1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

V-League chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp?

(Dân trí) - Rất lạ cái cảnh một số đội bóng tại V-League cứ thay ngoại binh xoành xoạch, thay vì phải có hợp đồng dài hạn như bóng đá chuyên nghiệp thực thụ. Điều mâu thuẫn ở chỗ CLB được khuyến khích làm lâu dài, trong khi cầu thủ thì chỉ được thuê theo kiểu vài trận.

Khác biệt lớn với bóng đá chuyên nghiệp thực thụ

Quay trở lại với câu chuyện Điều lệ của V-League hiện nay cho phép các CLB thay ngoại binh quá dễ, dùng vài ba trận rồi bỏ, xong tuyển người, rồi lại bỏ. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện mỗi đội bóng tại V-League có thể thoải mái thay thế và đăng ký ngoại binh 3 – 4 lần/mùa, dựa vào thực tế đang diễn ra tại V-League, nhà điều hành giải đấu phủ nhận điều đó.

Dù vậy, ngay trong văn bản phản hồi thông tin trên, chính những người điều hành V-League lại viết rằng: “Đội bóng có thể thay thế cầu thủ nhiều đợt khác nhau…”.

Điều rất khó hiểu nằm ở chỗ thay ngoại binh 3 – 4 lần/mùa có được tính là thay nhiều lần hay không? Rồi việc thay “nhiều lần” về mặt tính chất và ý nghĩa có khác với phúc đáp của chính BTC V-League, xung quanh chuyện đội bóng có thể thay ngoại binh “nhiều đợt”?

Dĩ nhiên, những lần (hay đợt) thay ngoại binh như thế đều phải nằm trong khoảng thời gian quy định của thời hạn chuyển nhượng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, tại sao các CLB thuộc V-League lại thay cầu thủ dễ đến thế?

V-League sau mùa thứ 15 đã thật sự chuyên nghiệp hay chưa?
V-League sau mùa thứ 15 đã thật sự chuyên nghiệp hay chưa?

Cách sử dụng nhân sự theo kiểu dùng vài ba trận rồi thanh lý có khuyến khích sự phát triển bền vững của giải đấu hay không? Có thực sự đảm bảo quyền lợi cho người lao động (tức các cầu thủ) hay không lại là một chuyên khác nữa?

Đâu thể lấy lý do cầu thủ không đạt yêu cầu về chuyên môn rồi dễ dàng bỏ, đâu thể vin vào cái cớ cầu thủ ngoại chấn thương, hoặc có tiền sử về bệnh nặng rồi cắt hợp đồng phát một.

Điều đấy thuộc về khâu thẩm định, thuộc về giai đoạn thử việc. Còn nếu đã chính thức đá bóng tại V-League, tức là đã gia nhập giải đấu, thì ít nhất phải có sự ràng buộc nhất định mang tính lâu dài giữa người sử dụng lao động (CLB) và người lao động (cầu thủ). Đằng này, Điều lệ của V-League lại cho phép điều đó xảy ra dễ dàng quá.

V-League sau mùa thứ 15 đã thật sự chuyên nghiệp hay chưa?

Nhà điều hành giải đấu phủ nhận chuyện một đội bóng thay cầu thủ nhiều lần/mùa, nhưng ngay trong văn bản phản hồi, họ lại khẳng định đội bóng có thể thay thế cầu thủ nhiều... đợt

Nó khác với câu chuyện của trung vệ Vermaelen ở Barcelona. Đội bóng Tây Ban Nha hầu như nuôi “báo cô” trung vệ người Bỉ trong suốt lượt đi mùa giải năm nay vì chấn thương, đến trước lượt về, họ cũng không tìm được đội nào có nhu cầu chuyển nhượng hoặc mượn cầu thủ này, đành bấm bụng nuôi tiếp, vì đã lỡ thẩm định sai từ ban đầu và đã lỡ ký hợp đồng để Vermaelen trở thành thành viên của CLB. Barcelona lúc đó đâu thể nói Vermaelen có tiền sử chấn thương nên họ buộc phải bỏ chỉ sau ít trận.

Bóng đá chuyên nghiệp là phải thế, giải đấu buộc CLB phải có nghĩa vụ với cầu thủ, trong khi điều ngược lại đang xảy ra ở V-League, nơi người ta tuyển người và bỏ người quá dễ.

Vụng chèo, khéo chống?

Thật ra thì Điều lệ của V-League có chặt chẽ hay không? Câu trả lời có lẽ nằm ở chính thực tế của giải đấu này nhiều năm qua. Về chuyện hàng loạt đội bóng dứ dễ dàng xuất hiện rồi biến mất khỏi giải đấu này.

Ngay ở mùa này thôi, người ta cũng bắt đầu lo về số phận của 2 đội Đồng Tháp và Cần Thơ, về những tranh chấp hợp đồng giữa cầu thủ và đội bóng chủ quản, bắt đầu xuất hiện ở 2 CLB miền Tây Nam bộ thời gian gần đây. Lo nhất về chuyện họ đi cùng nơi, nhưng không về đến chốn cùng các đội khác.

Lạ ở chỗ, BTC V-League không phải không có bài học từ K.Kiên Giang, hay HV.An Giang các năm trước, nhưng khâu thẩm định cấu trúc của CLB, thẩm định về khả năng năng tài chính của các đội bóng hầu như không có biến chuyển đáng kể.

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (văn bản mang tính định hướng cho Điều lệ của V-League) có chặt hay không? - Khi câu chuyện đào tạo trẻ vốn được nói suốt từ nhiều năm nay, nhưng đến mùa 2015 vẫn chưa đi đến đâu. Ban đầu các văn bản được soạn ra buộc các từng CLB phải có đủ 5 lứa trẻ tham gia các giải đấu cấp quốc gia, gồm U13, U15, U17, U19 và U21, nhưng sau đó có đội tuyên bố bỏ một giải trẻ trong số ấy, Quy chế nhanh chóng được… sửa lại cho phù hợp với đội thích làm mình làm mẩy.

Và những người soạn ra những quy chế và điều lệ ấy có thật sự cầu thị hay chăng, khi giới truyền thông chỉ ra những chỗ bất cập và chưa chuyên trong những văn bản vừa nêu, phản ứng đầu tiên và gần như ngay lập tức của nhà tổ chức giải đấu là… “phản pháo”?!

Trọng Vũ