1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

VFF họp Ban chấp hành: Chuyện SEA Games và chuyện V-League

(Dân trí) - Ban chấp hành VFF sẽ họp Ban chấp hành (BCH) vào ngày mai (23/7), tức chỉ vài giờ trước khi trận U22 Việt Nam gặp Hàn Quốc bắt đầu trên sân Thống Nhất.

Vấn đề sát sườn đối với VFF hiện nay đó là chiến dịch SEA Games 29, giải đấu mà phó chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức đã sớm tuyên bố nếu U22 Việt Nam không thể giành HCV, thì các uỷ viên thường trực VFF nên nghỉ hết.

Dĩ nhiên, đấy là phát biểu của cá nhân bầu Đức, bởi cũng sớm thấy trước là vị phó chủ tịch phụ trách tài chính sẽ khó tiếp tục ngồi ở VFF thêm 1 nhiệm kỳ nữa, bất chấp thành tích của đội tuyển U22 Việt Nam ra sao, vì cơ bản bầu Đức còn bận nhiều công việc khác. Dù vậy, có thể nhận định rằng yêu cầu có vàng SEA Games là yêu cầu rất cao đối với VFF hiện nay.

Đoạt HCV SEA Games dĩ nhiên quan trọng, bởi hơn nửa thế kỷ nay bóng đá Việt Nam chưa hề có lại bộ HCV bóng đá nam.

Ngoài mục tiêu SEA Games, VFF nên tính toán lại giải V-League đang mất khán giả, dưới sự quản lý yếu kém của VPF (ảnh: Trọng Vũ)
Ngoài mục tiêu SEA Games, VFF nên tính toán lại giải V-League đang mất khán giả, dưới sự quản lý yếu kém của VPF (ảnh: Trọng Vũ)

Tuy nhiên, bóng đá nội vẫn còn nhiều chuyện quan trọng hơn là tấm HCV SEA Games, cần VFF, hay nói rộng ra là BCH VFF giải quyết, tìm định hướng.

Vấn đề quan trọng hàng đầu của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới là vấn đề phát triển nền tảng, bao gồm phát triển bóng đá trẻ, hệ thống đào tạo trẻ và nâng chất giải quốc nội, bao gồm giải V-League.

Không giải quyết các vấn đề mang tính nền tảng đấy, Việt Nam có vô địch SEA Games có khi vẫn xếp dưới Thái Lan thêm nhiều năm nữa, chưa chắc hơn được Indonesia, Malaysia, thậm chí có nguy cơ bị các nền bóng đá đang phát triển rất nhanh gồm Myanmar, hay kể cả Campuchia bắt kịp rồi qua mặt.

Mà nền tảng của bóng đá nội vốn đã bị nhiều người làm chuyên môn trong nước lên tiếng cảnh báo. Đấy là một hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp không giống ai, với số lượng đội đá ở hạng cao nhất, tức V-League (14 đội) gấp đôi số lượng đội đá ở hạng dưới (hạng Nhất chỉ có 7 đội).

Sự nguy hiểm ở chỗ do chất lượng các giải quốc nội sa sút nghiêm trọng, nên lượng người xem V-League cũng giảm đến mức đáng báo động. Riêng giải hạng Nhất hầu như không còn mấy người quan tâm.

Khâu điều hành V-League cũng có vấn đề, VPF gần như bất lực trong việc quản lý giải đấu, dẫn đến sự cố nối tiếp sự cố, khâu trọng tài liên tục trở thành đề tài gây nhức nhối, bất chấp biết bao lời hứa sẽ cải tổ. Đến khâu kỷ luật bây giờ cũng xuất hiện quá nhiều bất cập.

Đấy là những đề tài mà BCH VFF cần mổ xẻ đến nơi đến chốn, để cứu lấy nền tảng của bóng đá Việt Nam, chứ không đơn thuần là chuyện có vàng hay không có vàng ở kỳ SEA Games sắp đến.

Nếu đoạt HCV SEA Games nhưng vẫn để cho hệ thống giải quốc nội “trôi” theo hướng vừa nêu, vẫn để cho VPF quản lý 2 giải V-League và hạng Nhất theo kiểu đến hẹn lại lên, giải quyết các sự vụ theo hướng đưa giải về đích an toàn, thay vì giải quyết triệt để phần gốc, thì bóng đá Việt Nam có thể còn mất phương hướng thêm nữa.

Chẳng có nền bóng đá nào trên thế giới đủ mạnh một khi giải quốc nội và khâu đào tạo trẻ không mạnh, vì đấy là nền tảng.

Môn bóng đá nam ở SEA Games nói cho cùng cũng chỉ là một giải trẻ, và chẳng ai đánh giá chất lượng của một nền bóng đá chỉ qua một đội trẻ cả. Khi người ta nhìn vào chất lượng của một nền bóng đá, người ta sẽ nhìn vào nền tảng của nền bóng đá đấy!

Trọng Vũ

VFF họp Ban chấp hành: Chuyện SEA Games và chuyện V-League - 2