1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những vấn đề nảy sinh cuộc khủng hoảng ở Barcelona

(Dân trí) - Sau thảm bại tại Champions League, Barcelona tiếp tục sảy chân tại đấu trường La Liga và để mất đi quyền tự quyết trên đường đua đến chức vô địch. Hai trận thua này phơi bày toàn bộ sự hỗn loạn vô phương cứu chữa mà “gã khổng lồ xứ Catalonia” đang đối mặt.

Barca đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ thời Rijkaard
Barca đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ thời Rijkaard

Nỗi ám ảnh từ những chuyến hành quân xa nhà: Barcelona thể hiện một phong độ rất kém cỏi mỗi khi phải thi đấu trên sân khách. Trong 10 chuyến hành quân xa nhà gần nhất tại đấu trường La Liga thì có tới 7 trận đấu thầy trò Martino để mất điểm. Ngoài ra, 5 chuyến làm khách trước Valladolid, Real Sociedad, Athletic Bilbao, Levante và mới nhất là Granad, Barcelona đều ra về trắng tay.

Thiếu đi những phương án dự phòng: HLV Martino gần như không thể đem đến sự đột biến thông qua những quyết định thay người mỗi khi Barca lâm vào tình thế bế tắc. Chiến lược gia người Argentina thiếu trầm trọng những sơ đồ chiến thuật dự phòng lẫn sự quyết đoán ở thời điểm khó khăn. Thậm chí, hầu hết các trận đấu của Barca, Martino không hề sử dụng hết 3 quyền thay người.

Tác hại từ việc hoạch định xây dựng lực lượng kém: Trong vòng hai năm qua, vấn đề tăng cương cho vị trí trung vệ luôn rất cấp thiết đối với “gã khổng lồ xứ Catalonia”. Tuy nhiên, bất chấp những cuộc khủng hoảng tồi tệ ở hàng thủ, ban lãnh đạo không hề đưa về Nou Camp bất cứ trung vệ nào. Hệ quả của những sai lầm trên thị trường chuyển nhượng ấy là Barca đang thiếu trầm trọng những trung vệ. Bằng chứng nhãn tiền là ở trận thua Granada cuối tuần qua, Martino sử dụng hai cầu thủ sở trường đá tiền vệ (Mascherano và Busquets) thi đấu ở vị trí trung vệ.

Xung đột triết lý bóng đá giữa Martino và các học trò: Thầy trò Martino không có được sự thống nhất trong tư tưởng. Chiến lược gia người Argentina muốn các học trò thi đấu trực diện, phát triển bóng theo chiều dọc sân với tốc độ cao. Tuy nhiên, triết lý chơi bóng theo phong cách tiki-taka đã thấm vào tận xương tủy những trụ cột của Barcelona. Sự xung khắc về tư tưởng chơi bóng lên đến đỉnh điểm tại Calderon khi Martino quyết định rút Busquets và Iniesta, những cầu thủ giữ vai trò linh hồn trong lối chơi Barcelona ra khỏi sân.

Phong độ kém cỏi của những trụ cột: Mùa giải này, những trụ cột của Barcelona thi đấu rất phập phù và hiếm khi cùng nhau đạt được phong độ cao. Iniesta chỉ thực sự bùng nổ trở lại sau Giáng sinh. Messi ra sân không đều đặn vì chấn thương và đặc biệt là “mất tích hoàn toàn” trong hai trận đấu gần nhất của Barcelona. Xavi vẫn ra sân một cách đều đặn song luôn chơi ở mức tròn vai. Cesc Fabregas sa sút phong độ trầm trọng từ khi giai đoạn lượt về bắt đầu.

Neymar thi đấu rất nỗ lực trong hai trận đấu gần nhất của Barcelona, thậm chí anh gần như là người duy nhất chơi bóng. Tuy nhiên những bê bối xung quanh vụ chuyển nhượng có vẻ đã trói chặt đôi chân tài hoa của thần đồng bóng đá Brazil, khiến anh thi đấu rất thiếu ổn định. Và cuối cùng, thủ thành Valdes dính chấn thương nặng vào thời điểm quan trọng nhất của mùa giải.

Vấn đề ngoài sân cỏ: Các cầu thủ Barcelona đang phải thi đấu trong một môi trường tồi tệ nhất có thể khi Nou Camp liên tục phải trải qua những biến động lớn. Điển hình như bê bối tài chính xung quanh thương vụ Neymar, chủ tịch Sandro Rosell từ chức hay mới đây nhất là việc bị FIFA cấm tham gia thị trường chuyển nhượng vì sai phạm trong tuyển dụng cầu thủ trẻ.

HT