1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

U19 Việt Nam chưa mang tính đại diện

(Dân trí) - Cách mà VFF tạo ra đội tuyển U19 Việt Nam hiện nay theo kiểu một học viện có tăng cường khiến cho đội tuyển suy yếu vì thiếu tính đại diện, vì chưa tập hợp những cầu thủ tốt nhất trong lứa tuổi…

Bỏ quên nhiều tài năng ở đội tuổi U19

Điều này dần rõ ràng hơn khi mà VCK giải U19 quốc gia diễn ra song song với giai đoạn đội tuyển đi tập huấn tại châu Âu, khiến cho biết bao tài năng triển vọng của các lò đạo tạo khác đang bị bỏ rơi.

Những hạn chế của đội tuyển U19 cũng xuất phát từ đây. Thay vì thành lập đội tuyển dựa trên những cầu thủ tốt nhất, tạo nên sự cân bằng nhất có thể, cái đội mang tên U19 Việt Nam hiện tại lại chỉ bao gồm những cầu thủ chỉ mạnh có một mặt, nhưng lại yếu ở nhiều mặt khác, do phần lớn trong số họ chỉ được tập một số bài cố định từ lúc bắt đầu đá bóng đến nay.

Không thể phủ nhận lứa cầu thủ U19 xuất thân từ học viện HAGL-Arsenal của bầu Đức là lứa cầu thủ giàu chất kỹ thuật, đấy cũng là lứa cầu thủ có triển vọng, nhưng như chúng tôi từng đề cập, lứa cầu thủ ấy vẫn có những hạn chế không hề nhỏ.

Đội tuyển U19 Việt Nam chưa tập hợp tinh hoa từ nhiều lò đào tạo khác nhau
Đội tuyển U19 Việt Nam chưa tập hợp tinh hoa từ nhiều lò đào tạo khác nhau


Cũng cần phải nói thêm rằng chuyện đưa những cầu thủ vừa nêu sang châu Âu tập huấn là giúp ích cho các em.

Nhưng chỉ tiếc là cái lợi cho một nhóm cầu thủ chưa phải là cái lợi chung của cả nền bóng đá, bởi đội tuyển U19 Việt Nam không những không mạnh lên, mà ngày càng lún sâu vào điểm yếu của chính mình.

Trong khi đó, các trung tâm đào tạo trẻ khác bắt đầu cảm nhận được sự bất công, khi phần đóng góp của họ không được xem trọng đúng mức, quân của các trung tâm này cũng chưa có được cơ hội cạnh tranh công bằng để gia nhập đội tuyển U19 Việt Nam.

Tập hợp tinh hoa từ nhiều nguồn chỉ làm lợi cho cả nền bóng đá

Ở đây, không thể phủ nhận chuyện những người đang quản lý đội U19 Việt Nam và quản lý nền bóng đá có thái độ nóng vội trong việc “thúc” đội tuyển U19 Việt Nam phải “chín ép”.

Thái độ này có thể đến từ việc bóng đá Việt Nam có quá nhiều điểm tối trong vài năm trở lại đây, đến từ việc các đội tuyển cấp quốc gia thua xiểng liểng ở sân chơi từ khu vực cho đến châu lục.

Bóng đá nội mà cụ thể là những nhà quản lý bóng đá nội cần có một đội tuyển đủ sức đọ tài trên đấu trường quốc tế để làm yên lòng dư luận trong nước. Nhưng trượt từ cái sai này sang cái sai khác thì cũng không kém phần nguy hiểm.

Thứ nhất, việc người lớn đặt quá nhiều kỳ vọng, thậm chí kỳ vọng đến ảo tưởng của nhóm cầu thủ U19 hiện nay có thể làm hỏng tâm lý của chính các cầu thủ trẻ, đồng thời khiến cho họ thậm chí không biết thực chất là năng lực của họ đang nằm ở trình độ nào?

Không thể có chuyện một đội bóng vốn chỉ mới tham dự 1 – 2 giải đấu chính thức trước đó ngay lập tức có thể được xếp ngang hàng với những đội bóng được đào tạo bài bản mà chúng ta vừa thua họ tan tác, như một số người vẫn lầm tưởng.

Càng không thể có chuyện bất cứ cầu thủ nào xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG cũng là cầu thủ xuất sắc (cùng là tiền đạo, nhưng Công Phượng khác hẳn Văn Toàn, cùng là tiền vệ như Tuấn Anh chơi sáng tạo hơn hẳn Xuân Trường…)

Thứ nữa, sự tập hợp tinh hoa của cả nền bóng đá, ở lứa tuổi U19 nói cho cùng chỉ mang đến cái lợi cho bóng đá nội.

Nên nhìn nhận chất kỹ thuật của lứa cầu thủ xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG là sự bổ sung cho sự cằn cỗi của cả nền bóng đá vốn khô hạn dạng cầu thủ giàu chất tài hoa, chứ không nên đánh giá đấy là cách duy nhất để tạo nên một đội bóng.

Sẽ là thực tế hơn nếu ngay từ đầu những người quản lý bóng đá nội xây dựng đội tuyển U19 với sự kết hợp của những cầu thủ có kỹ thuật, với những cầu thủ có sức mạnh, kết hợp dạng cầu thủ giỏi tấn công với dạng cầu thủ biết thế nào là phòng ngự, được dẫn dắt bởi một HLV chuyên nắm các đội bóng đỉnh cao, thay vì sử dụng luôn chuyên gia đào tạo trẻ cho một đội bóng sắp đá đỉnh cao (trong ngành giáo dục, làm gì có chuyện giáo viên Tiểu học theo học trò đến tận Đại học bao giờ?!).

Kim Điền