1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Thạch Kim Tuấn: “Vua” săn tiền thưởng của thể thao Việt Nam

(Dân trí) - Trong bối cảnh các VĐV thể thao thành tích cao gặp nhiều khó khăn về chế độ thì lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn vẫn “sống khoẻ” bằng nghề. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Kim Tuấn được nhận thưởng lên tới 1,5 tỷ đồng, vượt qua những đàn anh như Tiến Minh, Quang Liêm về thu nhập.

Thể thao Việt Nam không có nhiều những VĐV sống khỏe bằng nghề, nhưng với Kim Tuấn lại là một trường hợp đặc biệt. Với những thành tích đạt được ở các giải trong nước và quốc tế, những tấm huy chương đã mang về cho gia đình Tuấn số tiền thưởng lớn để trang trải cuộc sống và chuẩn bị cho những kế hoạch trong tương lai.

Tám năm theo đuổi niềm đam mê, chàng trai quê Bình Thuận hiện sống ở TP. HCM này đã có trong tay bộ sưu tập thành tích đồ sộ ở hạng 56 kg nam, điều mà ngay cả lực sĩ đàn anh Hoàng Anh Tuấn (Á quân Olympic 2008) cũng phải ao ước. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Tuấn đã thiết lập nhiều kỷ lục ở giải trẻ thế giới, châu Á.

Gần nhất, ngày 8/11, Kim Tuấn đã xuất sắc giành 1 HCV (cử giật) và 2 HCB (cử đẩy và tổng cử). tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2014 ở Almaty (Kazakhstan). Chiến thắng này mang về cho Kim Tuấn hơn 500 triệu đồng tiền thưởng. Ngoài ra, do là VĐV của TP.HCM, Kim Tuấn được Sở VH, TT&DL TP.HCM thưởng thêm gần tương ứng số tiền 275 triệu đồng nên tổng số tiền anh nhận khoảng 550 triệu đồng.

VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn

VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn

Trước đó hồi tháng 6, Kim Tuấn đăng quang cũng ở hạng cân 56kg nam tại Giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2014, được nhận thưởng khoảng 350 triệu đồng.

Thành tích thi đấu tại Asiad 2014 hồi tháng 9 cũng mang về cho Kim Tuấn ít nhất 700 triệu đồng (thưởng nóng, thưởng chế độ Nhà nước và của đơn vị TP. HCM). Như vậy, chỉ tính riêng trong năm nay, ngoài khoảng hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng cho những VĐV tài năng đặc biệt, Tuấn nhận khoảng 1,5 tỷ sau những thành tích quốc tế. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phi thường của chàng lực sĩ người Bình Thuận.

Tại cuộc bình chọn VĐV tiêu biểu 2014, khá đáng tiếc khi Kim Tuấn chỉ về đích ở vị trí thứ 3, dù những thành tích của anh xứng đáng để xếp nhất. Tuy nhiên, có giành danh hiệu VĐV tiêu biểu hay không với Tuấn không quá quan trọng. Anh vẫn nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp thi đấu của mình. Ngoài giấc mơ giành huy chượng tại Olympic 2016, Kim Tuấn còn một ước mơ lớn khác.

Năm 2009, cả làng thể thao Việt Nam ngã ngửa trước thông tin nhà quán quân SEA Games Thạch Kim Tuấn chưa học hết lớp 6. Nhìn mặt mũi khôi ngô lanh lợi, rồi cách giao tiếp, kể cả trả lời phỏng vấn nghe rất được của Tuấn, ai cũng tưởng đó là chuyện đùa. Thế nhưng, chuyện Kim Tuấn phải bỏ học từ năm 12 tuổi là một sự thật đau xót, dẫu sau này Kim Tuấn đã giành biết bao chiến công cho cử tạ Việt Nam.

Chuyện bỏ học với Tuấn là sự bắt buộc. Mới lên 3 mẹ anh đã mất sau một tai nạn thương tâm. Nhà có 4 chị em, hầu hết đã phải bỏ học giữa chừng để lo kiếm đủ bữa ăn. Lúc Tuấn tròn 6 tuổi, người chị cả Thạch Giáng Hương đã dắt díu cả 3 em rời quê lên TP. HCM mưu sinh trong tình cảnh không người thân quen, không một đồng dắt lưng. Cả tuổi thơ của Tuấn, là những ngày tháng làm đủ mọi nghề để kiếm thêm, khi thì bán vé số, khi thì tẩm quất, bán đậu nành... Tuấn cũng không thể nào quên 4 chị em phải sống trong căn nhà thuê rộng chỉ 12m vuông, đến cái quạt cũng không có vì tiết kiệm điện.

Không được theo học như bạn bè cùng trang lứa, nhưng Tuấn lại đang trở thành tấm gương với giới trẻ bởi sự nỗ lực vươn lên của mình. Thế

Nhưng, mỗi một thành công đều là một sự đánh đổi. Để có được thành công như ngày hôm nay, Tuấn đã phải trả giá bằng cái sự học dở dang của mình. Chính điều đó, đã tạo nên những trăn trở với các nhà quản lý. Còn với Tuấn, giấc mơ đi học Đại học, chính là giấc mơ lớn nhất với cuộc đời anh.

“Thi đấu mãi cũng đến tuổi giải nghệ, nhưng chuyện học thì suốt đời. Em không muốn người ta nói mình là thất học”, Tuấn tâm sự.

Hiện tại, chàng nam sinh 20 tuổi đang học lớp 8. Chuyện tập luyện, thi đấu chiếm hầu hết thời gian, nhưng Tuấn vẫn quyết tốt nghiệp cấp 2, học hết cấp 3 và sau đó là vào Đại học.

Hiểu Minh