1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VPF trong cơn biến động trước mùa giải mới

(Dân trí) - Người ta nói rằng khác biệt lớn nhất giữa VPF và VFF nằm ở chỗ VPF linh hoạt hơn, thoáng hơn, nhờ được điều hành bởi những doanh nhân cỡ bự, theo mô hình của một doanh nghiệp cổ phần. Nhưng ngay cả khác biệt đó có khi giờ cũng không còn.

Khó khăn về tài chính

Những ngày đầu mới thành lập, công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) chưa bao giờ phải lo về nguồn tiền. VPF được dựng nên bởi những ông bầu thuộc vào loại giàu có và quyền lực nhất, như bầu Thắng, bầu Đức, nhân vật số 2 của tổng công ty Khatoco là ông Tiến Anh và đặc biệt là bầu Kiên.

Nhưng thời thế đổi thay và càng những năm về sau, vị thế của VPF không còn như lúc đầu. Bầu Kiên không còn ở trong ban lãnh đạo, khiến cho khâu tìm kiếm tài trợ của VPF có vấn đề (trước đây bầu Kiên là phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ của VPF), bầu Đức càng lúc càng xa tổ chức này, để tập trung lo cho lứa U19 của ông.

Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa, cũng là nhân vật quyền lực số 2 của tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) Lê Tiến Anh cũng âm thầm rút lui, cùng với quyết định rút Khatoco khỏi bóng đá xứ Trầm Hương.

VPF dạo sau này gần như chỉ còn mỗi bầu Thắng gồng gánh trách nhiệm của cả bộ máy. Công việc mà mà trước đây có 4 doanh nhân cỡ bự chia sẻ với ông thì dạo sau này ông Thắng gần như phải làm một mình.

VPF trong cơn biến động trước mùa giải mới
Dạo sau này, bầu Thắng (thứ 2 từ phải sang) phải làm thay công việc của tất cả những người từng ngồi chung bàn với ông ở VPF

Thay vì là người đi vận động tài trợ, bầu Thắng phải trực tiếp chỉ định doanh nghiệp dưới trướng ông làm nhà tài trợ cho VPF, cụ thể là chỉ định Kienlongbank (ông Võ Quốc Thắng là chủ tịch HĐQT của ngân hàng này) tài trợ cho giải hạng Nhất và cúp quốc gia.

Cũng vì khó khăn về mặt tài chính mà càng về sau, VPF thay vì độc lập với VFF, là đối trọng với VFF như mục đích lúc ban đầu hình thành, lại phụ thuộc về VFF. VPF phụ thuộc vào VFF dạo sau này cũng chủ yếu xuất phát từ chỗ khát tài trợ, do đơn vị tài trợ cho V-League (VPF trên danh nghĩa trực tiếp quản lý) lại là doanh nghiệp của ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Rồi VPF lao đao cũng vì chỗ này, khi ông chủ tịch VFF trong lễ tổng kết mùa giải 2014 đã dõng dạc tuyên bố sẽ cắt tài trợ từ doanh nghiệp do ông quản lý cho V-League, buộc VPF – mà cụ thể là bầu Thắng phải đi tìm nguồn mới.

Khó khăn về nhân sự

Thông tin mới đây từ VPF cho hay họ đã tìm ra nhà tài trợ cho V-League 2015. Đấy là cố gắng lớn của VPF nói chung và cá nhân bầu Thắng nói riêng. Nhưng chắc chắn bầu Thắng thì không thể “gồng” mãi kiểu ấy.

Ông Thắng và VPF có thể giúp V-League thoát cảnh túng tiền năm nay, nhưng năm sau rồi các năm sau nữa thì chưa ai nói chắc? Nhất là trong bối cảnh VPF đã không còn nhận được sự hẫu thuẫn tối đa từ người nhà, nếu ngược lại thì chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (về danh nghĩa vẫn còn là PCT HĐQT VPF) đã không cắt tài trợ từ doanh nghiệp do ông Dũng đóng vai CEO.

Đấy cũng chính là lý do mà trong vài tháng trở lại đây, đã râm ran xuất hiện thông tin bầu Thắng muốn rút khỏi vị trí người đứng đầu VPF. Thông tin trên chưa hề được bầu Thắng xác nhận, nhưng kỳ thực ông cũng không quyết liệt phủ nhận như thói quen của ông bầu này về những chuyện mà ông chắc chắn sẽ nói không.

Dĩ nhiên, dù còn hay không còn bầu Thắng, VPF sẽ vẫn tồn tại, vẫn đóng vai trò là nhà tổ chức cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League, hạng Nhất, cúp Quốc gia). Nhưng nếu không còn bầu Thắng, người khác khó có đủ cơ làm những việc mà ông Thắng từng thay cả 3 doanh nhân quyền lực còn lại (bầu Kiên, bầu Đức, Lê Tiến Anh) để giữ tiếng nói của VPF trong làng cầu nội trong thời gian qua.

Nếu không còn bầu Thắng, tiếng nói của VPF có thể mỗi ngày sẽ một yếu. Thậm chí, người ta còn bàn đến khả năng người của VFF với tư cách là đại diện cổ đông lớn của VPF được điều sang quản lý VPF.

Khi đó, vai trò của VPF đối với VFF hầu như không còn. Hãy quay lại mục đích ra đời của VPF, đấy là tổ chức mà người ta kỳ vọng sẽ là đối trọng của VFF, tăng tính cạnh tranh giữa 2 tổ chức để cả 2 cùng phát triển. Đặt trường hợp VPF phải cải tổ nhân sự, hoàn toàn phụ thuộc vào VFF thì có lẽ sự tồn tại của VPF cũng không còn mấy ý nghĩa.

Người ta đang chờ câu trả lời từ bầu Thắng tại Đại hội cổ đông VPF vào ngày 27/12 tới đây. Chưa ổn định vị trí người đứng đầu, thì cũng khó trách thời gian qua VPF gần như án binh bất động trong việc chọn trưởng giải V-League, hay chuyện có để cho chuyên gia Tanaka Koji sang VFF làm GĐKT hay không?

Trọng Vũ