1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những vụ chuyển nhượng đình đám nhất bóng đá nội năm 2015

(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam không còn nhiều vụ chuyển nhượng bom tấn như giai đoạn cách nay vài năm. Nhưng vẫn có một số vụ chuyển đổi cầu thủ từ CLB này sang CLB khác khiến cho giới truyền thông tốn khá nhiều giấy mực trong năm nay.

1/ Công Phượng từ HA Gia Lai chuyển sang Mito Hollyhock (J-League 2, Nhật Bản). Đây không phải là vụ chuyển nhượng đắt giá, bởi để đổi lại sự phục vụ của Công Phượng trong vòng 1 năm, Mito Hollyhock được đồn rằng chỉ phải chi khoảng 100.000 USD (hơn 2,2 tỷ đồng) cho phía HA Gia Lai. Công Phượng cũng không phải là cầu thủ hưởng lương quá cao khi đến Nhật (với mức khoảng 3.000 USD/tháng).

Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng này vẫn nổi tiếng vì nó liên quan đến Công Phượng, cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam hiện giờ, và liên quan đến lứa U19 Việt Nam vốn đã thành thương hiệu của bóng đá nội vài năm qua.

 

Công Phượng chuẩn bị nói lời chia tay người hâm mộ trong nước để sang Nhật đá bóng (ảnh: Nguyễn Đình)
Công Phượng chuẩn bị nói lời chia tay người hâm mộ trong nước để sang Nhật đá bóng (ảnh: Nguyễn Đình)

 

2/ Tuấn Anh từ HA Gia Lai sang Yokohama FC (J-League 2, Nhật Bản). Thêm một vụ chuyển nhượng khác trở nên đình đám vì có liên quan đến lứa cầu thủ thuộc đội U19 Việt Nam năm nào. Giống như vụ chuyển nhượng Công Phượng đến Mito Hollyhock, việc Tuấn Anh sang Nhật khoác áo Yokohama FC chưa chắc thu về số tiền quá lớn cho HA Gia Lai.

Thậm chí, giá trị cụ thể của bản hợp đồng này như thế nào cho đến nay vẫn là bí ẩn. Nhưng vụ chuyển nhượng vẫn nổi tiếng vì cơ bản Tuấn Anh là cầu thủ nổi tiếng. Bên cạnh đó, vụ chuyển nhượng này không chỉ gói gọn trong phạm vi bóng đá, mà còn là sự hợp tác toàn diện giữa tập đoàn của bầu Đức với đối tác Nhật Bản đang sở hữu CLB Yokohama FC.

 

Tuấn Anh (8) gia nhập Yokohama FC từ mùa tới (ảnh: Nguyễn Đình)
Tuấn Anh (8) gia nhập Yokohama FC từ mùa tới (ảnh: Nguyễn Đình)

 

3/ Thủ môn Bửu Ngọc từ Đồng Tháp đến Cần Thơ. Giá cụ thể của phi vụ vừa nêu là vào khoảng 6,6 tỷ đồng cho 3 năm đá bóng của Bửu Ngọc ở đội bóng mới Cần Thơ. Đây có lẽ là một trong những vụ chuyển nhượng cao giá nhất trong năm của bóng đá nội. Ngoài ra, vụ này còn đáng chú ý ở chỗ Bửu Ngọc phải rất khó khăn mới thỏa thuận xong việc đền bù hợp đồng với đội bóng cũ Đồng Tháp.

Rồi chỉ sau khi chơi cho Cần Thơ đúng 1 mùa, thủ thành hộ pháp này bất ngờ nhận được văn bản muốn thanh lý hợp đồng từ phía đội bóng đất Tây Đô. Sau đó, phía CLB bóng đá Cần Thơ giải thích đấy chỉ là văn bản mời Bửu Ngọc đến làm việc, còn sai sót trong câu chữ xuất phát từ bộ phận… văn thư.

4/ Hoàng Thịnh từ SL Nghệ An về Thanh Hóa. Trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam nói chung không còn chi mạnh tay như vài năm trước, thì vụ chuyển nhượng Hoàng Thịnh về Thanh Hóa cũng không phải quá cao giá. Tuy nhiên, ý nghĩa của vụ chuyển nhượng này nằm ở chỗ Thanh Hóa giờ đã là điểm đến hấp dẫn đối với các ngôi sao của bóng đá nội, thay vì B.Bình Dương hay Hà Nội T&T, trong khi Hoàng Thịnh là một trong những tiền vệ trung tâm tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại.

Điều đó cũng cho thấy khát vọng muốn xưng vương của đội bóng xứ Thanh. Ngoài Hoàng Thịnh, trước và sau đó, Thanh Hóa còn có thêm sự phục vụ của Hoàng Văn Bình, Mai Tiến Thành, Đình Đồng, thậm chí có thể là cả Lee Nguyễn trong tương lai không xa.

5/ Bầu Đệ giao lại quyền quản lý CLB bóng đá Thanh Hóa cho tập đoàn FLC. Đây không phải là vụ chuyển nhượng cầu thủ thông thường, mà là vụ chuyển nhượng có quy mô và tính chất còn lớn hơn, đó là chuyển nhượng đội bóng, điều không còn được thấy sau thời V.Ninh Bình mua lại CLB Sơn ĐT Long An, hoặc Navibank Sài Gòn mua lại suất đá V-League của đội bóng đá QK4 cách nay vài năm.

Sau khi được chuyển giao cho tập đoàn FLC, Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ mang theo mình sức mạnh mới, từ tiềm lực tài chính dồi dào của tập đoàn bảo trợ. Thậm chí, người xứ Thanh đã bắt đầu nghĩ về ngôi vô địch V-League ở mùa giải tới, sau khi B.Bình Dương đã no nê danh hiệu, còn 2 đội bóng của bầu Hiển là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng mấy năm trở lại đây cũng không mặn mà với ngôi vị cao nhất.

Kim Điền

 

Những vụ chuyển nhượng đình đám nhất bóng đá nội năm 2015 - 3