1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Phong trào hoá V-League

(Dân trí) - V-League hiện có quá nhiều đội trên mức cần thiết, bởi phần đông trong số này không giống các CLB chuyên nghiệp đúng nghĩa, V-League cũng tồn tại hiện tượng “một ông chủ - nhiều đội bóng”, những điều không hề giống với tính chất của một giải đấu chuyên nghiệp.

Đông nhưng không tinh

Vấn đề của V-League nằm ở chỗ giải đấu này có rất đông đội, nhưng không giải quyết về mặt chất lượng. Mà càng đông đội, càng nhiều trận đấu thì tính hấp dẫn càng giảm, khiến cho giai đoạn cuối mùa tại V-League năm này qua năm khác lại là giai đoạn vắng khán giả nhất, chủ yếu do người xem thấy chán với cái khung cảnh nhàn nhạt ở sân chơi vô địch quốc gia.

V-League có đông đội tham dự (14), nhưng người ta không giải quyết được vấn đề các đội đấy có phát triển được bền vững hay không? Có theo kịp các quy tắc chung của bóng đá chuyên nghiệp hay chưa (về mô hình, về cách thức quản lý, về cơ sở vật chất, về khả năng cân đối thu – chi...)?

Lấy ví dụ trường hợp của Đồng Tháp, sau khi rớt khỏi V-League 2016, đội bóng miền Tây Nam bộ có lần thứ 5 trong khoảng 5 – 7 năm qua rớt hạng. Chẳng có gì đảm bảo rằng Đồng Tháp rút ra được bài học gì về cách làm bóng đá chuyên nghiệp, trong ngần ấy lần lên lên xuống xuống giữa 2 hạng đấu thuộc cấp độ chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, chẳng có gì chắc chắn rằng Đồng Tháp còn tồn tại nổi ở mùa sau.

V-League càng nhiều đội thì chất lượng lại càng giảm (ảnh: Trọng Vũ)
V-League càng nhiều đội thì chất lượng lại càng giảm (ảnh: Trọng Vũ)

Bản thân Đồng Tháp từng được cấp cứu một lần cách nay 2 mùa giải, với sự bơm tiền vào giờ chót của hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh, nhưng sau lần cấp cứu đấy, đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn không khá hơn.

Các doanh nghiệp không thể “gồng” mãi, trong tình cảnh càng làm thì càng lỗ, càng duy trì đội bóng thì càng dễ sinh nợ. Rồi câu chuyện của Đồng Tháp vẫn cũ rích như hồi chưa được cấp cứu: Đó là chuyện cầu thủ tố đội bóng nhiều khoản đã hứa, kiện tụng nhau ở đầu mỗi mùa giải.

Có nghĩa không hề có bất cứ sự bảo chứng về mặt tài chính nào trong việc tồn tại của một CLB chuyên nghiệp, trong khi những người tổ chức giải đấu vừa điều hành giải, vừa hy vọng các đội cố gắng giữ lời hứa của mình, cố gắng xoay xở tìm nguồn tiền để hoạt động.

Và nguồn tiền đấy, nếu không phải từ địa phương, thì từ túi của các ông bầu. Thành ra, mới có chuyện “một ông chủ - nhiều đội bóng”. Ở V-League, miễn là có tiền là có bao nhiêu đội bóng cũng được, bởi cơ bản các đội quá khát tiền, trong khi những người điều hành giải và những người điều hành bóng đá nội lại quá khát đội để tổ chức giải, chuộng số lượng hơn chuộng chất lượng.

Số lượng đội tỷ lệ nghịch với chất lượng càng cầu

Họ quên mất rằng càng nâng số lượng đội lên cao hơn năng lực thực của nền bóng đá thì càng làm giảm chất lượng làng cầu, giảm chất lượng giải đấu. Họ cũng quên rằng không xử lý đến nơi đến chốn tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” thì chất lượng cũng giảm, tính cạnh tranh và tính công bằng cũng không còn, và hệ quả là không ai muốn xem một giải đấu vừa kém chất lượng, vừa không có sự công bằng mà họ đang tổ chức.

Cầu thủ tại V-League thường xuyên phải thi đấu giữa những khán đài trống vắng (ảnh: Trọng Vũ)
Cầu thủ tại V-League thường xuyên phải thi đấu giữa những khán đài trống vắng (ảnh: Trọng Vũ)

Những người điều hành giải và những người điều hành bóng đá nội cũng ít khi chịu nhìn xung quanh, rằng giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam đang thu hút lượng khán giả đáng mơ ước, nhờ tính chuyên nghiệp, nhờ chất lượng các đội bóng tham dự và nhờ tính khách quan mà giải đấu mang lại cho người xem.

Bóng rổ không phải là môn thể thao được ưa chuộng ở Việt Nam, nhưng giải nhà nghề mới ra đời luôn đảm bảo người xem ngồi chật nhà thi đấu, cho dù giá vé không hề rẻ (một chỗ ngồi đẹp của Sài Gòn Heat được bán với giá đến 900.000 đồng/vé), ngược lại bóng đá có thả cửa miễn phí cũng không mấy người muốn vào sân.

Giải đấu đấy chỉ gồm 5 đội, nhưng là những đội có chất lượng thực sự, có năng lực tài chính thực sự, để đảm bảo việc tồn tại một cách nghiêm túc. Đấy cũng là mô hình của bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc ngày mới lên chuyên, chỉ gồm 6 – 8 đội nhưng đảm bảo chất lượng, và thay vì đá vòng tròn 2 lượt, họ chơi vòng tròn 4 lượt để tăng số trận đấu, phục vụ công tác kiếm tài trợ và bán vé.

Hình như những người làm bóng đá nội không đánh giá đầy đủ 2 từ “chuyên nghiệp”. Bởi, giải chuyên nghiệp không phải là giải các đội bóng hoạt động ra sao cũng được tham gia, giải chuyên nghiệp càng không phải là giải mà một ông chủ muốn sở hữu bao nhiêu đội thì sở hữu!

Trọng Vũ

Phong trào hoá V-League - 3