1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Trọng tài sai hay... đổ sai cho trọng tài?

(Dân trí) - Có ít nhất 3 HLV công khai phản ứng trọng tài ở vòng 14. Điều đáng nói nằm ở chỗ không phải phản ứng nào của họ cũng đúng. Điều đó đặt ra vấn đề các đội “tố” rằng bị trọng tài ép, hay họ đang đồng loạt… ép trọng tài.

Công bằng mà nói, phản ứng của các HLV nhằm vào các trọng tài sau vòng 14 thậm chí còn sai nhiều hơn đúng. Trên sân Bình Dương, HLV Ngô Quang Trường của SL Nghệ An công khai chỉ trích trọng tài sau trận đội bóng xứ Nghệ hòa đội bóng đất Thủ Dầu.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, trọng tài Công Khanh trong trận này không mắc lỗi nặng, theo kiểu có thể làm sai lệch kết quả trận đấu. Dĩ nhiên, cũng có chỗ cần phải trách trọng tài Khanh, đó là lẽ ra ông phải mạnh tay hơn nữa, phải rút nhiều thẻ hơn nữa để phạt lỗi phản ứng của chính cầu thủ SL Nghệ An.

Các học trò của HLV Ngô Quang Trường sau mỗi tiếng còi lại nhào đến phồng mang trợn mắt, hết đẩy lại lấn trọng tài, thế mà hầu như vẫn không dính thẻ, thế thì chẳng biết họ còn đòi hỏi gì ở vị trọng tài này?

Không phải phản ứng nào nhằm vào giới trọng tài cũng đúng
Không phải phản ứng nào nhằm vào giới trọng tài cũng đúng

Ở sân Pleiku, HLV Graechen Guillaume của HA Gia Lai cũng chỉ trích trọng tài Hoàng Ngọc Hà về quả phạt đền mà HA Gia Lai phải chịu. Nhưng xem đi xem lại tình huống ấy, phải khẳng định là cầu thủ của Gỗ đã phạm lỗi với đối phương rõ ràng rồi, phạt đền là xứng đáng.

Nhiều người cũng ca thán về cách mà trọng tài Hà không cho cầu thủ của HA Gia Lai được đá phạt nhanh. Nhưng khi phàn nàn, người ta quên mất muốn đá phạt nhanh, trước tiên phải đúng… luật. Trước tiên phải xem bóng đá được đặt đúng vị trí phạm lỗi hay chưa? Phải xem trước khi thực hiện quả đá phạt nhanh, cầu thủ của Gỗ đã thực sự khiến cho bóng “chết” hay chưa?

Rồi cũng như trọng tài Công Khanh ở trận B.Bình Dương – SL Nghệ An, trọng tài Hoàng Ngọc Hà không mắc lỗi đáng kể, những lỗi ở dạng có thể làm sai lệch kết quả trận đấu. Thành ra, phản ứng mà HLV Graechen Guillaume nhằm vào vị “vua sân cỏ” xem ra hơi vô lý.

Đây là lúc mà các bên cần tỉnh táo, đặc biệt là các trọng tài cần tỉnh táo để tránh trở thành đối tượng để một vài đội bóng đổ lỗi nhằm đánh lạc hướng dư luận.

Ví như trường hợp của HA Gia Lai, thấy rõ là đội bóng phố núi đang bị ức chế sau chuỗi 9 trận không thắng. Sự ức chế đấy thể hiện qua việc trung vệ Franklin bên phía Gỗ trả đũa thô thiển đối thủ, rồi nhận thẻ đỏ, sau đó một loạt cầu thủ HA Gia Lai khác lại vây lấy trọng tài Ngọc Hà gây áp lực (rõ nhất và hung hăng nhất là thủ môn Minh Nhựt). Mà khi đang ức chế, người ta dễ phát ngôn… bừa.

Hoặc trận cầu Hà Nội T&T – SHB Đà Nẵng trên sân Hàng Đẫy. Cả nước biết rằng đấy là trận đấu của 2 đội bóng cùng một ông bầu, tức là chưa đá đã sai luật, chưa đá đã khó bàn về chuyên môn.

Mà phàm đã sai luật trước giờ bóng lăn, thì HLV Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng còn nói gì được về luật, về giới trọng tài? Trong khi người ta còn không chắc trận đấy 2 đội bóng của cùng một ông bầu mỗi bên chơi với bao nhiêu phần trăm sức?

Ở bóng đá châu Âu, cỡ Alex Ferguson hay Jose Mourinho mà phát biểu bừa bãi về các trọng tài, bắt lỗi họ vô căn cứ là bị phạt nặng chứ chẳng chơi, bị cấm làm nhiệm vụ và bị phạt thêm tiền vì tội nói bậy.

Trong khi đó, ở V-League, người ta cứ thoải mái mượn các phương tiện truyền thông để công kích đội ngũ cầm cân nẩy mực mà chẳng hề hấn gì! Hay tại những nhà tổ chức cũng không kiểm soát được giải đấu, không kiểm soát được chính những người tham gia cuộc chơi, nên chuyện gì cũng xí xóa cho qua?!

Trọng Vũ