị phản ứng trong mắt người phản ứng. Rõ nhất là trường hợp của giới trọng tài. Trọng tài ở đấp cao nào cũng phải sai, đấy là một phần của bóng đá, kể cả bóng đá ở đẳng cấp cao nhất như World Cup.

Nhưng ngay cả khi trọng tài sai, các đội bóng dự World Cup cũng không chửi bới, thóa mạ trọng tài, vẫn dành cho họ sự tôn trọng nhất định, chứ không như cách phản ứng mà làng cầu nội dành cho trọng tài nội.

Đấy là vấn đề thuộc về niềm tin và tư thế của trọng tài ấy với các cầu thủ. Trọng tài bắt World Cup đa số là những người có địa vị xã hội, hay chí ít là có công việc tốt bên ngoài bóng đá.

Mọi so sánh dĩ nhiên luôn khập khiễng, nhưng trọng tài Việt Nam có được như thế không thì e rằng hơi khó trả lời? Trọng tài Việt Nam mỗi khi làm nhiệm vụ hay có thói quen đánh bài, khiến thời ông Dương Vũ Lâm còn ngồi ghế trưởng ban ông phải chỉ thị ngầm cho giới trọng tài là dẹp đánh bài đi.

Trọng tài Việt Nam nhiều người còn văng tục không thua gì giới “quần đùi áo số”, trình độ xã hội của họ cũng chưa chắc hơn trình độ của giới cầu thủ, thì làm sao họ nói cầu thủ nghe, khiến cho cầu thủ phục.

Nói cho cùng bóng đá như thế nào thì cách hành xử với nhau trong bóng đá như thế ấy. Cầu thủ hàng đầu thế giới không phải không chơi ăn gian, nhưng họ biết đâu là giới hạn của phản ứng. Trọng tài bắt World Cup không phải không có sai sót, nhưng ngay cả khi sai sót, họ cũng không tạo cảm giác ức chế cho các đội bóng, rằng họ đang “trù dập” đội bóng ấy!

Kim Điền