1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

V-League không vội được đâu!

(Dân trí) - Đề xuất huỷ V-League 2020 của chủ tịch CLB bóng đá Quảng Nam - Nguyễn Húp, thì đúng là hơi vô lý. Nhưng nói giải cần sớm trở lại khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp thì lại có phần vội vàng.

Và mỗi đề xuất, dù nhìn từ góc độ nào, nên được hiểu như một sự đóng góp ý kiến cho công tác tổ chức giải, đến từ những người trong cuộc, cụ thể là từ phía đại diện các CLB tham gia V-League 2020.

Ngay đến chuyện tổ chức hay không tổ chức Olympic Tokyo 2020, hoãn, huỷ, hay lùi đại hội ở thời điểm hiện tại vẫn gây nhiều tranh cãi. Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) phải nhận không ít phản ứng từ các tổ chức thành viên, từ các quốc gia và từ Uỷ ban Olympic của các quốc gia, trong đó có tuyên bố đơn phương không cử VĐV đến tham dự Thế vận hội từ phía Australia và Canada, nếu Olympic vẫn cố tổ chức trong khi dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, huống hồ gì là tranh cãi xảy ra ở giải V-League. 

Thế nên, cũng đừng quá nặng nề với các luồng ý kiến khác nhau, bởi những ý kiến đấy nói cho cùng xuất phát từ vấn đề quan điểm, được phát ngôn dựa trên góc nhìn và thực tế các vướng mắc mà từng nhà quản lý của từng đội bóng đang phải đối diện.

V-League không vội được đâu! - 1

V-League đá không có khán giả vẫn có nguy cơ mất an toàn về mặt sức khoẻ cho các đội bóng, và lực lượng làm nhiệm vụ giữa mùa dịch Covid-19, bởi các lực lượng này vẫn phải di chuyển và tập trung trong từng trận đấu

Đồng thời, từ những quan điểm đấy, có thể bắt gặp những ý kiến hết sức đáng lưu tâm. Điển hình là phát biểu của HLV đội Nam Định, ông Nguyễn Văn Sỹ: “Nếu phải đá không có khán giả, tôi nghĩ nên tạm dừng giải đấu”.

“V-League phải đá không có khán giả nghĩa là cầu thủ bay tới tỉnh này, tỉnh kia, đi tới đội này, đội kia cũng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp. Đó không đơn giản là các trận cầu không khán giả. Tình hình dịch bệnh chưa được đảm bảo thì giải nên dừng” – ông Sỹ nói thêm.

Cái lý của ông Nguyễn Văn Sỹ nằm ở chỗ, sân không có khán giả thì vẫn phải có các lực lượng làm nhiệm vụ (giám sát, trọng tài, BTC trận đấu, công an, bảo vệ, truyền thông, quan chức, cầu thủ 2 đội…), tức là sức khoẻ của hàng chục thậm chí hàng trăm con người thuộc các lực lượng làm nhiệm vụ vừa nêu, vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Rồi các đội phải di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác để đá giải, trong khi khuyến cáo của các cơ quan chức năng và các cơ quan y tế hiện là hạn chế đi lại và tập trung đông người.

V-League không vội được đâu! - 2

Chưa kể với bóng đá Việt Nam nếu càng vắng khán giả, càng ít được dư luận chú ý, thì nguy cơ tiêu cực, dàn xếp lại càng cao

Đấy là về mặt sức khoẻ, còn về mặt chuyên môn, riêng với bóng đá Việt Nam, đá bóng mà không có khán giả, những trận đấu không có người xem, ít được dư luận quan tâm lại dễ nẩy sinh tình trạng tiêu cực, “móc ngoặt”. Những hiện tượng xuất hiện mới đây tại vòng loại giải U19 quốc gia là những ví dụ sinh động, cho thấy thực tế một bộ phận giới bóng đá vẫn có thể “làm ẩu” nếu dư luận và khán giả không theo sát các trận đấu, hoặc giải đấu đấy.

Chưa kể AFC cũng vừa gửi thư đến các liên đoàn thành viên ở khắp châu Á, nhắc lại chuyện hạn chế tập trung, khuyến cáo nên “làm việc tại nhà”, tức là hạn chế các hoạt động bóng đá vào lúc này.

Dĩ nhiên, bảo V-League phải huỷ như ý kiến của ông Nguyễn Húp thì hơi quá. Nhưng nói giải đấu sẽ sớm trở lại thì lại quá vội vàng, khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nói chung. Giải đấu sẽ tiếp tục, nhưng chưa phải lúc này!

Dẫu biết giải tạm dừng càng lâu thì thiệt hại về tài chính, đặc biệt là thiệt hại về hợp đồng giữa đơn vị tổ chức giải với nhà tài trợ càng lớn. Nhưng nếu buộc phải lựa chọn, tin rằng làng cầu Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung sẽ nghiêng về lựa chọn tốt cho sức khoẻ của cộng đồng.

Giải La Liga của Tây Ban Nha chắc chắn có giá trị hợp đồng tài trợ rất lớn với các đối tác, nhưng vẫn buộc phải hoãn vô thời hạn, vì lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Giải Ligue1 của Pháp cũng vậy, có thể đến tận giữa tháng 6 mới đá lại. 

Ngay đến giải Premier League của Anh đứng trước nguy cơ đền hợp đồng cực khủng (riêng tiền bồi thường bản quyền truyền hình đã lên đến 3 tỷ bảng – tầm 90.000 tỷ đồng), mà họ còn tính chuyện chỉ đá lại từ ngày 1/6.

V-League trong bối cảnh đó, càng không nên vội vàng trở lại ngay lập tức. Thiệt hại về kinh tế trong những ngày này là thiệt hại chung của bóng đá toàn cầu, chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam, miễn là chịu thiệt mà mang lại sự an toàn về mặt sức khoẻ cho cộng đồng, giữa mùa dịch Covid-19! 

Thiện Nhân