1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Tranh cãi về chỉ tiêu HCB SEA Games 28 của bóng đá nam

(Dân trí) - Hội nghị ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam sáng 15/1 đã giao chỉ tiêu chung kết SEA Games 28 cho đội tuyển Olympic Việt Nam, đồng nghĩa với việc thầy trò HLV Miura chí ít phải có tấm HCB ở kỳ đại hội lần này. Đây là mục tiêu không dễ đạt được và nó đang gây ra tranh cãi với chính những người trong cuộc.

VFF là người bị bất ngờ đầu tiên khi nhận “lệnh” phải vào chung kết SEA Games 28. Nếu như các kỳ SEA Games trước, bóng đá Việt Nam tham dự luôn với mục tiêu “mặc định” là phải vào chung kết, thậm chí giành HCV, thì lần này khác hoàn toàn.

Trong lộ trình của mình, VFF và HLV Miura đang nhắm tới kỳ SEA Games 2017 sau 2 năm nữa. Vì thế, ở kỳ này, đội tuyển Olympic sẽ được trẻ hóa, hầu hết các cầu thủ sẽ đủ tuổi tham dự 2 kỳ SEA Games để tích lũy kinh nghiệm.

Chỉ tiêu của Olympic Việt Nam được đặt ra là quá cao so với thực lực

Chỉ tiêu của Olympic Việt Nam được đặt ra là quá cao so với thực lực

Theo quan điểm của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, bóng đá Việt Nam không thể làm theo kiểu ăn xổi như các kỳ SEA Games trước. Chúng ta cần có sự chuẩn bị lực lượng lâu dài, cùng với đó là những kế hoạch tập huấn hợp lý. Ông Dũng tin rằng sau 2 năm nữa, lứa U19 hiện tại sẽ trưởng thành và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng tấm HCV SEA Games.

Kế hoạch của VFF và HLV Miura nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn và người hâm mộ, thì đùng một cái VFF nhận “lệnh” từ cấp trên phải đưa đội tuyển Olympic Việt Nam vào chung kết SEA Games 28. Với những gì đang chuẩn bị cho kỳ SEA Games tại Singapore của VFF, rõ ràng việc Ủy ban Olympic Việt Nam giao chỉ tiêu cho đội tuyển Olympic phải lọt vào chung kết SEA Games 28 là không đánh giá đúng năng lực của các cầu thủ và trình độ của bóng đá khu vực Đông Nam Á lúc này.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, bóng đá Việt Nam cần phải thẳng thắn nhìn lại mình, xem chúng ta đang đứng ở đâu. Tham dự bất cứ giải đấu nào ai cũng muốn giành thành tích cao nhất, nhưng phải biết thực lực của mình đến đâu.

Năm 2013, chúng ta bị loại từ vòng đấu bảng, điều đó chứng tỏ năng lực cầu thủ trẻ đang đi xuống so với mặt bằng chung của khu vực. Nếu tiếp tục đặt chỉ tiêu cao, không chỉ gây áp lực, mà đã tự xếp đội tuyển Olympic Việt Nam cao hơn các đối thủ trong khu vực, mà điều này thì hoàn toàn không đúng thực tế.

Năm 2015, lần đầu tiên VFF ủng hộ kế hoạch trẻ hóa lực lượng, nên nếu cử đội tuyển trẻ có nhiều cầu thủ U19, chúng ta khó có thể kỳ vọng vào một kỳ SEA Games đạt kết quả như mong muốn. Chính HLV Miura vừa phải thừa nhận lứa U19 chưa đủ “trình” đá ở V-League, thì sao có thể đủ đẳng cấp đá ở sân chơi có tính cạnh tranh khốc liệt như SEA Games.

VFF quan tâm tới bóng đá trẻ, nhưng có một thực tế là các đội bóng khu vực đã quan tâm trước chúng ta lâu rồi. Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Indonesia…trong những năm gần đây các cầu thủ trẻ của họ đều được chơi ở giải vô địch quốc gia, được cọ xát rất nhiều để tích lũy kinh nghiệm, còn các cầu thủ của chúng ta mới chỉ bắt đầu chơi ở V-League. Đó là một sự thiệt thòi, nhưng làm bóng đá trẻ thì chưa bao giờ là quá muộn nếu chúng ta có một mục tiêu dài hơi hơn.

Nói về chỉ tiêu dành cho Olympic Việt Nam, HLV Miura cho rằng ông luôn muốn đội tuyển Olympic Việt Nam đạt được vị trí cao nhất ở mọi giải đấu. Trong bóng đá, chúng ta cũng phải có tham vọng. Tuy nhiên, mọi người cần phải dành 50 % cho thực tế. Chúng ta cần nhìn nhận lại thành tích của Olympic Việt Nam ở những giải đấu trước đây. Hãy xem chúng ta đã đạt được thành tích tốt nhất là gì.

Chỉ với thời gian ngắn làm việc tại Việt Nam, ông Miura đã nhìn ra rất nhiều vấn đề của bóng đá quốc nội. Nhưng vì sao những nhà quản lý cấp trên VFF lại không nhận ra được điều ấy?

Lê Cường