1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

V-League ảnh hưởng thế nào đến chất lượng của đội tuyển Việt Nam?

(Dân trí) - Thông thường thì các đội tuyển mạnh trên thế giới đều sở hữu cái nền là giải quốc nội rất mạnh. Thành ra, vấn đề của đội tuyển Việt Nam cũng là vấn đề của giải V-League, vì giải đấu chính là nguồn cung cấp cầu thủ chủ yếu cho đội tuyển quốc gia.

Ngoài khả năng điều chỉnh chuyên môn, điều chỉnh lối chơi có phần hạn chế của HLV Nguyễn Hữu Thắng, thì thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016 còn xuất phát từ bản lĩnh kém của các cầu thủ trong một số trận đấu cụ thể.

Tuy nhiên, thật ra thì tuyển thủ quốc gia cũng chỉ là sản phẩm của một nền bóng đá, sản phẩm của một giải vô địch quốc nội vốn có nhiều vấn đề thường xuyên được phản ánh.

Muốn bản lĩnh của các cầu thủ Việt Nam tốt hơn, điều kiện cần là họ phải được thường xuyên được cọ xát trong môi trường giàu tính cạnh tranh hơn, nhằm tăng cường kinh nghiệm, cũng như tăng cường sức chịu đựng trong các trận đấu nhiều tính cạnh tranh.

Cầu thủ Việt Nam bị chê về mặt bản lĩnh vì họ trưởng thành trong môi trường V-League không giàu tính cạnh tranh
Cầu thủ Việt Nam bị chê về mặt bản lĩnh vì họ trưởng thành trong môi trường V-League không giàu tính cạnh tranh

Thế nhưng, khi nhìn lại V-League, người ta thấy rằng tính cạnh tranh chính là khâu yếu nhất của giải đấu này. Trong khi ở nhiều giải vô địch trên thế giới, giai đoạn cuối giải thường là giai đoạn khốc liệt nhất, nơi các đội bóng hoặc cạnh tranh các vị trí cao để tranh tiền thưởng, tranh suất dự các cúp châu lục, hoặc cạnh tranh để trốn suất xuống hạng, thì ở V-League, việc cạnh tranh này không thật gắt gao.

Ngôi vô địch V-League vốn không có nhiều đội mặn mà, suất dự cúp châu lục lại càng không, vì với các đội đấy là sự tốn kém, trong khi họ không có ý chí phải vươn mình ra châu lục.

Ví dụ như ở mùa giải vừa qua, ngay từ đầu lượt về, người tinh ý đã nhắc ngay đến cái tên Hà Nội T&T cho danh hiệu ứng cử viên vô địch số 1, ngay cả ở thời điểm Hà Nội T&T còn khá xa ngôi đầu.

Riêng ở cuộc chiến chống rớt hạng, do chỉ có 1 suất rớt hạng trực tiếp trong tổng số 14 đội tham dự, nên tỷ lệ cạnh tranh rất thấp (tỷ lệ rớt hạng trực tiếp chỉ vào khoảng 7%), các đội bóng vì thế cũng không quá lo đến thứ hạng của mình.

Điều đấy dẫn đến số lượng trận cầu thật sự căng thẳng ở V-League không nhiều. Mà cầu thủ không thường xuyên trải qua những trận cầu căng thẳng ở giải trong nước thì bản lĩnh cũng kém đi, nếu phải đối diện với những trận đấu có tính chất như thế lúc đá quốc tế.

Việc đội tuyển Việt Nam đá 6 trận trên sân nhà ở vòng knock-out AFF Cup từ khi giải đấu này chuyển sang thể thức sân nhà – sân đối phương, mà không thắng được trận nào (4 hoà, 2 thua), đồng thời chưa hề lội ngược dòng thành công sau khi bị dẫn trước ở lượt đi, chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là chi tiết phản ánh bản lĩnh kém, tâm lý kém của cầu thủ Việt Nam.

Đại bộ phận cầu thủ nội thường trải qua giai đoạn lượt về quá dễ đoán ở giải trong nước, khi kết cục của nhiều đội bóng gần như sớm được an bài, nhất là nhóm đội không cạnh tranh ngôi vô địch, cũng như không lo rớt hạng, tất yếu dẫn đến việc họ không biết thế nào là tính chất của những trận đấu một mất một còn.

Cần nhấn mạnh lại chi tiết giải quốc nội chính là nền tảng của mọi nền bóng đá, là chân đế để phát triển các đội tuyển. Không có đội bóng mạnh nào trên thế giới mà không sở hữu giải quốc nội giàu tính cạnh tranh. Ngay đến Thái Lan, khi muốn cải tổ chất lượng của đội tuyển quốc gia sau thất bại trước chính Việt Nam ở AFF Cup 2008, điều đầu tiên mà họ nghĩ đến cũng là cải tổ giải vô địch quốc gia, bằng Thai-League theo phiên bản mới, hấp dẫn hơn, khốc liệt hơn.

Thành ra, giải quyết chất lượng của đội tuyển quốc gia, giải quyết vấn đề bản lĩnh của các cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia, trước tiên và quan trọng nhất là cần giải quyết chất lượng của giải V-League, giải quyết tính cạnh tranh của giải đấu này.

Trọng Vũ

V-League ảnh hưởng thế nào đến chất lượng của đội tuyển Việt Nam? - 2