1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VPF vẫn chuộng lượng hơn chất

(Dân trí) - Cà Mau tuyên bố rút khỏi giải hạng Nhất 2016, VPF tính chuyện đôn Bình Định lên thay. Một lần nữa những quy định, quy chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp gần như bị gạt bỏ, chỉ nhường chỗ cho số lượng.

Chất vẫn tỷ lệ nghịch với lượng

Quay trở lại với số lượng đội dự 2 giải V-League và hạng Nhất, nghịch lý là ở chỗ V-League có đến 14 đội tham dự, trong khi con số đội dự giải hạng Nhất mùa sau là 10 đội. Có lẽ chẳng có nền bóng đá mang danh chuyên nghiệp nào trên thế giới, có số lượng đội hạng trên nhiều hơn số lượng đội hạng dưới (thường thì ở các nước, càng lên cao càng ít đội, để tăng tính sàng lọc).

Ở đây, những nhà tổ chức V-League ngoài miệng thì cho rằng họ quan tâm đến chất lượng của giải đấu, nhưng thực tế cách tổ chức V-League lại cho thấy điều ngược lại.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng từng hơn 1 lần nói về chuyện ông chấp nhận V-League chỉ có khoảng 6 – 8 đội đạt chất lượng, nhưng đấy phải là những đội đúng tiêu chuẩn và đảm bảo về năng lực tài chính.

Thế nhưng, sau khi V-League được chuyển giao cho VPF, giải đấu tiếp tục sa lầy vào chuyện chuộng lượng hơn chuộng chất. Giải đấu cao nhất Việt Nam có đến 14 đội, nhưng không ít đội trong số này quanh năm bị than phiền về chuyện không đủ năng lực để duy trì một CLB chuyên nghiệp.

 

Bóng đá Việt Nam có nhiều đội bóng càng tồn tại càng trở thành gánh nặng cho địa phương (ảnh: Nguyễn Đình)
Bóng đá Việt Nam có nhiều đội bóng càng tồn tại càng trở thành gánh nặng cho địa phương (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Ví như Đồng Tháp là đội bóng mà nguyên cả mùa giải năm ngoái đối diện với nguy cơ bị cầu thủ kiện vì nợ nhiều khoản. Thậm chí, ngay cả tiền bảo hiểm theo hợp đồng lao động của cầu thủ đội bóng miền Tây Nam bộ cũng không thể đáp ứng.

Như Đồng Nai cũng khó đủ bề, vốn đã không đủ tiềm lực để tham dự V-League từ mùa trước, để đến mùa này phải xuống hạng vì càng lúc càng hụt hơi. Hoặc như Quảng Nam càng duy trì đội bóng thì càng gây khó cho ngân sách của địa phương, đến nỗi ông trưởng đoàn của đội này từng có lần trách bầu Đức sao bảo chỉ cần 15 tỷ đồng là đủ đá ở V-League, trong khi ông đang cố tìm mọi cách cốt sao xin tiền nhiều hơn từ địa phương.

Đừng biến bóng đá thành gánh nặng

Nếu V-League chỉ có 6 – 8 đội, không phải không có cách để giải đấu được kéo dài, các đội bóng và các cầu thủ đá nhiều trận, nhằm đảm bảo quyền lợi theo yêu cầu của nhà tài trợ về tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ví dụ như có thể đá vòng tròn 4 lượt như Hàn Quốc hay Nhật Bản từng làm vào thời giải quốc nội của họ còn khó khăn.

Chứ làm bóng đá chuyên nghiệp theo kiểu xin tiền ngân sách thế này thì đúng là gánh nặng cho các địa phương, rồi rốt cuộc cũng chẳng giải quyết được điều gì, với kiểu bóng đá không có khán giả, cũng không thu được tiền từ vé hay từ bản quyền truyền hình như hiện nay.

Thà các đội bóng cứ mạnh dạn như An Giang, không có tiền, không thấy lối ra thì dẹp hẳn đội đỉnh cao, quay về đào tạo trẻ vì sự nghiệp cũng được, mà để bán cũng chẳng có gì là xấu (bóng đá chuyên nghiệp thực thụ vẫn có những trung tâm chuyên đào tạo trẻ để bán dạng này).

Thà VPF cứ mạnh dạn cắt bớt số đội dự các giải đấu chuyên nghiệp, thay vì cứ cố nhét thêm đội này đội kia cho đủ số lượng. Như trường hợp Cà Mau xin rút khỏi hạng Nhất thì vội vã tính chuyện đôn Bình Định lên thay, mà gạt bỏ hết những quy tắc cơ bản của bóng đá chuyên nghiệp, đó là quy tắc ganh đua, phải đá thắng mới giành quyền thăng hạng, chứ không phải “thi rớt” cũng được bốc lên cho thành… đậu.

Đấy là chưa tính đến năng lực tài chính, năng lực xây dựng CLB. Chẳng lẽ những người điều hành bóng đá nội quên mất những bài học của Kiên Giang, hay An Giang rồi sao? – Không đủ năng lực tồn tại trong bóng đá chuyên nghiệp nhưng vẫn cố gồng để hiện diện ở các giải đấu đỉnh cao thì cuối cùng chỉ sinh thêm nợ, cuối cùng trở thành gánh nặng cho địa phương, tiền mất mà tình nghĩa giữa người lao động (cầu thủ) và người sử dụng lao động (CLB) cũng chẳng còn, vì cứ mãi đòi nợ và khất nợ lẫn nhau!

Trọng Vũ

 

VPF vẫn chuộng lượng hơn chất - 2