1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

“Thể thao Việt Nam quyết chuyển mình trong năm 2016”

(Dân trí) - Nhiệm vụ trọng tâm của TTVN trong năm 2016 chính là tham dự kỳ Thế vận hội tại Brazil. Đây cũng là giải đấu đoàn TTVN quyết tâm đạt thành tích cao nhất để khẳng định bước chuyển mình của mình trong việc đầu tư cho các môn thể thao Olympic, theo như phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn.

PV: Năm 2015 đã khép lại, ông có thể chia sẻ những thành tựu mà thể thao Việt Nam (TTVN) đã đạt được trong năm cũng như một số nhiệm vụ trọng tâm mà hướng tới trong năm 2016?

Ông Trần Đức Phấn: Trong năm 2015, TTVN có một kỳ SEA Games thành công. Không chỉ ở kỳ SEA Games này mà trước đó tại ASIAD 2014 chúng ta cũng đạt nhiều huy chương ở những môn cơ bản của Olympic. Việc TTVN chuyển hướng đầu tư và đặt mục tiêu là phải có huy chương ASIAD và Olympic nên có nhiều VĐV được đầu tư trọng điểm như Ánh Viên, Quách Thị Lan…

Phó TC trưởng Tổng cục TDTT tin vào sự thành công của TTVN trong năm 2016
Phó TC trưởng Tổng cục TDTT tin vào sự thành công của TTVN trong năm 2016

Trong năm 2016, TTVN có trọng tâm là Olympic 2016, Đại hội thể thao bãi biển châu Á… Đây là các giải đấu có sự cạnh tranh rất cao, nhưng chúng ta vẫn có những mục tiêu cụ thể đề ra và tin tưởng sẽ hoàn thành.

Việc đầu tư cho các môn Olympic là cách làm rất đúng đắng. Xin ông cho biết thêm về sự chuyển hướng của TTVN tại kỳ Olympic này với các môn trên?

Chúng tôi cũng đã có báo cáo đề án chuẩn bị lực lượng, đã được các bộ, ngành phê duyệt. Trong hơn 50 VĐV trọng điểm trên, sẽ có những VĐV như Ánh Viên được đầu tư chuyên biệt. Thời gian qua, các môn Olympic đã được chúng tôi quan tâm hơn nhiều, bên cạnh đó các điều kiện đảm bảo về trang thiết bị tập luyện, dinh dưỡng và đặc biệt là vấn đề y tế đang được làm rất tốt ở những trung tâm huấn luyện quốc gia.

Chúng tôi sẽ tập trung cho 5 môn là điền kinh, bơi lội, bắn súng, TDDC và cử tạ. Đây là những môn đều có VĐV sáng cửa giành huy chương ở Olympic. Ngoài việc đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài, thì việc thuê chuyên gia giỏi cũng là cách rất tốt nâng cao thành tích. Tôi đơn cử như vừa qua chúng tôi thuê 3 chuyên gia nước ngoài cho môn đấu kiếm, ngay lập tức SEA Games 28 đã cho kết quả rất tốt, với 8 HCV.

Theo ông đánh giá, những môn cơ bản của Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng… môn nào có khả năng đạt huy chương ở sân chơi Thế vận hội năm 2016?

Chúng tôi đã phải loại môn taekwondo ra khỏi nhóm những môn được tập trung này, bởi trong những năm gần đây, chúng ta thấy ngay cả Hàn Quốc cũng không có thành tích cao, nên chúng ta khó có thể tranh chấp huy chương ở những sân chơi lớn như Olympic hay ASIAD. Để nói về cơ hội tranh chấp huy chương là rất khó, nhưng những thế mạnh như cử tạ, bắn súng, TDDC chúng ta có hy vọng.

Còn những môn không có thành tích cao thì sự đầu tư sẽ được chuyển hướng ra sao, thưa ông?

Chúng tôi sẽ vẫn đầu tư, nhưng mức độ phải có sự điều chỉnh hợp lý. Theo đánh giá của tôi, ở các môn bóng hiện nay, ngoài bóng đá ra thì còn lại đều chưa vượt qua tầm Đông Nam Á. Vừa qua bóng chuyền đạt hạng 5 châu Á nhưng đó là giải chúng ta chỉ gặp đội hình 2, thậm chí là 3 của Nhật Bản.

Còn tại SEA Games, bóng chuyền Việt Nam cực khó vượt qua Thái Lan. Bao năm qua chúng ta chỉ hài lòng với tấm HCB. Như tôi đã nói ở trên, TTVN sẽ đầu tư cho các môn Olympic, trong khi các môn tập thể sẽ phải dựa chủ yếu vào nguồn lực từ xã hội hóa. Nói thật là ngành thể thao rất khó đầu tư cho các môn tập thể như bóng đá, bóng chuyền.

Tại SEA Games 28, Ánh Viên đã trở thành một “hiện tượng” của TTVN. Đây chắc chắn là điểm nhấn lớn nhất của chúng ta ở sân chơi khu vực trong những năm tới, còn tại Olympic thì sao khi VĐV đã có 3 vé chính thức tới Brazil?

SEA Games 28, Ánh Viên không chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí trong nước, mà còn với cả quốc tế. Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh Ánh Viên về nước trong sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ. Đó chính là những điều mà chúng tôi cũng như các VĐV đều mơ ước. Từ trường hợp của Ánh Viên, tôi hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều VĐV cống hiến cho sự nghiệp thi đấu.

Còn riêng với ngành thể thao, sự đầu tư đúng hướng cho Ánh Viên sẽ là “chuẩn” để đầu tư cho nhiều môn khác, VĐV khác. Trong thời gian này, Ánh Viên đang tập huấn tại Mỹ và đã có những thông số rất tích cực trong tập luyện. Mục tiêu của Ánh Viên là vào chung kết các nội dung tại Olympic 2016, còn huy chương thì cũng khó nói.

Nhân dịp đầu năm mới, ông muốn nói gì với những người đang làm công tác thể thao, các HLV, VĐV?

Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc cho TTVN có một bước chuyển mình mạnh mẽ ở Olympic tới đây. Từ nay tới Olympic 2016, TTVN đang phải chạy đua với thời gian để hoàn thành mục tiêu giành ít nhất 16-18 suất chính thức. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng không phải không thể hoàn thành. Tôi tin là các đội tuyển, các HLV, VĐV đều sẽ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hà Nguyên