1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

V-League 2015: Trụ hạng vui hơn vô địch

(Dân trí) - Có lẽ không ở đâu trên thế giới lại có giải vô địch quốc gia mà ở đó cuộc đua giành quyền trụ hạng lại náo nhiệt hơn cuộc chiến giành ngôi vương. Cũng chẳng ở đâu trên thế giới, người ta lại đánh giá về cái đẹp tréo ngoeo như ở V-League.

Lệch lạc từ cái nhìn

Về cơ bản, B.Bình Dương ngoài ngôi vô địch vừa giành được còn có thêm thành tích là đội ghi được nhiều bàn thắng nhất (52 bàn), để thủng lưới thuộc vào loại ít nhất (28 bàn, chỉ nhiều hơn đội đứng đầu về khoản này là Hải Phòng 2 bàn). Họ không chỉ là đội bóng hiệu quả nhất, mà còn là đội bóng đẹp nhất về mặt thông số.

Nhưng những thông số ấy của đội bóng đất Thủ Dầu chưa bao giờ được đánh giá đúng mức. Lối chơi như thể hủy diệt của đoàn quân trong tay HLV Mai Đức Chung cũng chưa bao giờ được đánh giá cao. Ngược lại, người ta quan tâm đến một đội bóng quanh năm chật vật với chuyện rớt hạng, để thủng lưới triền miên (47 bàn – xếp thứ tư từ dưới đếm lên) là HA Gia Lai hơn hẳn nhà vô địch, thì thử hỏi có nghịch lý không chứ?!

Người ta không xem trọng ngôi vô địch của B.Bình Dương nên cả làng cầu nội hầu như cũng thờ ơ khi đội bóng đất Thủ Dầu đăng quang, trong khi cuộc chiến giành suất trụ hạng lại được tập trung chú ý.

Với người hâm mộ bình thường, họ hưng phấn cùng cuộc đua trụ hạng, bình thản với cuộc chiến giành ngôi đầu theo tâm lý đám đông may ra còn có thể hiểu được, nhưng lạ ở chỗ ngay chính những người điều hành giải đấu cũng gần như đứng ngoài cuộc trong chuyện này, không có phương thức thay đổi nghịch lý đó thì có lạ hay không?

 

binhduong-thanhhoa-28-8-15-1440765877032
Có lẽ chỉ có ở V-League mới có chuyện đội đoạt ngôi vô địch như B.Bình Dương... (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Người điều hành không có phương án điều chỉnh một giải đấu mà ở đấy người ta có thể thoải mái thua liền tù tì 2/3 chặng đường của giải, có khi 11 trận liên tục không thắng, nhưng chỉ cần thắng một vài trận ở giai đoạn cuối mùa là tình hình đổi khác, là có thể an toàn trụ hạng.

Ở mọi giải đấu khác trên thế giới, đội bóng tệ đến thế rớt hạng lâu rồi, trong khi ở V-League đội như thế vẫn được gọi là đẹp, thậm chí còn được một bộ phận nào đấy xem là tương lai của bóng đá Việt Nam thì quá lạ!

Vô cảm với chuyện ngược đời

Cũng vì thực tế ngược đời ở V-League, tạo điều kiện cho hàng loạt đội bóng ung dung thi đấu bết bát suốt cả mùa giải, chỉ cần nhặt điểm ở các vòng đấu chót, khi thứ hạng của hơn một nửa đội tham gia giải đã an bài, mới xuất hiện tiếp tình trạng đội yếu thắng đội mạnh xảy ra liên tục ở các vòng đấu chót.

 

haglvui-1-9-15-1441109220126
... không được xem trọng bằng đội quanh năm lo nỗi lo rớt hạng triền miên là HA Gia Lai (ảnh: Anh Hải)

 

Rồi lạ hơn nữa, cũng chẳng nhà chuyên môn hay bất cứ người làm công tác điều hành nào giải thích thấu đáo hiện tượng vừa nêu? - Rằng từ đâu ra chuyện có những đội bóng thắng như chẻ tre ở lượt đi (SL Nghệ An), thậm chí hiếm hoi lắm mới thất bại ở nửa đầu mùa giải (ĐT Long An), nhưng đến nửa sau toàn thua với thua, lại là thua trước những đội bóng mà trước đó họ thắng rất dễ và “điểm huyệt” đối phương rất dễ mới hài chứ!

Đấy không phải là những hiện tượng đơn lẻ, mà là những sự việc mang tính lặp đi lặp lại theo chu kỳ ở nhiều mùa bóng nối tiếp nhau, nhưng chưa bao giờ được đem ra phân tích, hay được người có trách nhiệm giải thích thấu đáo, chí ít là giải thích dưới lăng kính chuyên môn (nội chuyện đội yếu lại thắng hàng loạt đội mạnh đã là sự kiện đáng để phân tích và rút ra những bài học về chuyên môn lắm chứ, nếu đấy là việc đáng để học!).

Người ta bỏ qua câu chuyện đáng học hỏi về chuyên môn khi đội yếu liên tục quật ngã đội mạnh, bỏ qua chuyện cần phân tích thế nào là phát triển bền vững, ở chỗ một đội bóng đầu tư mạnh để vô địch có khác với một đội bóng ban đầu chủ trương xài toàn cầu thủ trẻ, sau đó vì lo rớt hạng đành phải phải thay đổi chủ trương, dùng lại cầu thủ mà họ từng có ý gạt bỏ, khác nhau chỗ nào?

Người ta không phân tích hoặc đưa ra những biện chứng rằng giữa 2 cách đầu tư một của B.Bình Dương và một của HA Gia Lai, cách nào bền vững hơn cách nào? Người ta cũng lờ luôn chuyện vì sao phần lớn làng cầu nội chỉ thích trụ hạng chứ chẳng mê vô địch? Và vì sao với đa phần các đội bóng, đứng thứ nhì từ trên đến xuống hay đứng nhì từ... dưới đếm lên có khác gì nhau? – Hay rốt cuộc chỉ cần giữ hạng là được?!

Trọng Vũ

 

logobanthethao-840e5