1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Thương vụ De Gea: Khi MU yếu thế…

(Dân trí) - MU đang rơi vào thế khó trong thương vụ De Gea trước sự “tấn công” của Real Madrid. Đó cũng là tiêu biểu cho thấy Premier League không còn là “thiên đường” của các cầu thủ…

MU “đứng ngồi không yên” vì De Gea

Cách đây vài ngày, tờ Mirror (dẫn nguồn tin từ Tây Ban Nha) khẳng định rằng Real Madrid chỉ chấp nhận chi 15 triệu bảng cho De Gea. Tất nhiên, bất cứ ai cũng có thể “cười khểnh” vì mức giá… khó chấp nhận này. MU sẽ chẳng bao giờ nhả Cầu thủ xuất sắc nhất CLB mùa này đổi lấy cái giá “bán như cho không” ấy, thậm chí, nó còn thấp hơn so với số vốn họ chiêu mộ người gác đền này năm 2011 (18 triệu bảng).

MU gặp khó
trong việc giữ chân De Gea trước sự tấn công của Real
MU gặp khó trong việc giữ chân De Gea trước sự tấn công của Real

Nhưng qua đó để thấy được sự lép vế của MU trong vụ giữ chân De Gea, người chỉ còn 1 năm hợp đồng với CLB và liên tục từ chối “trói chân” cùng Quỷ đỏ. Tới mức HLV Van Gaal đã phát bực và thốt lên rằng: “Tôi nghĩ mình không thể thuyết phục De Gea ở lại”.

Điều đáng nói ở chỗ, De Gea đã và đang có mọi thứ ở MU, một vị trí không thể thay thế trong khung gỗ, mức lương thuộc hàng “khủng” ở Premier League (nếu chấp nhận ở lại), tấm vé dự Champions League mùa giải tới.

Chính vì vậy, sự lưỡng lự của De Gea đã đẩy MU vào tình thế khó xử. Bởi lẽ, nếu càng để lâu, giá trị của người gác đền này sẽ càng giảm. Thậm chí, Quỷ đỏ hoàn toàn có khả năng mất trắng De Gea vào mùa Hè 2016.

Luật Bosman ra đời đã trao cho những cầu thủ “quyền lực vô hình”, đặc biệt là khi họ sắp hết hạn hợp đồng. Điều đó vô tình đẩy các CLB vào thế khó. Trong quá khứ, M.U từng chiêu mộ Van Persie từ Arsenal theo cách như vậy. Giờ đây, họ đang chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Tương tự, Bayern Munich cũng sở hữu Lewandowski theo dạng chuyển nhượng tự do từ Dortmund.

Premier League không còn là “thiên đường”

Như đã nói ở trên, De Gea có thể từ bỏ mọi thứ ở MU để hướng tới đích đến cao hơn, đó là Rela Madrid. Sự ra đi của người gác đền này (nếu xảy ra) cũng tương tự như những gì trải qua với Gareth Bale, Luis Suarez, Luka Modric, C.Ronaldo… trước đây.

Hai tiền vệ của Tottenham đã chọn cách “đình công” bỏ tập để thỏa nguyện vọng tới Real Madrid. Trong khi đó, ở thương vụ Suarez, báo giới Tây Ban Nha từng nghi ngờ rằng Barcelona đã “giật dây” để cầu thủ này gây scandal ở World Cup để “danh chính ngôn thuận” rời khỏi Liverpool. Còn với C.Ronaldo, tới cả “ông già gân” Sir Alex cũng chấp nhận “nhún nhường” để cầu này cập bến Bernabeu.

Trước De
Gea, hàng loạt “ngôi sao” lớn ở Premier League cũng rời khỏi giải đấu này
Trước De Gea, hàng loạt “ngôi sao” lớn ở Premier League cũng rời khỏi giải đấu này

Có một điểm chung giữa những cầu thủ này. Họ đều là những cái tên xuất chúng ở Premier League trong những năm qua nhưng sẵn sàng từ bỏ tất cả để tới khoác áo Real Madrid, Barcelona…

Nó cho thấy Premier League không còn là “thiên đường” của các cầu thủ. Thay vào đó, giải đấu này chỉ ví như “trạm trung chuyển” cầu thủ tới những CLB lớn hơn như Barcelona hay Real Madrid, nơi mà có thể mang tới cho họ ánh hào quang lấp lánh.

Đổi lại, Premier League là nơi thu nhận những “món hàng dạt” từ các “thiên đường” này (với mức phí khó tin). Mesut Ozil, Sanchez đã cập bến Arsenal với số tiền không hề rẻ. Trong khi đó, Di Maria đã trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Premier League khi gia nhập MU mùa Hè năm ngoái. Trước đó, Yaya Toure cũng chia tay Barcelona (nơi anh không thể tìm được vị trí chính thức) để sang làm “vua” ở Man City.

Giải Premier League luôn tự hào hấp dẫn nhất hành tinh nhưng đó chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài. Thực tế, các “ngôi sao” đang tìm cách rời khỏi nơi ấy để tới “thiên đường” của mình (Real Madrid, Barcelona). Đó là thực tế mà bất cứ ai cũng phải nhìn nhận.

H.Long